Vĩnh Trụ thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Là trung tâm hành chính của huyện Lý Nhân, thị trấn Vĩnh Trụ đã và đang phát huy tối đa các mặt lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh thế mạnh về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, những năm qua, Vĩnh Trụ còn chú trọng phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), trọng tâm là duy trì, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Trên địa bàn thị trấn hiện có gần 1.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và trên 80 doanh nghiệp. Trong đó, số cơ sở, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CN-TTCN chiếm khoảng 40%. Năm 2024, giá trị sản xuất CN-TTCN của thị trấn đạt gần 482 tỷ đồng, bằng 112,57% kế hoạch năm.
Ông Đặng Xuân Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ cho biết: Bên cạnh lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ, thị trấn Vĩnh Trụ xác định cần phải phát triển đa dạng các ngành nghề CN-TTCN để duy trì, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định cho người lao động, nhất là với đối tượng lao động là người trung tuổi, cao tuổi và các hộ dân không có lợi thế về giao thông để kinh doanh, buôn bán. Do vậy, những năm qua, thị trấn đã chỉ đạo đẩy mạnh quảng bá các làng nghề truyền thống, các ngành nghề có thế mạnh của địa phương đang ngày càng được người tiêu dùng biết đến như mộc, cơ khí, làm mành nứa… Qua đó, từng bước nâng cao uy tín, tạo thương hiệu cho các sản phẩm, doanh nghiệp trên thị trường.
Thị trấn Vĩnh Trụ hiện có làng nghề mộc truyền thống tại thôn 1 Mai Xá; 2 làng nghề làm mành nứa truyền thống tại thôn 1, thôn 2 Công Xá và làng nghề cơ khí ở thôn 3 Mai Xá. Các làng nghề này đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động. Riêng làng mộc truyền thống ở thôn 1 Mai Xá hiện có trên 50% số hộ đang tham gia làm nghề. Trong những năm gần đây, sản phẩm của làng nghề ngày càng có tiếng trên thị trường, được mang đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với sản lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh qua các năm. Riêng năm 2024, giá trị sản xuất của làng nghề đạt xấp xỉ 30 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng về chủng loại, mẫu mã như: giường, tủ, bàn thờ, bàn ghế, cửa ra vào, trần nhà, tranh gỗ, nhà gỗ…

Làng nghề mộc truyền thống thôn 1 Mai Xá, thị trấn Vĩnh Trụ có trên 50% số hộ dân đang làm nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ xưởng gỗ Hoa Hùng – một trong cơ sở sản xuất đồ gỗ quy mô lớn ở thôn 1 Mai Xá, cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều cơ sở làng nghề đã mang sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ trong huyện, trong tỉnh. Qua đó, khách hàng ngày càng biết đến sản phẩm làng nghề. Để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, xưởng gỗ Hoa Hùng đã đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại nhất áp dụng đối với hầu hết các công đoạn sản xuất. Đến nay, ngoài tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Nam Định, xưởng gỗ Hoa Hùng còn có 2 siêu thị giới thiệu, bày bán đồ gỗ tại miền Nam. Vì vậy, sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết đến đó.
Báo cáo của UBND thị trấn Vĩnh Trụ cho thấy, bên cạnh làng nghề mộc, thời gian qua, thị trấn cũng quan tâm, tạo thuận lợi để các hộ làm nghề đan mành nứa tại các làng nghề truyền thống đan mành nứa thôn 1, thôn 2 Công Xá duy trì, phát triển nghề. Với các sản phẩm đa dạng như: mành cửa ra vào, mành cửa sổ, mành che nắng, dát giường... các hộ làm nghề đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Theo ông Trần Xuân Chữa, Trưởng thôn 2 Công Xá, nghề đan mành truyền thống đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động trong thôn, chủ yếu là người dưới và trên độ tuổi lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh duy trì, phát triển nghề mộc và làm mành nứa, thị trấn Vĩnh Trụ cũng đang phát triển mạnh nghề cơ khí với các sản phẩm chủ yếu là dao, liềm, cuốc… với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề khác như: chế biến thực phẩm, xây dựng, phụ hồ… cũng ngày càng thu hút đông đảo người lao động tham gia làm nghề.
Ông Đặng Xuân Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ cho biết thêm: Toàn thị trấn có trên 4.000 hộ dân, trong đó có trên 50% số hộ có người tham gia làm các ngành nghề CN-TTCN. Qua đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của thị trấn năm 2024 đạt 82,46 triệu đồng, vượt 2,31% kế hoạch năm. Những năm qua, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương thông qua các hội chợ, triển lãm luôn được thị trấn quan tâm. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường làng nghề cũng được chú trọng thực hiện tốt nên các làng nghề truyền thống của thị trấn luôn bảo đảm các tiêu chí về tỷ lệ số hộ; tiêu chí về hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong 2 năm liên tiếp gần nhất; tiêu chí về bảo vệ môi trường làng nghề.
Thị trấn Vĩnh Trụ phấn đấu năm 2025, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn ước đạt 534,59 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 11% so với năm 2024. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, thị trấn Vĩnh Trụ sẽ tiếp tục triển khai giải pháp để duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống và các ngành nghề TTCN có thế mạnh; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.