Việt Nam xứng đáng với niềm tin của các nước ASEAN

Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào nỗ lực chung của các quốc gia nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, và tiếp tục ứng cử trong nhiệm kỳ 2023-2025. Vinh dự này được các quốc gia ASEAN đồng thuận đề cử và ủng hộ.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Việt Nam.

Hội đồng Nhân quyền là cơ quan liên chính phủ của Liên hợp quốc, được thành lập vào năm 2006 trên cơ sở kế thừa và tiếp nối của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, được bầu theo nhiệm kỳ ba năm. Đây là cơ quan giữ vai trò trung tâm trong hệ thống Liên hợp quốc về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu được các nước quan tâm ứng cử chỉ sau Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngày 12/11/2013, Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 họp bầu chọn, trở thành thành viên mới của Hội đồng nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu dẫn đầu là 184/192 phiếu. 10 năm sau, với những nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế và không ngừng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, Việt Nam tự tin ứng cử tiếp tục tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo cơ cấu thành viên của Hội đồng Nhân quyền, trong số 47 thành viên, có 13 quốc gia đại diện đến từ các quốc gia châu Á; 13 đại diện từ các quốc gia châu Phi; 6 đại diện từ các quốc gia Đông Âu; 8 đại diện đến từ các quốc gia Mỹ Latin và Caribe; 7 đại diện từ các quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác. Để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền, các quốc gia phải đáp ứng những chuẩn mực nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra. Năm 2013, Việt Nam đã được các thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc tin tưởng và giao trọng trách. Đây là tiền đề và là động lực để Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) do Hội đồng Nhân quyền thành lập nhằm đánh giá việc thực hiện quyền con người tại các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam đã trình bày và đối thoại ba lần theo cơ chế Báo cáo UPR: trong chu kỳ I (2008-2012), Việt Nam báo cáo năm 2009 và chấp nhận, tích cực thực hiện 96/123 khuyến nghị và đưa 84 khuyến nghị cho các quốc gia khác; tại chu kỳ II (2012-2016), Việt Nam báo cáo lần 2 vào tháng 2/2014, chấp nhận 182/227 khuyến nghị từ 106 quốc gia; trong chu kỳ III (2017-2022), Việt Nam gửi báo cáo vào năm 2019 và chấp nhận 241/291 khuyến nghị từ 122 quốc gia.

Ngoài ra, lần đầu tiên Việt Nam làm Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III (đến tháng 6/2021 có 15 quốc gia nộp Báo cáo này lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc). Điều này cho thấy các cam kết và nỗ lực trong việc thực hiện nghĩa vụ nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của Việt Nam.

Để tăng cường thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và một số các công ước quốc tế khác như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (ICESCR), Công ước về quyền trẻ em (CRC)…

Ngoài Báo cáo UPR, Việt Nam đã báo cáo thực hiện các công ước về quyền con người lên Ủy ban các Công ước như Báo cáo thực hiện ICCPR; Báo cáo thực hiện ICESCR; Báo cáo thực hiện Công ước Quyền trẻ em; Báo cáo thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật; Báo cáo về thực hiện Công ước chống tra tấn (CAT)… Trong năm 2019, Đoàn liên ngành của Việt Nam với 20 thành viên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đã tham gia Phiên bảo vệ Báo cáo ICCPR lần ba.

Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế quan trọng khác của Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế-Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018; là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021... Việt Nam chủ động đối thoại về quyền con người với các tổ chức, quốc gia như Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia... Các tổ chức, quốc gia đều đánh giá cao các đối thoại của Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đã đồng chủ trì xây dựng và được Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết hằng năm về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”; chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 75, ngày 7/12/2020) thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 chọn ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì, đề xuất thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế quyền con người nói chung là những nền tảng làm nên sự thành công trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam. Đây là những minh chứng cho các nỗ lực của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của quốc gia thành viên. Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao các cam kết của Việt Nam để đạt được những thành tựu trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cho rằng Việt Nam có nhiều khả năng để trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Việt Nam đã và đang không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, xây dựng và đổi mới các thiết chế và cơ chế bảo đảm quyền con người. Việc ban hành Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc nhận thức về quyền con người và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chủ thể khác trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực.

Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã rà soát hơn 100.000 văn bản quy phạm pháp luật. Từ tháng 1/2014 đến năm 2018, Quốc hội thông qua 96 luật, pháp lệnh liên quan quyền con người, quyền công dân, trong đó có nhiều bộ luật quan trọng như Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016… Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần giúp Việt Nam ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền con người.

Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới phải ứng phó dịch Covid-19. Việt Nam đã thành công trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, từng bước đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, là điểm sáng trong phòng, chống dịch bệnh tại châu Á.

Bất chấp thực tế đó, các tổ chức phản động lưu vong như “Việt tân”, “Hội anh em dân chủ”… vẫn không ngừng xuyên tạc, tìm cách phủ nhận các thành quả mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng toàn dân Việt Nam đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19, khi đưa ra luận điệu sai trái rằng “chính quyền đàn áp đám đông”, và “hạn chế quyền tự do cá nhân”…

Ngoài ra, do thiếu thông tin hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam, một số tổ chức nhân danh nhân quyền như Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI)… đã đưa ra những nhận định cho rằng “Việt Nam lo sợ về dân chủ, truyền thông độc lập và các quyền tự do”, “Việt Nam đang lợi dụng dịch Covid-19 để vi phạm nhân quyền”… Các thế lực này đã không nhìn vào thực tế rằng, ngay tại một số quốc gia khác, vì không áp dụng biện pháp mạnh trong kiểm soát dịch bệnh đã khiến số ca tử vong cao. Đây cũng là nhận định của ông Moribe Hiroyuki, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản. Ông cũng khẳng định các biện pháp đang được áp dụng tại Việt Nam là phù hợp.

Theo kết quả khảo sát toàn cầu do cơ quan nghiên cứu xã hội hàng đầu của Singapore là Blackbox Research và Công ty Toluna thuộc Tập đoàn ITWP tiến hành nhằm đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại 23 quốc gia, vùng lãnh thổ trong việc phòng, chống Covid-19, Việt Nam đứng thứ hai thế giới với 77 điểm, trong số 94% số người dân Việt Nam được hỏi cho biết việc duy trì thông tin minh bạch về dịch bệnh đã giúp người dân đặt niềm tin vào Chính phủ.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”, những quyết sách của Chính phủ Việt Nam tiến hành trong thời gian qua cho thấy sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong việc tuân thủ biện pháp phòng, chống Covid-19, ủng hộ chủ trương sản xuất, thử nghiệm vắc-xin, như việc Việt Nam đã huy động 8.795,7 tỷ đồng (tính đến ngày 15/11/2021) cho Quỹ vắc-xin phòng Covid-19…

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Việt Nam đã rất quan tâm thúc đẩy quyền của nhóm yếu thế trong chương trình của AICHR, trong đó đặc biệt quan tâm đến nỗ lực bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch. Với vai trò người đi tiên phong, Việt Nam đã dẫn dắt, cùng với các quốc gia trong khu vực ASEAN triển khai Quỹ ASEAN để ứng phó đại dịch Covid-19; xây dựng Quy chế hoạt động của Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; hình thành Khung chiến lược ASEAN trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng… để bảo đảm quyền, sức khỏe cho hơn 650 triệu người dân trong khu vực.

Việt Nam là ứng cử viên duy nhất được các quốc gia ASEAN ủng hộ, đề xuất là đại diện tham gia ứng cử vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Sự tín nhiệm đó có được, một phần từ vai trò của Việt Nam khi cùng các quốc gia trong ASEAN nỗ lực bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, một phần từ các nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong khi thực hiện các cam kết quốc tế, cũng như các thành tựu Việt Nam đạt được trong việc bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong nhiều năm gần đây. Và vì thế, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với niềm tin của các quốc gia trong ASEAN.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/viet-nam-xung-dang-voi-niem-tin-cua-cac-nuoc-asean-675063/