Việt Nam - Singapore đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong ngành bán dẫn
Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng mới trên bản đồ bán dẫn toàn cầu, trong khi Singapore được xem là cường quốc công nghệ với hệ sinh thái bán dẫn phát triển. Cái bắt tay giữa hai quốc gia hứa hẹn mở ra một chuỗi cơ hội hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực được xem là 'trái tim' của kỷ nguyên số.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng, hội thảo chuyên đề do Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore phối hợp cùng Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Singapore (SSIA) tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới doanh nghiệp và các tập đoàn công nghệ lớn như Qualcomm, Marvell, và Tập đoàn Công nghiệp Bán dẫn Quốc tế.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Phước Anh - Đại sứ Việt Nam tại Singapore khẳng định, ngành bán dẫn hiện đang được Việt Nam xác định là trụ cột chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế số và công nghiệp công nghệ cao. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực chất lượng cao toàn cầu, đồng thời xây dựng năng lực nội địa trong các khâu thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm định và nghiên cứu phát triển (R&D).

Theo chiến lược này, doanh thu ngành bán dẫn Việt Nam có thể đạt trên 25 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ước tính từ 10-15% mỗi năm trong giai đoạn 2024-2030.
Ở chiều ngược lại, Singapore - quốc gia có ngành bán dẫn đang chiếm gần 12% sản lượng bán dẫn toàn cầu và đóng góp khoảng 8% GDP tỏ ra rất quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam.
Ông Ang Wee Seng - Giám đốc điều hành SSIA, nhận định: “Sự hợp tác xuyên biên giới sẽ là chìa khóa để ngành bán dẫn tăng tốc. Việt Nam hội đủ những điều kiện thuận lợi để trở thành đối tác chiến lược với Singapore, đặc biệt trong bối cảnh cả hai quốc gia đều đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao”.
Cũng theo ông Ang, môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện mạnh mẽ nhờ các chính sách ưu đãi, hạ tầng công nghiệp được nâng cấp và vị trí địa lý chiến lược trong chuỗi cung ứng châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo, quy mô thị trường bán dẫn Việt Nam có thể vượt 31 tỷ USD vào năm 2029.
Không chỉ dừng lại ở gia công, Việt Nam còn đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế ở mọi khâu của chuỗi giá trị bán dẫn, từ thiết kế, tích hợp, thử nghiệm đến sản xuất và đóng gói. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện tử, xe điện, thiết bị viễn thông và điện tử tiêu dùng đang tạo lực đẩy đáng kể cho nhu cầu sử dụng chất bán dẫn trong nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực then chốt như chip AI, thiết bị tích hợp, hệ sinh thái R&D, đồng thời phát triển quan hệ đối tác bền vững với các nhà cung cấp nguyên liệu và linh kiện toàn cầu. Việc mở rộng hạ tầng công nghệ và phát triển thị trường nội địa cũng được coi là yếu tố quan trọng để giữ chân các nhà đầu tư lâu dài.
Trong thời gian tới, Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore cho biết sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp bán dẫn Singapore sang thăm và làm việc tại Việt Nam, nhằm xúc tiến cơ hội đầu tư, mở rộng hợp tác kỹ thuật và tìm kiếm đối tác sản xuất.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, doanh thu ngành bán dẫn Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, chủ yếu nhờ sự mở rộng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia và sự tham gia ngày càng sâu của doanh nghiệp nội địa vào các khâu thiết kế, kiểm thử và sản xuất chip.
Tính đến tháng 2/2025, đang có 174 dự án FDI đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, tổng vốn gần 11,6 tỷ USD. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành như Intel, Marvell Technology, Samsung, CoAsia SEMI (Hàn Quốc), Renesas (Nhật Bản)... đều có mặt ở Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước như FPT Semiconductor, Viettel IC Design hay CMC Microelectronics cũng từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu ở khâu thiết kế vi mạch.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực. Việt Nam mới chỉ có khoảng 6.000 kỹ sư bán dẫn, trong khi nhu cầu dự báo sẽ tăng lên 20.000 người trong 5 năm tới nếu muốn đáp ứng làn sóng dịch chuyển đầu tư và mở rộng chuỗi cung ứng của thế giới. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nhanh chóng xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn quốc gia.