Vĩnh Linh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, thời gian qua, bằng nhiều hình thức, huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào sản xuất theo điều kiện thực tiễn của từng địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trang trại Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch là một điển hình về việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Chị Trần Thu Trang, phụ trách trang trại Dfarm Quảng Trị cho biết, vốn có đam mê, tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao, sau khi tìm hiểu thị trường, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về quỹ đất, nguồn vốn, nhân lực, năm 2019, chị và các cộng sự đã bắt tay vào xây dựng trang trại trên diện tích gần 4 ha gồm 10 nhà màng có diện tích 500 m2/nhà và các công trình phụ trợ chuyên sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Toàn bộ quy trình sản xuất đều do các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và các kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản phụ trách. Áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất như hệ thống tưới nước, châm phân tự động của Ixrael giúp vừa tiết kiệm nước vừa điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón chính xác cho từng giai đoạn phát triển của cây trồng; mái nhà màng bằng nilon được nhập từ Nhật Bản có độ lọc ánh sáng cao, thích hợp cho sự phát triển của cây trồng.
“Bình quân một vụ mỗi nhà màng cho thu hoạch từ 0,7 - 1 tấn dưa lưới. Kích cỡ từ 1,5 - 1,8 kg/quả. Thị trường chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mặc dù giá bán khá cao, từ 100.000 - 140.000 đồng/kg nhưng với vị ngọt tự nhiên đậm đà, được sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, dưa lưới Dfarm Quảng Trị vẫn được khách hàng ưu tiên lựa chọn”, chị Trang cho hay.
Tương tự, tại xã Vĩnh Sơn, trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Dụng ở tại thôn Phan Hiền cho biết, năm 2022 anh là hộ nuôi tôm đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình CPF Combine cho ao nuôi tôm của mình. Theo đó, trên diện tích gần 2 ha ao nuôi tôm trước đây được anh thiết kế lại gồm 6 ao nuôi thương phẩm với tổng diện tích gần 5.000 m2. Còn lại là ao chứa lắng và hệ thống xử lý nước thải.
Toàn bộ các ao nuôi đều được lót bạt và trang bị mái che nhằm đảm bảo môi trường nước tối ưu nhất mà không bị phụ thuộc vào thời tiết. Hệ thống sục khí được lắp đặt đồng bộ, hợp lý và hoạt động liên tục để vừa cung cấp đủ oxy cho tôm vừa thu gom chất thải trong ao nuôi vào hệ thống xử lý. Quy trình nuôi tôm được thực hiện chặt chẽ với 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 20 - 35 ngày giúp hạn chế được dịch bệnh. Đặc biệt, mô hình có sự liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp con giống chất lượng cho đến thức ăn, vật tư và được đảm bảo đầu ra khi thu hoạch.
“Ưu điểm của mô hình là giúp xoay vụ nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Với 3 vụ nuôi đã thực hiện, trừ toàn bộ chi phí, kể cả đầu tư xây dựng cơ bản, tôi thu lãi hơn 2 tỉ đồng”, anh Dụng cho biết thêm.
Là địa phương thuần nông, do vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp, nông thôn luôn được huyện Vĩnh Linh xác định ưu tiên hàng đầu để phát triển những vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay trên địa bàn huyện đã có 20 đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp được Hội đồng tư vấn KH&CN huyện tư vấn tuyển chọn với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 600 triệu đồng.
Trong đó, có khoảng 75 - 80% đề tài nghiên cứu ứng dụng thành công được nhân rộng vào thực tế sản xuất như: dự án chăn nuôi gà ri lai an toàn sinh học; ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; nhân rộng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ…
Xây dựng nhiều thương hiệu và nhãn mác tập thể, cá nhân cho các sản phẩm của địa phương. Hiện Vĩnh Vinh có 10 nhãn hiệu tập thể được công nhận gồm: ném Vĩnh Linh, đậu xanh Vĩnh Giang, tiêu Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, lạc Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, tinh bột sắn dây Vĩnh Linh, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy, nước mắm Cửa Tùng; 2 nhãn hiệu thông thường là rau thủy canh công nghệ cao Anlame Food và gà đồi Quang Huy.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc ứng dụng KHCN đã tăng tính ổn định, giảm dần việc phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác. Từ đó tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm nhiều ngành nghề mới. Hình thành ngày càng nhiều các mô hình kinh tế, những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, khai thác tiềm năng đất đai và lợi thế vùng, mang lại giá trị, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Có thể kể đến như từ cánh đồng lớn với diện tích trên 800 ha tại 26 đơn vị hợp tác xã; vùng sản xuất cây công nghiệp lâu năm với trên 6.580 ha cao su, 1.300 ha hồ tiêu đến vùng sản xuất rau theo phương pháp thủy canh với diện tích 1.300 m2, hơn 760 ha nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện đã thành lập được 46 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản, thu nhập bình quân đạt trên 1,2 tỉ đồng/năm/trang trại.
Cũng theo ông Tuấn, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Vĩnh Linh xác định “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội” là giải pháp đột phá. Trong đó, đối với sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung đi sâu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực theo chỉ đạo của tỉnh.
Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&CN. Củng cố các tổ chức có nhiệm vụ chuyển hóa kết quả nghiên cứu, làm cầu nối giữa khoa học với sản xuất; xây dựng cơ chế phối hợp trong mạng lưới khuyến công, khuyến nông và các tổ chức KH&CN khác. Tuyên truyền, phổ biến tiến bộ KH&CN, đề tài ứng dụng được chứng minh tính khả thi đến cơ sở và người sản xuất để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các khâu nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất, chế biến và thương mại hóa sản phẩm.
“Để thực hiện nhiệm vụ này, HĐND huyện đã thông qua đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện gần 13,9 tỉ đồng”, ông Tuấn cho biết thêm.