Viettel đạt chứng nhận quốc gia cho thiết bị 5G

Viettel High Tech là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G: QCVN 128:2021/BTTTT cho thiết bị trạm gốc gNodeB 32T32R và gNodeB 8T8R.

Viettel High Tech là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G

Viettel High Tech là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G

Ngày 21/6, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ Cao Viettel (Viettel High Tech) cho biết, Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức Lễ trao Chứng nhận hợp quy thiết bị trạm gốc 5G 8T8R và 32T32R cho Viettel High Tech.

Viettel High Tech là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G: QCVN 128:2021/BTTTT cho thiết bị trạm gốc gNodeB 32T32R và gNodeB 8T8R.

Đây là dấu mốc rất quan trọng khẳng định thiết bị của Viettel đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn quốc gia của Việt Nam, đảm bảo rằng sản phẩm 5G "Made in Vietnam" được sản xuất phù hợp với các yêu cầu về an toàn, chất lượng và hiệu suất.

Viettel hiện có khả năng cung cấp đầy đủ bộ giải pháp cho mạng 5G từ mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy nhập vô tuyến là trạm gốc 5G. Trạm gốc 5G có vị trí quan trọng trong cấu trúc hạ tầng mạng viễn thông, được Viettel High Tech làm chủ toàn bộ phần cứng và phần mềm, toàn trình từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất.

Đến nay, Viettel High Tech đã triển khai hơn 300 trạm gNodeB 8T8R và triển khai 10 trạm gNodeB 32T32R tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Các trạm hoạt động ổn định, đảm bảo thông suốt mạng lưới.

Trong hơn một năm qua, Viettel High Tech phối hợp với Cục Viễn thông đánh giá đầy đủ 16 chỉ tiêu vô tuyến theo quy chuẩn. Các chỉ tiêu có trong các Quy chuẩn kỹ thuật trên tương đương với chuẩn quốc tế của ITU (Liên minh Viễn thông Quốc tế), Nhóm hiệp hội viễn thông 3GPP (Dự án đối tác thế hệ thứ 3).

Ngoài ra, Viettel High Tech cũng liên tục điều chỉnh, nâng cấp thiết bị, cập nhật khả năng triển khai trên hệ thống mạng lưới thực.

Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc đánh giá: "Việc Viettel tự sản xuất thành công trạm gốc 5G không chỉ thể hiện sự tiên phong và năng lực vượt trội của Tập đoàn mà còn minh chứng cho khả năng tự chủ về công nghệ của đất nước. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ viễn thông của quốc gia, khẳng định sự trưởng thành và khả năng sáng tạo của ngành viễn thông, đồng thời thúc đẩy quá trình thương mại hóa 5G tại Việt Nam".

Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Viettel High Tech cam kết cùng các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực tế trong nước, cũng như đưa các sản phẩm Made in Vietnam vươn tầm quốc tế.

Viettel là một trong số ít các nhà phát triển toàn cầu từng bước trở thành doanh nghiệp quan trọng trong lĩnh vực cung cấp thiết bị 5G. Thiết bị 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau và mở ra cơ hội tiết kiệm tới 20% năng lượng tiêu thụ trên mỗi cell của trạm phát sóng.

Năm 2023, Viettel đã xuất khẩu thành công hệ thống Private 5G tại Ấn Độ. Tháng 6/2024, Viettel tiếp tục có hợp đồng 5G thương mại thứ 2 với UTL Group tại thị trường tỷ dân. Hợp đồng này khẳng định sức cạnh tranh của sản phẩm Viettel, đồng thời mở ra kênh tiếp cận với các nhóm khách hàng tại nhiều quốc gia.

TC

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/viettel-dat-chung-nhan-quoc-gia-cho-thiet-bi-5g-102240621170230558.htm