Viết tiếp chương mới trong quan hệ với Áo, Italy và Vatican

Âu châu đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong tiết trời nắng nhẹ. Ở mỗi điểm đến, Chủ tịch nước và Phu nhân đều nhận được sự đón tiếp trọng thị, gần gũi và thân tình với những nghi thức lễ tân đặc sắc. Điều đó thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Áo, Italy và Vatican với Việt Nam, mong muốn mở ra những chương mới trong hợp tác.

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước và Phu nhân tại Phủ Tổng thống Áo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước và Phu nhân tại Phủ Tổng thống Áo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chuyến thăm Áo, Italy và Vatican (ngày 23-28/7) của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân là chuyến thăm Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm, là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam với Italy, Vatican trong bảy năm qua, cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy.

Thăm chính thức Áo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chương trình hoạt động dày đặc và đa dạng: hội đàm với Tổng thống Alexander Van der Bellen; gặp Chủ tịch Thượng viện Claudia Arpa; gặp Quyền Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Najat Mokhtar; thăm Tòa thị chính và gặp Thị trưởng thành phố Vienna Michael Ludwig và Phu nhân; thăm bang Burgenland; tiếp Đại sứ Việt Nam tại Áo và sáu Đại sứ Việt Nam tại các nước Liên minh châu Âu (EU); gặp mặt thân tình với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Áo…

Tại Italy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có cuộc hội đàm với Tổng thống Sergio Mattarella; gặp Thủ tướng Giorgia Meloni, Chủ tịch Thượng viện Ignazio La Russa, Chủ tịch Hạ viện Lorenzo Fontana; dự hòa nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy… Ở Vatican, Chủ tịch nước hội kiến Giáo hoàng Francis và Thủ tướng, Hồng y Tòa thánh Pietro Parolin.

Không dừng ở “kỷ lục”

“Tôi tin tưởng chuyến thăm Áo lần này sẽ tạo xung lực mới, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo nền tảng để mối quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Alexander Van der Bellen.

Đồng thời, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trong trao đổi, hai bên đều đánh giá hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Áo phát triển tốt đẹp và năng động trong hơn 50 năm qua. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và trên các kênh, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có, đồng thời nghiên cứu thiết lập các cơ chế hợp tác, phù hợp với tình hình mới.

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nhận được nhiều “gửi gắm” nhất với nhiều mục tiêu và nỗ lực mới. “Kỷ lục” kim ngạch thương mại song phương 2,79 tỷ Euro năm 2022 chưa phải là đích cuối cùng, cả hai đều muốn tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế vốn rất nhiều tiềm năng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Alexander Van der Bellen chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Áo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Alexander Van der Bellen chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Áo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hai nước đã có các hiệp định hợp tác khác nhau, ví dụ đào tạo kép, tiếp tục cho vay ưu đãi để thực hiện các dự án phát triển bền vững của Áo tại Việt Nam; tận dụng hiệu quả các lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để tạo ra nhiều kết quả đột phá mới.

Việt Nam đề nghị Áo sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi; đề nghị Áo ủng hộ và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này vào EU. Về phần mình, Áo nhấn mạnh Việt Nam là đối tác lớn nhất của Áo ở Đông Nam Á, mong hai bên quan tâm cải thiện cân bằng thương mại song phương.

Chuyến thăm thực tế bang Burgenland (một trong chín bang nằm ở cực Đông của Áo, có tốc độ phát triển khá cao ở châu Âu) và gặp Thủ hiến bang Hans Peter Doskozil là minh chứng cho quyết tâm thúc đẩy thực chất hợp tác kinh tế song phương của Việt Nam. Chủ tịch nước khuyến khích các doanh nghiệp bang Burgenland khai thác các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở những thế mạnh của mình, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh…

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nhân chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp lại Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg sau chưa đầy ba tháng. Hai Bộ trưởng đánh giá cao sự phối hợp giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua, nhất là trong việc chuẩn bị cho

chuyến thăm. Hai Bộ trưởng cho rằng, việc hai Bộ Ngoại giao ký kết văn bản hợp tác trước sự chứng kiến của Nguyên thủ hai nước đã đặt nền móng cho quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa hai bộ, góp phần vào sự phát triển quan hệ song phương ngày càng mạnh mẽ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân và Tổng thống Sergio Mattarella cùng con gái chụp ảnh chung. (Ảnh: Việt Dũng)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân và Tổng thống Sergio Mattarella cùng con gái chụp ảnh chung. (Ảnh: Việt Dũng)

“Món quà” từ Italy

Khi đội kỵ binh danh dự tháp tùng xe Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tiến về phía Phủ Tổng thống-Cung điện Palazzo del Quirinale tráng lệ với nhiều nét kiến trúc đặc trưng của nước Italy, việc Tổng thống Italy và con gái đã ở đó, đón Chủ tịch nước và Phu nhân tận nơi đỗ xe, đã tạo nên một không khí trọng thị và nồng ấm.

“Trong đường lối đối ngoại của mình, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ với Italy, một thành viên rất quan trọng của EU và cộng đồng quốc tế”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong hội đàm với Tổng thống Sergio Mattarella. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ quý báu của nhân dân Italy trong công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

Về phần mình, lãnh đạo Italy bày tỏ coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như quan hệ hữu nghị và tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Lãnh đạo hai nước nhất trí đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy, đóng góp cho phát triển bền vững ở mỗi nước và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Cụ thể, về chính trị ngoại giao, hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao trên các kênh Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Về kinh tế, Tổng thống Italy nhất trí đề nghị của phía Việt Nam về việc hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA; ủng hộ EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, góp phần phục hồi kinh tế.

Đặc biệt, Việt Nam đã đón tin vui, “món quà” từ Italy khi Tổng thống Sergio Mattarella thông báo Nghị viện Italy phê chuẩn Hiệp định EVIPA đúng vào ngày Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Italy. Việc thông qua hiệp định mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến với Thủ tướng Giorgia Meloni. (Nguồn: Chính phủ Italy)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến với Thủ tướng Giorgia Meloni. (Nguồn: Chính phủ Italy)

Tại cuộc hội kiến Chủ tịch nước Việt Nam cùng ngày, Thủ tướng Giorgia Meloni một lần nữa nhấn mạnh việc Italy phê chuẩn EVIPA đúng vào dịp chuyến thăm thể hiện sự quan tâm đẩy mạnh quan hệ hai nước của Italy.

Hiện nay, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỷ USD năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN, Italy là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và đứng thứ 33/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hướng đến nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD.

Hai bên thống nhất tăng cường phối hợp tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, khuôn khổ hợp tác G7-ASEAN…; phối hợp chặt chẽ trong triển khai các cam kết trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Chủ tịch nước đề nghị Italy ủng hộ đẩy mạnh quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ Italy và ASEAN. Thủ tướng Meloni khẳng định, Italy sẵn sàng làm cầu nối cho quan hệ G7-ASEAN và Việt Nam-EU.

Italy cam kết ủng hộ Việt Nam về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn lực nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Italy hoan nghênh đề xuất thiết lập khuôn khổ ba bên về nông nghiệp giữa Việt Nam, Italy và một nước thứ ba nhằm góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Sau cuộc gặp, hai nhà Lãnh đạo chứng kiến lễ ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Chương trình hợp tác văn hóa giữa hai Chính phủ giai đoạn 2023-2026.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Chủ tịch Thượng viện Italy Ignazio La Russa. (Ảnh: Thống Nhất)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Chủ tịch Thượng viện Italy Ignazio La Russa. (Ảnh: Thống Nhất)

Thúc đẩy quan hệ với Vatican

Với Vatican, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân là hoạt động tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên trong vòng bảy năm qua, là sự kiện quan trọng để hai bên thúc đẩy quan hệ cũng như hoạt động của công giáo Việt Nam.

Thời gian qua, hai bên đã duy trì tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp. Từ năm 2011, đại diện thường trú Tòa thánh đã vào hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng, phù hợp với Công giáo Việt Nam. Về phía Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI ban hành các huấn từ, sứ điệp chỉ đạo chức sắc, tín đồ Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, khuyến khích cộng đồng Công giáo Việt Nam đóng góp cho đất nước.

Chuyến công tác của Chủ tịch nước tới châu Âu một lần nữa gửi đi thông điệp về một Việt Nam sẵn sàng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Áo, Italy và Vatican. Chuyến thăm góp phần tạo động lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên tất cả các lĩnh vực.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-tiep-chuong-moi-trong-quan-he-voi-ao-italy-va-vatican-236108.html