Việt Nam và 5 nước thúc đẩy tự do giao thông thủy sông Mekong – Lan Thương

Các nước khu vực Mekong - Lan Thương thống nhất hướng tới mục tiêu hài hòa các quy định giao thông vận tải thủy, tăng cường hợp tác, phát triển bền vững.

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Khởi động và công bố báo cáo đầu kỳ dự án "Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mekong – Lan Thương" trong lĩnh vực giao thông vận tải, đường thủy.

Dự án "Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mekong – Lan Thương" được thực hiện từ nguồn vốn Quỹ đặc biệt trong khuôn khổ Hợp tác Mekong – Lan Thương, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì, nhằm thúc đẩy tự do giao thông thủy khu vực sông Mekong – Lan Thương và hỗ trợ thương mại quốc tế cho các nước ven sông Mekong, đảm bảo phát triển vận tải thủy khu vực an toàn, hiệu quả và bền vững.

6 quốc gia tham gia dự án gồm Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar cùng có chung sự hiện diện của dòng sông Mekong.

Mục tiêu cụ thể của dự án là rà soát hiện trạng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định liên quan đến hoạt động vận tải thủy của các quốc gia lưu vực sông Mekong. Đề xuất khuyến nghị về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về giao thông thủy nhằm hiện đại và hài hòa giữa các quốc gia thành viên, bao gồm bổ sung các quy định về giao thông thủy đối với quốc gia chưa ban hành.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các quốc gia thành viên nhằm triển khai hài hòa các quy chuẩn, quy định, tiêu chuẩn liên quan đến vận tải thủy.

Các kết quả mà dự án dự kiến sẽ đạt được gồm: hệ thống hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về giao thông thủy của 6 nước thành viên lưu vực sông Mekong - Lan Thương; Xây dựng lộ trình hài hòa để khuyến nghị các cơ quan thẩm quyền của các nước; Thành lập nhóm công tác kỹ thuật vận tải đường thủy nhằm góp phần tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực vận tải thủy.

Dự án sẽ khảo sát, thu thập dữ liệu, nghiên cứu đối với 3 nhóm đối tượng chính: kết cấu hạ tầng đường thủy, phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy của các quốc gia. Phạm vi nghiên cứu xung quanh khu vực sông Mekong – Lan Thương và tập trung ở 4 nước ở hạ lưu sông: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Từ đó, so sánh, đánh giá theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về giao thông thủy của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội thế giới về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, Hiệp hội báo hiệu hàng hải và hải đăng quốc tế…

Dự án dự kiến công bố kết quả, kết thúc vào tháng 11/2023 và bàn giao sản phẩm đến các quốc gia thành viên.

Tại hội nghị, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, sau thời gian hoàn thiện các thủ tục nội bộ, đến cuối năm 2020, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ làm chủ dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dự án phải tạm thời lùi trong hơn 1 năm.

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

"Mục tiêu chính yếu của dự án mà Việt Nam mong muốn là xây dựng được diễn đàn chung hợp tác về kỹ thuật trong lĩnh vực vận tải đường thủy, qua đó các cơ quan quản lý, chuyên gia của 6 quốc gia có thể gặp gỡ, trao đổi về quy định kỹ thuật tiến tới hài hòa hóa để phát triển vận tải bằng đường thủy bền vững trên dòng sông chung Mekong - Lan Thương", ông Đạo nói.

Sông Lan Thương – Mekong là dòng chảy qua 6 nước, bắt đầu từ thượng nguồn ở Trung Quốc (với tên gọi Lan Thương), khi ra khỏi địa phận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lần lượt chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam (với tên gọi sông Mekong). Dòng Lan Thương – Mekong có tổng chiều dài 4.880km, diện tích lưu vực rộng 795.000 km2.

Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) đã được xây dựng với sự tham gia của 6 quốc gia theo sáng kiến của Thái Lan vào năm 2012.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-va-5-nuoc-thuc-day-tu-do-giao-thong-thuy-song-mekong-lan-thuong-post14472.html