Vĩnh biệt nghệ sĩ coi sóc đền thờ Bác

'Anh ơi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Khắc Thọ mất rồi'-giọng nói thảng thốt như khóc sáng 8-3 của nhà báo Trần Thị Nhung (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên) qua điện thoại khiến tôi không tin bởi mới tuần trước, tôi và anh còn hẹn nhau về An toàn khu (ATK) Định Hóa, nơi anh đã gắn bó mấy chục năm trời...

Nếu theo chức danh nghề nghiệp thì có thể gọi thạc sĩ Đồng Khắc Thọ là nhà văn, nhà báo, nhà sử học, nhà nhiếp ảnh... Anh đã từng được giải A ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam 2 tại Thái Nguyên, Chủ tịch Chi hội di sản Văn hóa Thái Nguyên, hội viên Hội Văn học thiểu số, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, là tác giả của gần hai chục cuốn sách về văn học, báo chí và nhiếp ảnh. Thế nhưng, anh vẫn thích được gọi bằng cái danh do tôi đặt là “Nghệ sĩ coi sóc đền thờ Bác” bởi trước khi nghỉ hưu, anh có tới hơn chục năm làm Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử-sinh thái ATK Định Hóa (Thái Nguyên)-nơi có ngôi đền thờ Bác Hồ trang nghiêm, đẹp đẽ.

 Nghệ sĩ Đồng Khắc Thọ.

Nghệ sĩ Đồng Khắc Thọ.

Tôi quen với thạc sĩ Đồng Khắc Thọ từ nhiều năm trước, khi anh giúp Báo Quân đội nhân dân xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận “Nơi Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên tại Định Hóa” là di tích lịch sử quốc gia. Năm 2016-2017, khi nhận nhiệm vụ Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1 tôi lại càng gắn bó với anh khi cùng sinh hoạt chung trong Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Mới gặp anh, tôi đã đoán ngay anh đã từng là bộ đội bởi tác phong xông xáo và hành động như một chiến sĩ. Anh kể với tôi rằng, thời gian sống trong quân ngũ của anh chỉ có 4 năm nhưng lại là thời gian có ý nghĩa nhất, cho anh nhiều vốn sống nhất của cuộc đời.

Tháng 8-1978, dù có giấy báo nhập học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhưng chàng thanh niên Đồng Khắc Thọ vẫn tình nguyện nhập ngũ. Sau khóa huấn huyện chiến sĩ mới, Đồng Khắc Thọ được biên chế vào Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 741, Sư đoàn 326 (Quân khu 2), trực tiếp chiến đấu trên mặt trận Phong Thổ (Lai Châu) trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979. Khói lửa chiến tranh đã tôi luyện chàng thư sinh Đồng Khắc Thọ trở thành người chiến sĩ thực thụ và là hành trang quan trọng nhất trong các bước đường công tác sau này. “Mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn nhớ về những ngày trong cuộc đời quân ngũ gian khổ, với tình đồng đội chứa chan... và tôi lại vượt qua”-Đồng Khắc Thọ tâm sự.

Thạc sĩ Đồng Khắc Thọ (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu với du khách về những hình ảnh, hiện vật trong Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Ảnh: VIỆT BẮC

Thạc sĩ Đồng Khắc Thọ (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu với du khách về những hình ảnh, hiện vật trong Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Ảnh: VIỆT BẮC

Sau 4 năm cầm súng, tháng 9-1982, Đồng Khắc Thọ trở thành sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; 4 năm học với tấm bằng cử nhân văn hóa, anh đã chọn Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình. Anh say sưa viết báo, chụp ảnh và đoạt khá nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật. Các phóng sự xã hội dài kỳ của anh đăng trên Báo Tiền Phong vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước đã góp phần làm gia tăng lượng bạn đọc của tờ báo này. Năm 1994, với bức ảnh “Dự hội bản em” đoạt giải cao nhất trong Liên hoan Ảnh nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã đưa Đồng Khắc Thọ trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, rồi được bầu làm Phó chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bắc Thái. Ảnh của Đồng Khắc Thọ đã có mặt trên nhiều tạp chí trong nước và nước ngoài.

Cùng với viết báo, chụp ảnh, hàng chục cuốn sách của tác giả Đồng Khắc Thọ cũng được “trình làng”, có cuốn sách được tái bản 3-4 lần.

Anh từng nói với tôi: “Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, coi sóc ngôi đền thiêng thờ Bác, hằng ngày gắn bó với các di tích, kỷ niệm của Bác đã làm cho tôi thêm yêu cuộc sống này. Dường như tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã tiếp sức cho tôi làm được rất nhiều việc từ sưu tầm hiện vật, gặp gỡ các nhân chứng đến viết sách, báo và chụp ảnh...”. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm, anh trực tiếp sưu tầm được từ 2 đến 3 hiện vật liên quan đến quãng thời gian hoạt động của Bác tại vùng ATK Việt Bắc. Hiện nay, nhiều hiện vật quý do anh sưu tập đang được trưng bày tại Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, như: Áo dạ, thanh kiếm Bác Hồ tặng cụ Ma Tiến Đàm khi chữa bệnh cho Người ở Tân Trào (tháng 7-1945); túi của phụ nữ Pắc Bó tiếp tế lương thực cho Bác Hồ; bức ảnh Bác Hồ với bác Tôn (do con gái cụ Hoàng Quốc Việt là Hạ Chí Nhân tặng riêng anh); ảnh Bác Hồ tiếp Đoàn đại biểu Nam Bộ ra ATK Định Hóa; ảnh Bác Hồ với cụ Bùi Bằng Đoàn-Trưởng ban Thường trực Quốc hội cùng các thành viên Hội đồng Chính phủ tại buổi phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp...

 Nghệ sĩ Đồng Khắc Thọ với thiếu nữ Việt Bắc. Ảnh: VIỆT BẮC

Nghệ sĩ Đồng Khắc Thọ với thiếu nữ Việt Bắc. Ảnh: VIỆT BẮC

Thạc sĩ Đồng Khắc Thọ cũng là tác giả của việc gắn kết lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) đầu xuân của người dân Định Hóa với Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Hằng năm, vào các ngày mồng 9, 10, 11 Tết Nguyên đán tại sân lễ hội Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ hội Lồng Tồng được tổ chức, thu hút hàng chục vạn du khách về tham quan.

Sau khi nghỉ hưu (cuối năm 2017), thạc sĩ Đồng Khắc Thọ vẫn đau đáu với việc bảo tồn và phát triển Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Anh nói với tôi: Quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa là một trong số di tích quốc gia có diện tích lớn nhất Việt Nam, trải dài trên địa bàn 24 xã, thị trấn ATK, trong đó có 16 xã, thị trấn và huyện Định Hóa được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng lõi các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên... Vì vậy, việc quy hoạch phục hồi, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử ATK, đặc biệt là di tích và địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Định Hóa phải đi đôi với bảo vệ, gìn giữ không gian văn hóa, môi trường sinh thái. Đặc biệt, cần khẩn trương trồng cây xanh quanh các khu di tích để tái hiện hình ảnh “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Các cơ quan chức năng của Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên cần có các văn bản pháp lý bảo vệ khu di tích gắn với cơ chế, chính sách vận động nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, làm du lịch cộng đồng, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân...

Sau khi nghỉ hưu, tôi thấy anh viết báo, chụp ảnh nhiều hơn trước. Năm 2021 và hai tháng đầu năm 2022, anh đã gửi tôi hơn chục tin, bài, ảnh đăng trên Báo Quân đội nhân dân... Một con người giàu nhiệt huyết, cần mẫn như Đồng Khắc Thọ lại phải ra đi ở cái tuổi 65 vẫn còn bao dự định...

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/tin-buon/vinh-biet-nghe-si-coi-soc-den-tho-bac-688186