Vinh dự lớn lao
Trong những năm tháng Bác Hồ ở và làm việc tại Tân Trào và một số địa phương trong tỉnh, người dân Tuyên Quang luôn nhớ về ông Ké hiền từ, gần gũi và yêu thương nhi đồng... Những người được gặp Bác trong thời gian ấy và sau này khi Bác trở lại thăm tỉnh năm 1961 vẫn luôn tự hào đã có vinh dự lớn lao, thường xuyên thực hiện tốt những lời Người căn dặn.
Ký ức được gặp Bác Hồ
Đã 80 tuổi, nhưng ông Hoàng Ngọc, thôn Tân lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) vẫn nhớ như in những kỷ niệm được gặp Bác Hồ năm 1945. Ngày ấy, ông Hoàng Ngọc mới 6 - 7 tuổi, tất cả người dân trong xã Tân Trào (lúc đó là làng Kim Long) chỉ biết có một ông Ké và nhiều cán bộ về đây hoạt động cách mạng. Và người dân Tân Trào luôn ghi nhớ phải tuyệt đối bảo vệ bí mật cho các đồng chí cán bộ. Thời gian này, bố ông là ông Hoàng Trung Nguyên được chọn làm liên lạc đặc biệt cho ông Ké.
Ông Ngọc kể lại, trong một lần đang chơi quay cùng bạn, ông thấy ông Ké đến gần và hỏi các cháu đang làm gì? Có được đi học không? Ông Ngọc đã trả lời là không ạ. Ông Ké nhìn các cháu trìu mến và nói, sau này có trường, lớp các cháu phải chăm ngoan, học tốt nhé... Đến tận sau này, khi biết ông Ké chính là Bác Hồ, ông Ngọc càng cảm thấy vinh dự và tự hào. Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng Bác vẫn luôn gần gũi, quan tâm, chăm lo cho thiếu nhi như người ông, người cha. Từ đó, nhắc nhở ông luôn cố gắng học tập và làm theo Bác trong cuộc sống thường ngày.
Ông Ma Quang Ngân, thôn Kim Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) năm nay đã 86 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Đại hội II của Đảng. Ông kể lại: Vào những năm 1950 - 1951, khi đó ông còn là dân quân của xã. Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội, từ cuối năm 1950 các cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc, bộ đội và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã tập trung xây dựng khu Đại hội, với phương châm chu đáo, an toàn, bí mật. Lúc đầu, để giữ bí mật nên ông Ngân chỉ biết đi lấy tre, nứa về dựng nhà theo chỉ dẫn của cán bộ.
Sau khi hoàn thành, ông Ngân được rút ra ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài khu vực suối Phú An, cách hội trường đại hội hơn 1 km. Trong lúc đứng gác ông thấy một ông già cưỡi ngựa cùng với một người khác qua suối, ông đề nghị dừng lại hỏi giấy tờ. Ông già chỉ vào người đi cùng xuất trình giấy tờ. Ông Ngân không biết đó là Bác Hồ, khi ông già đi qua rồi mọi người mới bảo là Hồ Chủ tịch. Chỉ một lần duy nhất được gặp Bác, nhìn thấy Bác, nhưng đó là những hình ảnh ông Ngân không thể nào quên. Sau này, ông Ngân đi dân quân phục vụ chiến trường Tây Bắc. Năm 1957 ông trở về địa phương làm Chủ tịch UBND xã rồi chuyển công tác làm cán bộ định canh định cư ở Mèo Vạc (Hà Giang). Trong nhiều năm công tác ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Cống hiến cho sự nghiệp giáo dục
Tháng 3-1961, Bác Hồ trở lại thăm Tuyên Quang, Bác đã có buổi nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang tại sân vận động thị xã (nay là Quảng trường Nguyễn Tất Thành). Khi ấy, trong đoàn thiếu niên, nhi đồng được lên khán đài tặng hoa Bác có bà Ngô Thục Lâm và bà Bàn Thị Kim Tiến. Bà Ngô Thục Lâm, tổ 16, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, năm 1961, khi Bác Hồ lên thăm Tuyên Quang, bà là học sinh trường Tiểu học Bình Thuận vinh dự được chọn trong đoàn thiếu niên lên tặng hoa Bác và các vị đại biểu. Lúc đó, bà và các thành viên trong đoàn đều không biết sẽ được gặp Bác Hồ, chỉ biết rằng đó là vị lãnh đạo rất cao của Đảng. Nhưng khi cả đoàn lên khán đài tặng hoa, ai cũng vui mừng, xúc động và cảm thấy vinh dự, tự hào vì được gặp Bác. Mặc dù bận công việc, nhưng Bác vẫn dành thời gian hỏi chuyện từng học sinh trong đoàn tặng hoa, trong đó có học sinh Việt kiều về nước, học sinh dân tộc thiểu số... Bà Lâm là người nhỏ tuổi nhất đã được Bác ngồi cạnh, điều đó đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với bà. Cho đến sau này, khi là lãnh đạo trong ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, bà vẫn luôn cố gắng tự trau dồi chuyên môn, rèn luyện bản thân theo tấm gương của Bác. Đồng thời, triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua trong toàn ngành.
Ông Hoàng Ngọc và bà Lưu Thị Đức, thôn Tân Lập, xã Tân Trào xem ảnh kỷ niệmngày Bác Hồ về thăm Tân Trào năm 1961. Ảnh: Huyền Linh
Cũng là một thành viên trong đoàn thiếu niên được lên tặng hoa cho Bác, bà Bàn Thị Kim Tiến xúc động kể lại, sau khi tặng hoa, Bác đã ân cần hỏi chuyện từng học sinh trong đoàn. Thấy bà là học sinh dân tộc thiểu số, Bác đã hỏi: “Cháu dân tộc gì?” Bà trả lời: “Cháu là dân tộc Dao ạ”. Bác lại hỏi: “Thế dân tộc Dao gì?” Bà trả lời: “Dao đeo tiền ạ”. Rồi Bác dặn dò các cháu phải cố gắng học cho tốt, để sau này có trình độ, kiến thức về phục vụ đồng bào mình. Khi ấy, bà Tiến đang là học sinh lớp 4 trường Thiếu nhi vùng cao. Sau đó, Bác Hồ đến thăm trường, bà tiếp tục được chọn để tặng hoa cho Bác.
Những cử chỉ ân cần, quan tâm và yêu thương của Bác dành cho thiếu nhi đã trở thành hành trang cho bà suốt thời gian công tác sau này. Trải qua nhiều cương vị công tác, cho đến khi làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, bà vẫn luôn ghi nhớ và học tập theo tấm gương của Bác. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dạy và học; luôn quan tâm, yêu thương học sinh như con em mình... Với những cống hiến của mình, bà đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Vinh dự được gặp Bác Hồ, ghi nhớ những lời dạy của Người, những người con Tuyên Quang đã luôn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Từ đó đóng góp xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng đổi mới như mong muốn của Bác.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/vinh-du-lon-lao-122155.html