Vĩnh Lộc: Miền đất tâm linh
Vĩnh Lộc, vùng đất cổ nằm bên tả ngạn sông Mã nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh giàu giá trị. Gắn liền với đó là các lễ hội dân gian đặc sắc, các sự kiện và nhân vật lịch sử của quê hương, đất nước luôn làm say lòng và hấp dẫn du khách tìm về.
Trong hành trình về miền đất tâm linh Vĩnh Lộc những ngày tháng 9, điểm mà chúng tôi dừng chân đầu tiên đó là Thành Nhà Hồ - tòa thành đá kỳ vĩ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: "Trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và giàu giá trị của xứ Thanh, Thành Nhà Hồ giữ vị thế hết sức đặc biệt. Di sản này không chỉ là “tấm gương phản chiếu” một giai đoạn lịch sử của dân tộc; mà sự tồn tại của nó là minh chứng sống động cho tài hoa, trí tuệ của cha ông ta và đã kiểm chứng suốt nhiều thế kỷ. Đặc biệt, từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì vị thế và giá trị vươn tầm nhân loại của Thành Nhà Hồ ngày càng tiến lên nấc thang cao hơn. Điều đó, cũng đặt ra trách nhiệm cao cho chúng tôi trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Do đó, thời gian qua cùng với việc quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho công tác khai quật khảo cổ và bảo tồn, chống xuống cấp di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ luôn chú trọng đến việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch tâm linh kết nối Thành Nhà Hồ với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc để thu hút du khách".
Với sự nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, một trong những tuyến mới được đưa vào khai thác đã, đang thu hút rất đông du khách là tuyến tham quan các di tích tâm linh dọc sông Mã (vùng đệm di sản) bằng xe điện. Tuyến tham quan bắt đầu xuất phát từ Thành Nhà Hồ, đi qua các điểm di tích, địa điểm tiêu biểu như: đền thờ nàng Bình Khương, chùa Linh Giang, chùa Nhân Lộ, đền Tam Tổng (đền thờ Trần Khát Chân, xã Vĩnh Tiến)... Hay, tuyến tham quan di sản và làng cổ Đông Môn (xã Vĩnh Long), bao gồm các điểm tham quan: phòng trưng bày bổ sung Di sản thế giới Thành Nhà Hồ - đình Đông Môn - cổng Đông và tường thành phía Đông - thành nội - cổng Tây và tường thành phía Tây - nhà cổ Tây Giai - cổng Nam và tường thành phía Nam Thành Nhà Hồ, cũng đang tạo sức hấp dẫn với du khách.
Mỗi điểm đến, du khách sẽ được khám phá những sản phẩm du lịch mới lạ, thú vị. Chẳng hạn, đến tham quan chùa Linh Giang, du khách sẽ được thả mình trong phong cảnh non nước hữu tình, bởi ngôi chùa có lưng tựa vào núi, mặt hướng về phía dòng sông Mã êm đềm, lại nằm ngay gần với dãy núi An Tôn - một trong những công trường xưa kia khai thác đá xây Thành Nhà Hồ. Đến đình Đông Môn, được chiêm ngưỡng kiến trúc đặc sắc của ngôi đình được đánh giá là một trong những đình làng to và đẹp nhất xứ Thanh. Hiện nay, đình là nơi thờ Thành hoàng làng, đồng thời cũng là nơi chính quyền địa phương và dân làng sinh hoạt, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và tín ngưỡng. Đến cổng Đông và tường thành phía Đông Thành Nhà Hồ, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cấu tạo tường thành, kỹ thuật xây dựng tường thành, chiêm ngưỡng phần tường thành đẹp nhất còn lại với những khối đá to khổng lồ; được check in những góc hình đẹp lưu niệm...
Rời Thành Nhà Hồ, điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là quần thể thắng tích Kim Sơn (xã Vĩnh An), nơi được ví như một “Tràng An thu nhỏ” với núi non, hang động và đầm nước tuyệt đẹp. Vào mùa thu phong cảnh ở đây tựa hồ như bức tranh thủy mặc. Ngồi trên con thuyền thả mình vào dòng suối ấu thơ mộng, chúng tôi đã bị hút hồn bởi dòng nước trong veo, uốn lượn mềm mại như dải lụa, ôm lấy những dãy núi đá hùng vĩ và tắm mình trong những tia nắng mùa thu ấm áp. Theo lời người lái thuyền, sở dĩ người ta gọi là suối ấu bởi khu vực này tập trung trồng củ ấu - món ăn dân dã, quê kiểng đã và đang được thực khách ưa chuộng, là cây trồng cho hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân xã Vĩnh An.
Con thuyền nhỏ tiếp tục dập dềnh theo dòng nước đưa chúng tôi tiến sâu hơn vào cuộc hành trình khám phá thiên nhiên với các hang động kỳ vĩ nơi đây. Mỗi một hang động đều có sức hấp dẫn, cuốn hút du khách theo một cách rất riêng. Đó là động Ngọc Kiều với những tia nắng rọi từ trên cao xuống như dải lụa lấp lánh. Động Tiên Sơn như bức tranh thủy mặc với điểm nhấn là những khối thạch nhũ đủ hình đủ dạng, độc đáo và kỳ bí gợi nên sức khám phá cho con người... Người lái thuyền chầm chậm rẽ con thuyền đưa chúng tôi ghé thăm chùa Linh Ứng cổ kính nằm ngay vách núi. Quanh năm ở chùa đều có người đến thắp hương cầu khấn nên luôn bao phủ trong làn hương khói huyền ảo, kết hợp hài hòa với cảnh vật tạo nên một không gian êm đềm. Chùa Linh Ứng có từ thời nhà Lý, đến nay được phục dựng lại. Hàng năm, tại chùa có lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức vào trung tuần tháng hai âm lịch, thể hiện ước vọng của Nhân dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an...
Trên hành trình đến khám phá miền đất tâm linh Vĩnh Lộc, chúng tôi còn ghé thăm quần thể di tích nổi tiếng phủ Trịnh, nghè Vẹt, chùa Báo Ân (xã Vĩnh Hùng). Trong đó, nổi bật nhất là phủ Trịnh. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu, đánh dấu sự tồn tại của nhà Trịnh trên vùng đất quý hương. Trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thiên nhiên, di tích phủ Trịnh bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến nay, phủ Trịnh đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô khang trang hơn, xứng tầm với công lao của các vị chúa cống hiến cho đất nước. Đặc biệt, để tưởng nhớ công lao của các chúa Trịnh đối với đất nước, cứ đến ngày giỗ của Thái vương Trịnh Kiểm (tháng 2 âm lịch) hàng năm, đại diện dòng họ Trịnh cả nước và Nhân dân địa phương lại tề tựu về đây để tổ chức lễ hội.
Song hành cùng lịch sử dân tộc, mảnh đất Vĩnh Lộc không chỉ đóng góp cho đất nước nhiều nhân vật đã được lịch sử ghi nhận, mà còn kiến tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa vật thể với đình, chùa, miếu mạo được xây dựng từ xa xưa và ngày nay đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo người dân và du khách thập phương. Cùng với đó, là một kho tàng văn hóa phi vật thể với nhiều lễ hội, truyền thuyết dân gian, các tục lệ truyền thống... như là minh chứng sinh động để khẳng định chiều sâu văn hóa của vùng đất này. Bởi vậy, để phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, thời gian qua huyện đã quan tâm đến công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Đến nay, đã có nhiều di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: đình làng Bái Xuân (xã Vĩnh Phúc); nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút (xã Minh Tân); chùa Xuân Áng (xã Vĩnh Long); đình Nham Thôn (xã Vĩnh An)... Cùng với đó, huyện cũng chú trọng đến việc phát triển các tour du lịch tâm linh như: Thành Nhà Hồ - đền Bình Khương - chùa Tường Vân - Đàn tế Nam Giao - chùa Du Anh - phủ Trịnh, nghè Vẹt; tour du lịch di tích danh thắng: Thành Nhà Hồ - động Hồ Công - quần thể thắng tích Kim Sơn.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/vinh-loc-mien-dat-tam-linh/28653.htm