Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc
Chiều nay (23/10), Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của 50 đại biểu đến từ cơ quan hữu quan của hai nước.
Kỳ họp đã đạt được sự thống nhất với nhiều nội dung quan trọng, như: Việt Nam sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Về phần mình, Hàn Quốc nới lỏng thêm điều kiện đấu thầu các dự án, tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc, ký tiếp biên bản ghi nhớ và gia hạn chương trình cấp phép cho lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc...
Nội dung chính của kỳ họp là tổng kết lại kết quả hợp tác những năm qua, chỉ ra vướng mắc đang có và đưa ra phương hướng giải quyết. Kỳ họp cũng cụ thể hóa thỏa thuận giữa hai nước tại Đối thoại lần thứ nhất về Hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc vào tháng 6/2019 tại Seoul và chuẩn bị các nội dung phục vụ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc vào dự kiến tháng 11/2019.

Toàn cảnh Kỳ họp - Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Các đại biểu tham dự kỳ họp đều thống nhất rằng quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam - Hàn Quốc đã qua 27 năm, sự hợp tác giữa hai nước đã có sự phát triển tốt đẹp trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động - xã hội, đến môi trường, đất đai, năng lượng, cơ sở hạ tầng, lãnh sự - tư pháp, khoa học công nghệ, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài chính - ngân hàng…
Hàn Quốc là đối tác hàng đầu về đầu tư nước ngoài của Việt Nam, là đối tác lớn thứ ba về thương mại, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng, nhấn mạnh tại kỳ họp.
Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang tích cực cùng các nước hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP trong năm 2019, khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu thế chủ đạo trong bức tranh kinh tế toàn cầu.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam, tính đến tháng 8/2019, Hàn Quốc đã có hơn 8.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 65 tỷ USD.
Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước hàng năm vào khoảng 70 tỷ USD và về hợp tác phát triển (khoảng 40 triệu USD/năm viện trợ không hoàn lại và 300-400 triệu USD/năm ODA vốn vay).
Với hơn 15 vạn kiều dân, người Hàn Quốc tại Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất, đồng thời là cộng đồng người Hàn Quốc lớn nhất tại ASEAN. Năm 2019, sẽ có trên 4 triệu lượt người Hàn Quốc sang thăm Việt Nam, Việt Nam cũng là nước ASEAN có tỷ lệ người du lịch Hàn Quốc tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN, dự kiến tiệm cận 50 vạn lượt người. Hiện cũng có trên 5 vạn tu nghiệp sinh và 1 vạn sinh viên, học sinh Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc.
Một vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này là Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Hàn Quốc (nhập khẩu chiếm tới 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Hàn Quốc), nhưng nhập siêu cũng đang giảm và tốc độ xuất khẩu vào Hàn Quốc đang chậm lại.
8 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vào Hàn Quốc chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, giảm đi đáng kể so với giai đoạn tăng trưởng mạnh 2015-2017. 8 tháng năm 2019, nhập khẩu từ Hàn Quốc gần như không tăng trưởng và nhập siêu từ Hàn Quốc 8 tháng đầu năm 2019 là 18,3 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam đề nghị Hàn Quốc tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Hai bên đã đề ra một số biện pháp nhằm giảm mức nhập siêu của Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc
Hai bên cũng đề ra những biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp 2 nước gặp phải khi đầu tư sang nhau, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của cả 2 phía. Việt Nam hiện có 40 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 23,8 triệu USD.
Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam nên hướng vào lĩnh vực công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hàn Quốc.
Các bên cũng đã đưa ra một số định hướng cho hợp tác phát triển song phương trong thời gian tới. Phía Hàn Quốc khẳng định Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển. Viện trợ cho Việt Nam chiếm 20% tổng số viện trợ của Hàn Quốc cho các nước, trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại.
Ngoài vốn ODA, Hàn Quốc còn sẵn sàng cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi qua khuôn khổ hợp tác tài chính để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Việt Nam cần tiếp tục đề nghị Hàn Quốc nới lỏng thêm điều kiện đấu thầu các dự án, hướng viện trợ của Hàn Quốc vào những lĩnh vực, dự án ưu tiên cao của Việt Nam và cùng phía Hàn Quốc triển khai Hiệp định tín dụng khung về vốn vay ODA cho giai đoạn 2016-2020 ký kết tháng 10/2017.
Về hợp tác lao động, hiện có hơn 47.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Đề nghị Hàn Quốc ký tiếp Biên bản ghi nhớ (MOU) về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) hết hạn năm 2018, đề nghị tăng hạn ngạch và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam.