Việt Nam sẵn sàng thành lập trung tâm hợp tác Nam - Nam cho vùng châu Á - Thái Bình Dương

Tại buổi làm việc với ông QU Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) vào chiều 6.2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định Việt Nam sẵn sàng thành lập trung tâm hợp tác Nam - Nam cho vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông QU Dongyu, Tổng giám đốc FAO chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác Nam - Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông QU Dongyu, Tổng giám đốc FAO chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác Nam - Nam

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính quốc tế cho ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng ít và khó khăn, sự ủng hộ, hỗ trợ của FAO cho các dự án, các chương trình, sáng kiến khu vực và toàn cầu, các hợp tác kỹ thuật trực tiếp của FAO cho Việt Nam là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã khẳng định: "FAO là đối tác quan trọng trong số các cơ quan hợp tác kỹ thuật của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đối với ngành nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Chính phủ và nông dân Việt Nam cám ơn sự hỗ trợ hiệu quả của FAO trong hơn 45 năm qua, thông qua hơn 400 dự án về phát triển nông, lâm, thủy sản bền vững, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp ổn định đời sống người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 11,86% GDP của quốc gia và tạo việc làm cho gần 30 % lao động. Trong suốt tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một phần to lớn đóng góp tích cực của các đối tác, bạn bè quốc tế, trong đó có tổ chức FAO, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là mục tiêu SDG1 và SDG2.

FAO Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ và phối hợp huy động nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời giúp người dân phục hồi sau cơn bão Yagi và hoàn lưu bão (tháng 9.2024). Đây là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn - là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hợp tác Nam – Nam, hợp tác ba bên với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế song phương và đa phương.

FAO là cầu nối để huy động tài chính cho các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam có thể hướng dẫn, làm mô hình trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Phi thông qua hợp tác Nam - Nam. Việt Nam sẵn sàng thành lập trung tâm hợp tác Nam – Nam cho vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng rằng, quan hệ giữa Việt Nam với FAO nói riêng và Liên Hợp Quốc nói chung đã chặt chẽ càng chặt chẽ hơn, tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho mọi người dân trên toàn thế giới trong đó có 100 triệu người dân Việt Nam.

Nhân dịp này, FAO và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nam – Nam.

Hợp tác Nam - Nam là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển (UNDP). Cộng đồng quốc tế thống nhất rằng hợp tác Nam - Nam giữ vai trò quan trọng của quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển nói chung và đối với việc đạt các Mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ (MDGs) vào thời hạn 2015.

Hợp tác Nam - Nam cung cấp những giải pháp cụ thể với những thách thức phát triển chung của toàn cầu; chia sẻ những bài học thực tiễn tốt nhất, tài trợ cho các dự án thí điểm, cung cấp vốn cho việc mở rộng các dự án thành công, cung cấp hàng hóa khu vực công cộng, phát triển và áp dụng thích hợp các công nghệ.

Việt Nam đã tham gia tích cực và ngày càng sâu rộng trong các quan hệ hợp tác phát triển với các quốc gia đang phát triển khác (hợp tác Nam - Nam) và hợp tác ba bên với sự tham gia của các nước phát triển và nhà tài trợ; ủng hộ và cam kết thực hiện Tuyên bố Busan về quan hệ đối tác vì hợp tác phát triển hiệu quả (BPD).

Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD), trong đó cam kết "Thông qua việc mở rộng hợp tác Nam - Nam, Chính phủ Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác với các quốc gia đang phát triển khác thông qua việc mở rộng thương mại, đầu tư, chia sẻ kiến thức và hợp tác kỹ thuật".

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tăng cường và mở rộng hợp tác song phương với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Carribe trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, chuyển giao công nghệ, cung cấp hỗ trợ tài chính,...

Ngoài các quan hệ song phương, Việt Nam còn tham gia các chương trình hợp tác ba bên với sự tham gia của các nhà tài trợ như Nhật Bản (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA), Liên Hợp Quốc, ADB, Đức, Australia (AusAID), FAO,... với các nước trong khu vực ASEAN.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viet-nam-san-sang-thanh-lap-trung-tam-hop-tac-nam-nam-cho-vung-chau-a-thai-binh-duong-229032.html