Vietnam Report: Toàn cảnh bảng xếp hạng VIX50 năm 2024

Đây là năm thứ 4 Vietnam Report công bố xếp hạng Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50), ghi nhận các doanh nghiệp vượt trội về sức mạnh tài chính, truyền thông, tiềm năng tăng trưởng, phát triển bền vững và vị thế trong ngành.

Nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu bảng xếp hạng VIX50 2024

 Ảnh: Vietnam Report

Ảnh: Vietnam Report

Tại thời điểm công bố, vốn hóa của 50 công ty đại chúng trong danh sách VIX50 chiếm trên 51% của toàn thị trường. ROE năm 2023 trung bình đạt 16,5%, tốc độ tăng trưởng kép của doanh thu và lợi nhuận trung bình 5 năm lần lượt là 13,2% và 17,0%.

Trong danh sách của VIX50, có 27 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên một tỷ USD, 21 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, 36 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.

 Nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm vị trí cao nhất với 13 đại diện; tiếp đến là bất động sản, vận tải và logistics, thực phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng. Ảnh: Vietnam Report

Nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm vị trí cao nhất với 13 đại diện; tiếp đến là bất động sản, vận tải và logistics, thực phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng. Ảnh: Vietnam Report

 Ảnh: Vietnam Report

Ảnh: Vietnam Report

Theo Vietnam Report, hoạt động của các công ty đại chúng chịu tác động sâu sắc bởi biến động của thị trường chứng khoán. Trải qua giai đoạn thăng trầm bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 được kì vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, đan xen giữa các nhịp điều chỉnh do ảnh hưởng của những biến số vĩ mô.

Ngoài ra, một số yếu tố như: kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS)… luôn đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp đại chúng. Đặc biệt, theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, mức độ hài lòng đối với hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của doanh nghiệp lần đầu lọt top 5 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến uy tín và hiệu quả của các doanh nghiệp đại chúng.

 Ảnh: Vietnam Report

Ảnh: Vietnam Report

Vai trò của IR trong việc xây dựng uy tín của doanh nghiệp đại chúng

Trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và đa phương hóa, uy tín doanh nghiệp là “chìa khóa” quan trọng để đạt được thành công lâu dài, giúp doanh nghiệp tạo niềm tin cho nhà đầu tư, các bên liên quan và công chúng nói chung. Ngược lại, với hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) hiệu quả, doanh nghiệp có thể củng cố uy tín, thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Do đó, bộ phận IR đã trở thành một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đại chúng.

Củng cố niềm tin vào doanh nghiệp thông qua giao tiếp

Trong doanh nghiệp, bộ phận IR đóng vai trò là cầu nối giữa ban lãnh đạo và các cổ đông, đảm bảo các thông tin liên quan được truyền đạt kịp thời, chính xác và rõ ràng. Bằng cách cung cấp thông tin minh bạch và nhất quán, chia sẻ dữ liệu về hiệu quả tài chính, giải quyết kịp thời các mối lo ngại có thể dẫn đến những khủng hoảng…, bộ phận IR củng cố niềm tin vào doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng và duy trì uy tín thương hiệu mạnh.

Phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các bên liên quan

IR tìm cách tối đa hóa giá trị cổ đông bằng cách cung cấp cho nhà đầu tư một bức tranh toàn cảnh về hoạt động của doanh nghiệp, làm tăng sự quan tâm từ các nhà đầu tư, thúc đẩy nhu cầu về cổ phiếu và cuối cùng làm tăng giá cổ phiếu của doanh nghiệp. IR cũng quản lý những mối quan hệ với các nhà phân tích, cơ quan xếp hạng hay bên liên quan khác, giúp xây dựng hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường tài chính cũng như nhận thức về doanh nghiệp trong cộng đồng nói chung.

Xử lí khủng hoảng và bảo vệ uy tín doanh nghiệp

Khi xảy ra khủng hoảng hoặc sự kiện tiêu cực, IR đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và khôi phục uy tín cho doanh nghiệp. Bộ phận IR có trách nhiệm giải quyết kịp thời các mối quan ngại, cung cấp thông tin chính xác và quản lý các luồng thông tin liên lạc để đảm bảo tính minh bạch. Mặt khác, bằng việc chủ động trong công tác quản lý khủng hoảng, IR có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực đến uy tín thương hiệu.

Tác động chiến lược đến uy tín doanh nghiệp

IR đóng vai trò chiến lược trong việc định hình danh tiếng của doanh nghiệp. Bằng cách hiểu nhu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư, các chuyên gia trong lĩnh vực này có thể cung cấp những thông tin có giá trị cho ban lãnh đạo như xu hướng thị trường, tâm lý nhà đầu tư cũng như những vấn đề mới nổi, qua đó giúp điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư.

 Ảnh: Vietnam Report

Ảnh: Vietnam Report

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vai trò của IR đối với các doanh nghiệp Việt Nam càng trở nên quan trọng. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Các văn bản pháp luật chính như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, bao gồm quyền được tiếp cận thông tin, tham gia quản lý doanh nghiệp và được chia lợi nhuận công bằng. Các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của các công ty niêm yết, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một số hạn chế như: vấn đề minh bạch thông tin, cạnh tranh không lành mạnh, xung đột lợi ích giữa các bên liên quan… Việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm của các bên liên quan sẽ góp phần củng cố IR, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

(Nguồn: Vietnam Report)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vietnam-report-toan-canh-bang-xep-hang-vix50-nam-2024-2291266.html