Vĩnh Lộc: Xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Bởi vậy, để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, việc quan tâm xây dựng thương hiệu cho các làng nghề đang được huyện Vĩnh Lộc quan tâm, thực hiện.
Làng Mai, xã Minh Tân từ lâu đã nổi tiếng với nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Hiện tại có hơn 1.000 lao động đang làm nghề với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, các cơ sở đã đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa. Nhờ đó, sản phẩm của làng nghề được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, nhất là khi làng nghề có bộ sản phẩm tranh đá tứ quý và tranh đá cá chép chơi trăng của cơ sở chế tác đá mỹ nghệ Hải Quân được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
Không dừng lại ở thị trường trong nước, các sản phẩm từ làng nghề chế tác đá mỹ nghệ này còn tham gia thị trường xuất khẩu khoảng 20%, góp phần đưa doanh thu từ các sản phẩm của làng nghề đạt khoảng 160 tỷ đồng/năm. Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tiếng ồn, làng nghề chế tác đá Làng Mai tới đây sẽ được quy hoạch vào cụm công nghiệp (CCN) Vĩnh Minh (nay là xã Minh Tân). CCN này có diện tích khoảng 30ha, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện khoảng 12,7ha. Khi CCN hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ là nơi vừa diễn ra hoạt động sản xuất, chế tác vừa là nơi trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, trong đó có các sản phẩm được chế tác từ đá.
Ngoài làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Làng Mai, xã Minh Tân còn có làng nghề trồng cây và kinh doanh sinh vật cảnh tại khu phố Đún Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc cũng đang phát triển ổn định với 50 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động. Tổng doanh thu từ các sản phẩm hoa, cây cảnh hàng năm của làng nghề đạt khoảng 13 tỷ đồng.
Được biết, huyện Vĩnh Lộc có hơn 20 ngành nghề truyền thống. Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, thời gian qua, huyện Vĩnh Lộc đã khuyến khích các làng nghề kết hợp kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất với việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ tạo lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề; hỗ trợ đưa các sản phẩm làng nghề lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, quan tâm thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống. Đến nay, huyện đã xây dựng và có 6 sản phẩm từ làng nghề được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: rượu Sâm Báo, chè lam Phủ Quảng, túi xách Nông Phú, bộ tranh đá tứ quý và tranh đá cá chép chơi trăng, chổi đót Nông Phú, kẹo lạc Hà Ly.
Việc có nhiều sản phẩm làng nghề được công nhận là sản phẩm OCOP, ông Vũ Hùng Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Lộc, cho rằng đó là kết quả của sự quan tâm, định hướng của chính quyền xã, huyện trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu làng nghề. Bên cạnh đó, các hộ làm nghề đã ý thức và biết kết hợp kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất với việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.