Việt Nam trên hành trình kiến tạo nền kinh tế xanh
Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử trong lĩnh vực năng lượng, khi áp lực đảm bảo an ninh năng lượng, nhu cầu điện ngày càng tăng và biến đổi khí hậu đang buộc quốc gia phải hành động quyết liệt hơn bao giờ hết. Quá trình chuyển dịch năng lượng (CDNL) - từ mô hình phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo, thông minh và bền vững - không còn là một định hướng lựa chọn, mà là 'con đường sống còn' để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và giữ vững cam kết quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ trong CDNL, Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn xa và trách nhiệm khi tuyên bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch điện VIII sửa đổi, xác định rõ trọng tâm phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió (đặc biệt là điện gió ngoài khơi), song song với việc giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Tuy nhiên, chuyển đổi này không hề dễ dàng khi Việt Nam đang đối diện với loạt thách thức: mất cân đối cung - cầu điện, thiếu hụt nguồn nội địa, mạng lưới truyền tải yếu và tính ổn định của chính sách còn chưa cao.

Chuyển dịch năng lượng là “con đường sống còn” để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và giữ vững cam kết quốc tế (Ảnh minh họa)
Giai đoạn hiện nay được coi là “bản lề” của hành trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam - một giai đoạn đòi hỏi phải thích ứng nhanh với những biến động của ngành năng lượng toàn cầu, từ chính sách giá carbon cho đến xu hướng công nghệ mới như hydrogen, lưu trữ năng lượng hay điện gió xa bờ. Theo ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), dù phải đối mặt với không ít khó khăn, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xây dựng nền tảng phát triển kinh tế xanh, tự chủ và bền vững nếu biết tận dụng được tiềm năng tài nguyên (gió, mặt trời, biển), đồng thời khơi thông được dòng vốn quốc tế và ổn định khung pháp lý.
Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã vạch ra định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ngành điện trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, Nghị quyết cũng chỉ rõ những bất cập lớn: cơ cấu nguồn điện chưa hợp lý, tỷ lệ năng lượng tái tạo còn thấp và phụ thuộc ngày càng lớn vào nhập khẩu. Sự mất cân bằng này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia mà còn gây áp lực chi phí cho sản xuất và đời sống dân cư.
Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay chính là sự thiếu ổn định trong chính sách. Giai đoạn bùng nổ năng lượng tái tạo 2018-2022 nhờ chính sách giá FIT đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào điện mặt trời và điện gió. Nhưng từ năm 2023, hàng trăm dự án rơi vào trạng thái “bất định” khi giá mua điện bị điều chỉnh đột ngột, gây tranh cãi và khiến giới đầu tư lo ngại về môi trường pháp lý. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ giảm phát thải mà còn làm trì trệ các mục tiêu phát triển năng lượng sạch.
Dẫu vậy, Việt Nam vẫn kiên trì con đường này. Tháng 5/2025, hội thảo “Hỗ trợ hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam” do Cục Điện lực phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tổ chức, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về chuyển dịch năng lượng công bằng. Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - nhấn mạnh Việt Nam và Na Uy đang chia sẻ một mục tiêu chung: ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới nền kinh tế carbon thấp. Trong khuôn khổ hợp tác, Chính phủ Na Uy đã cam kết đầu tư 250 triệu USD thông qua Quỹ Khí hậu Northfund để hỗ trợ Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi - một lĩnh vực chiến lược trong tương lai.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo “Hỗ trợ hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam”.
Không chỉ dừng ở tài chính, Na Uy còn hỗ trợ Việt Nam xây dựng Quy hoạch không gian biển - nền tảng quan trọng để hiện thực hóa các dự án điện gió xa bờ; đồng thời thúc đẩy hợp tác về vận tải hàng hải xanh, tái chế, giảm tiêu thụ than và phát triển kinh tế tuần hoàn. “CDNL không thể tách rời đổi mới công nghệ và sự hợp tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò then chốt”, bà Solbakken chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận sâu về triển vọng phát triển hydrogen - một loại nhiên liệu sạch được kỳ vọng thay thế khí tự nhiên trong tương lai - cũng như những bài học từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong phát triển điện gió xa bờ. Đây đều là những định hướng chiến lược mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng linh hoạt trong quá trình xây dựng nền kinh tế xanh.
Sự hỗ trợ từ Na Uy cũng như nhiều đối tác khác - cùng với cải cách nội tại mạnh mẽ - có thể là chìa khóa để Việt Nam vượt qua các rào cản hiện tại và tiến nhanh hơn tới mục tiêu trung hòa carbon. Đây không chỉ là một lộ trình giảm phát thải đơn thuần, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc ngành năng lượng theo hướng hiện đại, tự chủ và bền vững - mở đường cho phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng sống và gia tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước đang gắn bó sâu với mô hình năng lượng truyền thống. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một ví dụ điển hình. Hiện nay, TKV quản lý gần 50 dự án khai thác than, nhiều nhà máy nhiệt điện, xi măng và các cơ sở chế biến, vận chuyển khoáng sản khác. Doanh thu của Tập đoàn chủ yếu vẫn đến từ khai thác than, chiếm 60-70% tổng doanh thu. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng than cho phát điện sẽ giảm mạnh sau năm 2045, TKV đang đối mặt với áp lực phải tái cấu trúc toàn diện hoạt động kinh doanh và giải quyết vấn đề môi trường sau khai thác. Nếu không chuẩn bị trước, nguy cơ suy giảm lợi nhuận, dư thừa lao động và nợ môi trường kéo dài sẽ là những vấn đề nhức nhối.

CDNL ở Việt Nam cũng đang phải ứng phó với không ít thách thức (Ảnh minh họa)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - với vai trò trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - cũng đang được kỳ vọng là đầu tàu trong chuyển dịch xanh. Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã yêu cầu EVN cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa hiệu suất và giảm phát thải từ các nhà máy hiện hữu, đồng thời ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Ông cũng nhấn mạnh rằng bảo vệ môi trường không thể chỉ là nghĩa vụ tuân thủ, mà phải trở thành tư duy phát triển cốt lõi, là yếu tố sống còn cho chính EVN trong tương lai.
Các vấn đề tồn đọng như xử lý tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, kiểm soát khí thải công nghiệp và việc chưa tiêu thụ được chất thải rắn ở nhiều dự án vẫn là những bài toán nhức nhối. Đoàn giám sát Quốc hội cũng đề nghị EVN phải hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nội bộ, nâng cao năng lực ứng phó sự cố và minh bạch hóa thông tin với cộng đồng để tạo niềm tin xã hội. EVN được kỳ vọng không chỉ là một tập đoàn sản xuất điện đơn thuần, mà còn là biểu tượng của doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế tuần hoàn, trong phát triển xanh và có trách nhiệm xã hội cao.
Sự chuyển mình của TKV, cũng như các tập đoàn năng lượng lớn, sẽ là thước đo quan trọng cho mức độ thực thi và hiệu quả của quá trình CDNL tại Việt Nam. Đây không đơn thuần là bài toán kỹ thuật hay công nghệ, mà là một cuộc thay đổi sâu về tư duy phát triển, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, khối doanh nghiệp và toàn xã hội.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), CDNL là nhiệm vụ trọng yếu không thể tách rời với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên và hướng tới tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong những năm tới. Đây không chỉ là yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, sáng tạo, thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải và phát triển bền vững.
Có thể nói, CDNL tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bản lề, đóng vai trò quyết định đối với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, nhu cầu điện tăng cao và yêu cầu hội nhập quốc tế, việc định hướng lại cơ cấu năng lượng quốc gia theo hướng giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả hệ thống là một tất yếu khách quan.
Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều thách thức về kỹ thuật, chính sách, thị trường và thể chế. Việc nâng cao tính ổn định của chính sách, hoàn thiện khung pháp lý, thu hút vốn đầu tư dài hạn, tăng cường năng lực hạ tầng truyền tải và ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ là các điều kiện tiên quyết để quá trình chuyển dịch diễn ra hiệu quả.
Nếu được triển khai nhất quán và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, doanh nghiệp và đối tác quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thiết lập một nền tảng năng lượng xanh, tự chủ và hiện đại - qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris và COP26.
Ngày 28/7/2025, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Diễn đàn Dầu khí - Năng lượng thường niên với chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng - Tầm nhìn và Hành động”. Diễn đàn là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi quan điểm, cập nhật xu hướng, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm tháo gỡ rào cản trong chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam...