Vĩnh biệt Phó Giáo sư Lê Trung Vũ, người 'nhặt' hồn văn hóa từ những nương ngô
BHG - Phó Giáo sư (PGS) Lê Trung Vũ là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian uy tín, người đã dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Ông được biết đến với những công trình nghiên cứu sâu rộng về văn học dân gian, lễ hội truyền thống, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất biên cương này.

Phó Giáo sư Lê Trung Vũ.
Tốt nghiệp dự bị đại học thời kháng chiến chống Pháp niên khóa 1951-1952, khi được tin thi đỗ vào Đại học Sư phạm Văn khoa khóa đầu tiên, Lê Trung Vũ đã đạp xe từ Nông Cống (Thanh Hóa) vượt hơn 200 cây số về Hà Nội kịp nhập trường. Tốt nghiệp, nhưng chàng trai mơ mộng Lê Trung Vũ không mấy mặn mà với nghề dạy học, mà thích làm nghệ thuật. Anh về làm nhạc công viôlông cho Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương.
Một số ca khúc anh sáng tác đã được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng và đăng trong các tập "Mùa gặt mới", "Đất nước em tuổi trăng tròn", "Bầu trời mở rộng",… Tuy nhiên, Lê Trung Vũ dự cảm thấy rằng, con đường âm nhạc là ước mơ của mình, nhưng không thể phát triển được. Mà sự nghiệp bút nghiên mới là duyên nợ, dẫu biết rằng "nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường" (Tản Đà). Vả lại, hoàn cảnh tứ cố vô thân biết trông cậy vào đâu? Phải dấn thân vào nơi thủy tận sơn cùng để thử sức cùng số phận.
Thuở ấy, chỉ cần nghe tới câu ca: "Đỉnh Lũng Cú quanh năm tuyết phủ/Dốc Cổng Trời máu đổ xương tan" là anh đã cảm thấy gai người. Nhưng có lẽ chính vì thế mà vùng sơn cước Hà Giang càng có sức hấp dẫn anh hơn, bởi một thời mơ mộng vẫn lẩn khuất đâu đó trong anh và đó cũng là ngọn lửa thử vàng cho một gia đình có quá nhiều sóng gió, như một lời kêu gọi. Là cán bộ Ty Văn hóa Hà Giang, anh đã vượt lên số phận nghiệt ngã để chiến thắng chính mình bất chấp núi đá tai mèo, anh lên nương cùng cày cuốc trồng ngô, trồng cải với bà con người Mông, tập ăn mèn mén, uống nước suối rừng, thức thâu đêm băng giá mải mê ghi chép tư liệu. Anh hòa nhập cùng đồng bào đến mức thổ phỉ cũng không nỡ hại anh.
Dân bản tin yêu anh kể cho anh nghe biết bao câu chuyện kỳ thú, cùng những bài dân ca nồng nàn tình yêu đôi lứa. Cũng chính nơi đây, anh bắt gặp nguồn văn học dân gian tưởng như vô tận, mà bấy lâu nay vẫn ngủ im trong trí nhớ người già. Anh ngỡ ngàng trước một kho tài sản vô cùng quý báu do nội dung xã hội sâu sắc của những truyện cổ, cùng những câu ca và phương pháp nghệ thuật mà nó biểu hiện. Anh biên soạn thành tập "Truyện cổ dân tộc Mông", được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 1975 và sau đó nhiều lần tái bản.

Đồng bào Mông cày nương ngô trên đá.
Càng đi sâu vào sưu tầm, nghiên cứu, Lê Trung Vũ lại càng phát hiện ra rằng, mỗi dân tộc tồn tại được là bởi họ có những bản sắc văn hóa riêng. Chính cái chất men say ấy, cùng với lòng đam mê nghề nghiệp đã giữ chân anh có lần tới 6 tháng liền trên đỉnh Lũng Cú. Tính đến thời điểm đó, anh là người duy nhất có tác phẩm giới thiệu về dân tộc Pu Péo và Lô Lô, như tập sách "Dân ca Lô Lô" Nhà xuất bản văn học dân tộc ấn hành năm 1975; "Truyện cổ Pu Péo" Nhà xuất bản văn học dân tộc ấn hành năm 1988; "Dân ca Pu Péo", Nhà xuất bản văn học dân tộc ấn hành năm 1993.
Anh còn là tác giả 5 tập sách, chủ biên 5 công trình khác và là đồng tác giả của 10 cuốn sách: Hợp tuyển Thơ văn Việt Nam; Tuyển tập Văn học các dân tộc ít người Việt Nam; Truyện cổ Dao; Truyện cổ Việt Bắc, cùng với hàng trăm bài nghiên cứu in trên các tạp chí, báo cáo khoa học tại các hội nghị chuyên đề trong nước và quốc tế. Anh được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1992. Khi ở tuổi gần 80, hằng ngày PGS Lê Trung Vũ vẫn miệt mài say sưa làm việc để năm Canh Dần 2010 sẽ cho ra đời các tác phẩm như: "Truyện cổ dân tộc Mông" được bổ sung 45 truyện mới, nâng tổng số lên 89 truyện; và cuốn "Khảo sát nhân vật mồ côi trong truyện cổ dân tộc Mông", một chuyên luận sắc sảo, mới mẻ mà trước đó chưa có ai đề cập tới.
PGS Lê Trung Vũ đã có hơn 60 năm miệt mài nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó có những năm tháng đẹp nhất của đời người gắn bó với Hà Giang. Từ những năm 1970, ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải A cho công trình sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc ít người tại Hà Giang. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định những đóng góp của ông cho lĩnh vực này.
PGS Lê Trung Vũ đã có những đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Hà Giang, đặc biệt là trong nhiều lĩnh vực. Ông đã sưu tầm, biên dịch và nghiên cứu nhiều tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số ở Hà Giang, bao gồm truyện cổ tích, truyền thuyết, dân ca, tục ngữ… Những công trình này không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc.
PGS Lê Trung Vũ đã dành nhiều công sức nghiên cứu về các lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Hà Giang. Ông đã ghi chép, mô tả chi tiết về nguồn gốc, ý nghĩa, các nghi thức và hoạt động trong lễ hội. Công trình nghiên cứu về lễ hội truyền thống của ông đã đạt giải nhất, tặng thưởng của Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam (1993), cho thấy giá trị khoa học và thực tiễn của công trình. PGS Lê Trung Vũ không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà còn tích cực tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Ông đã tham gia tư vấn, xây dựng các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa.
95 tuổi đời, hơn 60 năm miệt mài, say mê lao động, PGS Lê Trung Vũ đã đạt được những thành tựu đáng kể: Giải A cho các công trình sưu tầm, nghiên cứu Văn học dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Giải nhất cho 3 công trình lễ hội truyền thống. Và đặc biệt là cuốn "Từ điển Thuật ngữ hội làng Việt Nam" công phu, dày dặn, với 1.616 mục từ hoàn chỉnh, góp phần làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt. PGS Lê Trung Vũ xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương chống Mỹ hạng Hai; Huy chương Vì sự nghiệp công nghệ và khoa học; nhiều Kỷ niệm chương và Bằng khen, Giấy khen.
Những công trình nghiên cứu của PGS Lê Trung Vũ đã có ảnh hưởng sâu rộng đến việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian ở Hà Giang. Ông đã đặt nền móng cho các thế hệ nghiên cứu sau này, cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Những nghiên cứu của ông không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, góp phần vào việc giáo dục truyền thống văn hóa, nâng cao nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc.
PGS Lê Trung Vũ nhà nghiên cứu văn hóa, người đã dành trọn cuộc đời mình cho việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số. Những công trình nghiên cứu của ông là tài sản vô giá, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất biên cương xa xôi. Ông xứng đáng được biết đến và trân trọng như một nhà văn hóa có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở Hà Giang.