Việt Nam và EU giữ vững nhịp tăng trưởng hợp tác kinh tế

Theo Cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2020-2024, đạt hơn 64,6 tỷ USD, tăng 46,5% so với mức 44,1 tỷ USD của 5 năm trước đó. Điều này cho thấy Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8/2020, đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, bà Đặng Thị Thanh Phương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức, cho rằng EVFTA là một bước ngoặt chiến lược, không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt mà còn tạo động lực cải cách thể chế, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong 5 năm qua đã tăng 56,4%, từ 31,1 tỷ USD lên gần 48,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ EU tăng 13%, đạt 15,9 tỷ USD. Riêng với thị trường Đức, kim ngạch thương mại hai chiều cũng ghi nhận mức tăng 17%, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam tăng 20%, cho thấy sức bật đáng kể của hàng hóa Việt tại thị trường lớn nhất châu Âu.

Đóng gói hàng xuất khẩu sang EU

Đóng gói hàng xuất khẩu sang EU

EVFTA đã mang lại lợi thế rõ rệt nhờ việc EU xóa bỏ thuế quan đối với 85,6% dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương ứng hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sau 7 năm, tỉ lệ này sẽ đạt 99,2%. Nhờ đó, nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, xuất khẩu cà phê tăng hơn 120%, từ 983 triệu USD năm 2020 lên 2,2 tỷ USD năm 2024; rau quả tăng 65,6%, đạt 242 triệu USD; giày dép tăng hơn 52%, lên 5,65 tỷ USD.

Những con số này cho thấy các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy tắc xuất xứ và xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, bà Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn không ít ngành gặp khó khăn trong việc phát huy tối đa lợi thế của hiệp định. Các ngành như dệt may, da giày, gỗ và dược phẩm hiện đang gặp trở ngại về quy tắc xuất xứ, do phần lớn nguyên liệu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc... ngoài khối EU.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về môi trường, truy xuất nguồn gốc tại EU rất khắt khe, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Riêng ngành dược phẩm trong nước vẫn thiếu điều kiện đạt chuẩn GMP châu Âu, trong khi ngành gỗ đối mặt với yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc hợp pháp và thị hiếu tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn tại thị trường này.

Bà Phương cho rằng EVFTA không chỉ đơn thuần là một hiệp định thương mại, mà còn là cú hích cho quá trình cải cách toàn diện của Việt Nam, bao gồm thể chế, pháp luật và chính sách phát triển bền vững. Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhằm thực thi các cam kết trong EVFTA.

Điển hình là việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việt Nam cũng đã phê chuẩn một số công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như Công ước số 98 và 105. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các cam kết tại COP26 như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thể hiện quyết tâm phát triển xanh, bền vững.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng đã tăng cường bảo hộ các quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền và chỉ dẫn địa lý - một yếu tố quan trọng trong thương mại quốc tế.

Dù vậy, bà Phương cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay vẫn nằm ở khâu thực thi. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức lao động còn hạn chế, công tác bảo vệ môi trường và thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa đồng đều giữa các địa phương. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế minh bạch, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về EVFTA, và tăng cường đối thoại chính sách với EU.

Trong bối cảnh EU đang mở rộng mạng lưới FTA với nhiều quốc gia khác như MERCOSUR, Thái Lan, Indonesia, Australia... thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam có thể bị thu hẹp nếu không nhanh chóng nâng cấp năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Tham tán Đặng Thị Thanh Phương nhấn mạnh, để giữ vững nhịp tăng trưởng hợp tác kinh tế Việt Nam - EU, cần coi EVFTA là nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao nội địa hóa và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ là đối tác thương mại đáng tin cậy, mà còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong dài hạn.

Ngọc Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-va-eu-giu-vung-nhip-tang-truong-hop-tac-kinh-te-320495.html