Vĩnh Phúc từng bước chuyển mình, vượt khó vươn lên
Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến nay, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Nếu năm 1997, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh chỉ đạt 114 tỷ đồng thì đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng; năm 2024 đạt 30.468 tỷ đồng. Riêng tháng 01/2025, tổng thu ngân sách tỉnh đạt 5.574 tỷ đồng.
Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Tháng 01/2025, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 5.574 tỷ đồng, đạt 21% so với kế hoạch năm. Trong đó, thu nội địa đạt 5.200 tỷ đồng, đạt 23,6% kế hoạch; thu hải quan đạt 374 tỷ đồng, đạt 7% so với kế hoạch năm.
Tổng nguồn vốn huy động đến 31/1/2025 ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2024. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 144.000 tỷ đồng, tăng 0,51% so với cuối năm 2024. Dư nợ cho vay chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn, ước đạt 107,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,44% tổng dư nợ, tăng 0,67%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 36,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,56%, tăng 0,05% so với cuối năm 2024. Cơ cấu dư nợ tiếp tục tập trung vào các hoạt động sản xuất, dịch vụ và đầu tư phát triển, trong đó dư nợ khu vực hộ gia đình, tư nhân, cá thể chiếm 59,82% tổng dư nợ và dư nợ khu vực doanh nghiệp chiếm 39,89% tổng dư nợ. Nợ xấu toàn địa bàn đến 31/01/2025 ước là 1,2 nghìn tỷ đồng; chiếm tỷ lệ 0,85% trên tổng dư nợ.
Tháng 01/2025, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc duy trì ổn định, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai kế hoạch từ đầu năm. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong hoạt động đầu tư, đặc biệt là các dự án trong nước (DDI).
Đến ngày 15/1, toàn tỉnh đã thu hút được 3 dự án DDI (1 dự án cấp mới, 2 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 160 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Khu vực FDI có 7 dự án được cấp phép, gồm 1 dự án mới và 6 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký đạt 25,52 triệu USD, bằng 36,74% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với 7 dự án đầu tư, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển tỉnh theo hướng công nghiệp hiện đại. Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động nhờ các chương trình xúc tiến, bình ổn giá và kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán. Nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của người dân gia tăng, góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.
Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã hoàn tất thu hoạch các cây trồng chính như ngô, khoai lang và rau màu; tiến độ gieo trồng cây vụ Xuân đạt 7.451,1 ha, trong đó diện tích lúa đạt 7.123 ha, chiếm 95,6%, tăng gần 97% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP, có giá trị kinh tế cao như bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và một số sản phẩm có thương hiệu và có sản phẩm xuất khẩu như thanh long ruột đỏ Lập Thạch; ớt quả, chuối tiêu hồng ở huyện Yên Lạc. Tổng sản lượng thịt hơi ước đạt 14.636 tấn, tăng 14,67% so với cùng kỳ; sản lượng sữa bò tươi đạt 5,2 nghìn tấn, tăng 0,38%; sản lượng trứng gia cầm đạt 73,6 triệu quả, tăng 3,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.447,3 tỷ đồng, giảm 0,06% so với tháng trước nhưng tăng 9,80% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu từ cả bốn nhóm ngành hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ, cụ thể: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.013,2 tỷ đồng, chiếm 80,74% tổng mức, tăng 0,56% so với tháng trước và tăng 10,09% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 587,1 tỷ đồng, tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 10,56% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,6 tỷ đồng, giảm 4,57% so với tháng trước nhưng tăng 15,74% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 831,4 tỷ đồng, giảm 4,64% so với tháng trước nhưng tăng 7,11% so với cùng kỳ.
Với lợi thế du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng cộng thêm thời tiết ấm áp, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc đón lượng lớn du khách đến chiêm bái, tham quan và du Xuân. Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, toàn tỉnh ước đón gần 210.000 lượt khách du lịch, tăng 11% so với 5 ngày nghỉ Tết của năm 2024. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 35%; bình quân công suất phòng tại các cơ sở lưu trú đạt khoảng 35%. Doanh thu du lịch ước đạt trên 132 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Hết năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa Vĩnh Phúc đạt 48,5%. Cùng với đó, toàn tỉnh có 200 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 13 thôn đạt chuẩn nông thôn mới thông minh; 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 12 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Yên Lạc đạt huyện nông thôn mới nâng cao; 141 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc được Trung ương và HĐND tỉnh giao tổng thu ngân sách Nhà nước là 27.026 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 22.026 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này và đưa GRDP của tỉnh tăng trưởng 2 con số, ngay cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh đã tiến hành giao chỉ tiêu, kế hoạch ngân sách cho các sở, ngành, địa phương.
UBND tỉnh đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là triển khai thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh nhằm giữ vững sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực mới thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, trong đó chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; tập trung thu hút FDI từ các nhà đầu tư chiến lược, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh và Hoa Kỳ...; ưu tiên phát triển, làm chủ công nghệ mới, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Cụ thể hóa tổ chức hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2022-2026 và các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030.
Cùng với đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các FTA đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Chủ động tham gia các chương trình quảng bá địa phương tại nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức; đa dạng hóa các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua tổ chức các sự kiện ngoại giao; lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa trong các hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.
Để nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng các công trình, dự án trọng điểm như các nút giao IC2, IC5 tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh; đường trục Bắc - Nam kết nối với cầu Vân Phúc; Cảng cạn ICD; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường trục Đông Tây đô thị Vĩnh Phúc (đoạn Tân Phong - Trung Nguyên); các tuyến đường song song đường sắt Vĩnh Yên - Bình Xuyên; tuyến đường vành đai 5 - Thủ đô...
Tỉnh phát triển thêm một số khu công nghiệp (KCN) theo lộ trình cụ thể, tại vị trí có lợi thế, có tính khả thi theo danh mục các KCN tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 4 - 8 KCN mới như KCN Lập Thạch I, Lập Thạch II, Tam Dương II - Khu B, Chấn Hưng, Bình Xuyên - Yên Lạc I, Bình Xuyên - Yên Lạc II và một số KCN có tiềm năng khác.
Thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính các cấp theo quy định của Trung ương. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển (1950-2025). Trải qua nhiều giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, chủ động vượt khó, luôn phát huy truyền thống, tranh thủ lợi thế, vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu đến năm 2045, Vĩnh Phúc là trở thành thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; xã hội phát triển hài hòa; môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.
Để hiện thực hóa mục tiêu này trên cơ sở Quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách; yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Trong đó, trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khơi thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh…
Cùng với triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung cao độ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời, chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội lần thứ XIV của Đảng, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/vinh-phuc-tung-buoc-chuyen-minh-vuot-kho-vuon-len-38131.html