Viết nên câu chuyện hòa bình

Một cô gái nhỏ bé từng bị địch dọa chôn sống, trải qua không biết bao nhiêu trận tra tấn dã man, từng khiến quân thù nhiều phen khiếp sợ bởi những trận đánh táo bạo, bất ngờ ngay trong lòng địch, đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài, nữ trinh sát an ninh-biệt động thành Huế. Lý tưởng cách mạng như một lời nguyện thiêng liêng với Tổ quốc và với Bác Hồ, đã soi đường cho bà không chỉ trong chiến đấu mà còn trong suốt một đời tận tụy vì nhân dân, sau những tháng năm khốc liệt nhất của chiến tranh.

Anh hùng Nguyễn Thị Lài (ngoài cùng bên phải) và đồng chí Trần Quốc Hoàn - nguyên Bộ trưởng Công an đầu tiên trong Hội nghị tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh năm 1976. (Ảnh NVCC)

Anh hùng Nguyễn Thị Lài (ngoài cùng bên phải) và đồng chí Trần Quốc Hoàn - nguyên Bộ trưởng Công an đầu tiên trong Hội nghị tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh năm 1976. (Ảnh NVCC)

Bài 3: Máu và hoa trên con đường giải phóng (Tiếp theo và hết)*

Năm 1976, thương binh hạng ¾ Nguyễn Thị Lài vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều huân chương cao quý.

Từ người ở đến nữ biệt động thành

Nhờ sự kết nối của đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng Bí thư Thành ủy Huế, chúng tôi đã tìm tới ngôi nhà cuối đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, nơi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài đang sinh sống.

Sáng sớm, Huế đã nắng rang. Nhưng ngay khi bước vào cổng, một vườn cây xanh mướt với những chậu lộc vừng cổ thụ và nụ cười thân thiện của bà Lài khiến không gian trở nên mát dịu. Đon đả mời chúng tôi vào nhà, bằng âm giọng Huế rặt, bà Lài kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng khốc liệt chiến tranh và hạnh phúc khi bước ra từ khói lửa bom đạn với tư cách của những người chiến thắng.

Lớn lên bên cây cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng ở làng Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Huế), nơi dòng chảy yêu nước ngấm vào từng nếp nhà, cô bé Nguyễn Thị Lài từ nhỏ đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng.

Bà Lài nhớ lại, từ nhỏ đã chứng kiến cảnh giặc bắt bớ, giết hại dân làng, nhà cửa bị thiêu rụi. Làng của bà vốn là cái nôi cách mạng, những tấm gương của người đi trước như ngọn lửa lặng thầm cháy trong tim người nữ biệt động. Bà càng khắc sâu lời cha dặn trước lúc lên đường: “Con đã chọn con đường cách mạng thì dù có chết cũng không được để quê hương mang tiếng, làng nước chịu tai ương, đừng làm gì để cha mạ phải tủi nhục”. Vì thế, dù bị địch đánh đập tàn nhẫn, chịu đựng những nhục hình, nhưng chưa một giây phút nào bà nghĩ đến đầu hàng.

Bà Nguyễn Thị Lài bước vào con đường cách mạng từ năm 14 tuổi. Để nắm tình hình của địch, tổ chức phân công bà vào làm giúp việc (người ở) cho các gia đình là thành phần tốt, để hiểu địa hình và để có điều kiện hoạt động cách mạng. Ban ngày, bà Lài chăm chỉ quét dọn, nấu nướng; tối đến đi gánh nước thì tranh thủ rải truyền đơn, nắm tình hình…

“Những năm tháng đầu tiên hoạt động cách mạng, cực khổ nhưng mà vui lắm. Rất nhiều bạn ở quê cũng lên thành phố đi làm giúp việc cho nhà người ta như tôi. Tối nào cũng thế, việc nhà xong xuôi, tôi sẽ rủ các bạn cùng đi gánh nước, gánh cho chủ nhà đầy rồi thì lại đi gánh thuê, vừa tranh thủ rải truyền đơn lại có tiền mua bánh mì ăn với bạn.

Sau đó, tôi đi bán bánh mì, lấy bột mì khuấy thành hồ, giấu trong cánh tay áo, quan sát không thấy ai là dán khẩu hiệu, dán cờ cách mạng, cứ nghe tiếng “bép” là dán xong một cái, nhiều khi tim cũng như vỡ ra đó”, bà Lài vừa cười thành tiếng vừa kể lại những ngày đầu hoạt động cách mạng. Một thời gian sau, bà được điều về lực lượng trinh sát vũ trang Ban An ninh thành phố Huế, tham gia những nhiệm vụ đặc biệt: Phá thế kìm kẹp, diệt ác trừ gian.

Biệt động dưới vỏ bọc kiều nữ

Từ năm 1970, nữ biệt động Nguyễn Thị Lài cùng đồng đội liên tục mở các trận đánh bất ngờ, táo bạo, thoắt ẩn, thoắt hiện, khiến kẻ địch không kịp trở tay.

Dưới vỏ bọc là bạn gái của sĩ quan ngụy - đại úy Quang, bà Nguyễn Thị Lài khi đó lợi dụng mối quan hệ này để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Khi chúng tôi hỏi tại sao lại tiếp cận được đại úy Quang trong khi còn không biết tên đầy đủ của người ta, bà Lài kể: “Hồi đó nhà tôi ở gần nhà hắn, cách một con sông. Không hiểu sao hắn lại cảm mến tôi, thậm chí còn đến gặp cha mạ tôi xin cưới hỏi. Tôi thấy có thể lợi dụng được mối quan hệ này cho nên đã giả như đồng ý làm người yêu hắn”. Với danh nghĩa là bạn gái của sĩ quan ngụy, bà Lài đã thâm nhập thẳng vào trong lòng địch để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt.

Bà Lài kể với chúng tôi: Đầu năm 1971, vì thất bại ở chiến dịch Đường 9-Nam Lào cho nên Mỹ-ngụy thực hiện nhiều chiêu trò để trấn an tinh thần sĩ quan, binh lính. Tại thành phố Huế, chúng tổ chức chiếu phim, triển lãm tuyên truyền chiến thắng giả ở rạp chiếu bóng Tân Tân. Được cấp trên giao nhiệm vụ, bà Lài đã rủ đại úy Quang đến triển lãm “chiến thắng”.

Áo dài thật đẹp, tay cầm theo một chiếc túi xách nhỏ, bên trong có mìn hẹn giờ, phủ bên trên là những chùm dâu tây. Căn giờ, bà Lài để chiếc túi dưới gầm ghế, rồi nói với “người yêu” là bị đau đầu và muốn được đưa về. Mìn nổ, nhiều sĩ quan cao cấp của địch bị tiêu diệt.

Đại úy Quang sau khi đưa bạn gái về mới hay tin nhưng không hề biết mình bị lợi dụng; thậm chí còn cảm ơn bà Lài vì đã cứu mạng. Sau này, bà Lài còn cảm hóa được sĩ quan ngụy này trở thành người cung cấp thông tin cho ta, tuy nhiên không lâu sau đó, người này đã vấp mìn và chết ở Quảng Ngãi.

Cũng trong năm 1971, sau khi bí mật theo dõi một tốp lính địch di chuyển về trạm xăng gần chợ Đông Ba, nữ trinh sát an ninh Nguyễn Thị Lài đã dũng cảm thực hiện trận đánh bằng cách cài mìn hẹn giờ và kíp nổ, tiêu diệt 9 tên, làm bị thương nhiều tên khác.

Sau chiến công ấy, tháng 4/1971, bà Lài được cấp trên tiếp tục tin tưởng giao nhiệm vụ ám sát Trưởng ty Cảnh sát quốc gia. Cải trang thành người dân đi làm giấy chứng minh nhân dân để thâm nhập nhưng sau khi cài kíp nổ, bà không may bị địch phát hiện, bắt ngay tại hiện trường. Tại xà lim Lê Quý Đôn, dụ dỗ không được, địch đã dùng không biết bao nhiêu hình thức tra tấn bà rất dã man.

“Thấy tôi có mái tóc dài, chúng còn nắm tóc quấn lên quạt trần treo trên tường rồi bật số cho quạt quay. Tôi đã ngất lịm sau màn tra tấn tàn bạo đó”, bà Nguyễn Thị Lài kể rồi chỉ tay vào tấm ảnh đen trắng thời con gái: “Ngày ấy tóc tôi dài và đẹp lắm”.

Dù bị đánh đập suốt nhiều ngày đêm với đủ kiểu đầy đọa, đau đớn về thể xác đến tột cùng, nữ trinh sát thành Huế vẫn chỉ trả lời một câu duy nhất: “Tôi đang đi ngoài đường có một ông sai tôi mang lên chỗ ni-để chỗ nớ (mang lên chỗ này, để ở chỗ đó) thì tôi chỉ biết làm theo thế thôi chứ không biết ông đó là ai mà khai”. Khi đưa ra xét xử, nhờ luật sư từng là chủ nhà cũ, bà Lài chịu án 18 tháng tù. Ra tù, năm 1973, bà Nguyễn Thị Lài được đưa lên chiến khu để học tập chính trị.

Bình dị giữa đời thường

Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, bà cùng đồng đội theo Quân Giải phóng về lại thành phố. “Tuy đất nước đã giành được độc lập, nhưng chúng tôi vẫn luôn đề cao cảnh giác để phân biệt kẻ xấu-người tốt”, bà Nguyễn Thị Lài nhớ lại những ngày đầu được sống trong hòa bình.

Trong các năm 1975-1978, bà Nguyễn Thị Lài được phân công đảm nhiệm vị trí Trưởng ban An ninh Quận 1, thành phố Huế - một trong những nữ lãnh đạo công an đầu tiên của thành phố sau giải phóng.

Bước ra từ chiến tranh, di chứng từ những trận tra tấn tàn bạo của kẻ thù vẫn còn đó trên cơ thể nhỏ bé của Anh hùng Nguyễn Thị Lài. Vì thế, bà từng từ chối nhiều người yêu thương mình, cho đến khi gặp ông Phạm Xuân Dương cùng đơn vị công tác, người đã hết lòng cảm thông và chấp nhận cùng bà vượt qua mọi gian nan.

Vợ chồng bà có hai con trai và một con gái; các con trai đều theo nghề của bố mẹ, một là cảnh sát hình sự, một là cảnh sát giao thông. Bà kể tiếp: “Bị địch dùng hai dây điện buộc vào đầu ngực rồi dùng máy điện cầm tay tra tấn, cho nên sau này tôi đã không thể nuôi con bằng sữa mẹ. Sinh và nuôi con đều rất vất vả, vì thế tôi luôn dạy các con, cả con dâu, con rể: Để có cuộc sống ngày hôm nay, biết bao xương máu đã đổ, bao người đã ngã xuống; giờ đây khi nước nhà đã thống nhất, phải sống sao cho xứng đáng”.

Khi chúng tôi hỏi về cuộc đời hoạt động cách mạng của nữ trinh sát biệt động thành Huế, bà nói rằng: “Tôi lớn lên khi chiến tranh tràn qua thôn xóm. Cha tôi dù là nông dân làm ruộng nhưng cũng nắm được nhiều tin tức qua chiếc radio bằng bàn tay. Cha hay kể cho tôi nghe Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thế nào, đồng bào lầm than ra sao…

Những ngày được học tập ở chiến khu, tôi được hiểu hơn con đường cách mạng mà Bác đã chọn. Sau này, trong công tác, tôi luôn học Bác sự giản dị, gần dân, làm việc phải vì đất nước, nhân dân, sao cho lãnh đạo và đồng đội tin mình, ứng xử làm sao để người dân tin tưởng thì khó khăn nào cũng vượt qua được hết”.

Trong Di chúc lịch sử, Bác đã căn dặn: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[1], và những người phụ nữ thép của cách mạng Việt Nam: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài - đã trực tiếp góp phần hiện thực hóa ước nguyện thiêng liêng ấy của Người.

Với sức mạnh của lòng kiên trung, tinh thần bất khuất và tình yêu Tổ quốc vô hạn, họ đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, thắp sáng niềm tin vào khát vọng hòa bình và thống nhất.

Trở về Hà Nội, chúng tôi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang theo trong tim những điều gửi gắm của các nhân vật trong bài viết, thầm dâng lên Người: Thưa Bác kính yêu, miền nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thống nhất, non sông đã thu về một mối, bắc-nam đã sum họp một nhà… như khát vọng lớn lao của Người trước lúc đi xa.

() Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10, 11/5/2025.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.12, tr. 498-499

NGỌC ĐINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nen-cau-chuyen-hoa-binh-post879025.html