Vĩnh Yên nỗ lực đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư nói chung, dân cư đô thị nói riêng không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Hiện thành phố Vĩnh Yên đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm sớm đưa chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành, khu dân cư.

Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Dương Thị Chính Lan ở TDP Mới, phường Đống Đa (Vĩnh Yên).

Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Dương Thị Chính Lan ở TDP Mới, phường Đống Đa (Vĩnh Yên).

Hệ lụy từ chăn nuôi nhỏ lẻ

Tận dụng sân vườn rộng rãi, từ nhiều năm nay, gia đình chị Dương Thị Chính Lan ở TDP Mới, phường Đống Đa đã xây dựng chuồng trại kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Với quy mô chăn nuôi vào khoảng 100 con lợn, 200 con gà và 50 con vịt, song khu chuồng trại của gia đình chị lại khá đơn sơ, được làm theo lối chuồng hở truyền thống; chất thải trong chăn nuôi không được xử lý bằng hầm biogas mà được thải trực tiếp xuống khu đầm gần đó.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Lan cho hay: “Chúng tôi cũng muốn đầu tư bài bản, song vì kinh tế eo hẹp nên chỉ đành vừa làm, vừa đầu tư một cách chắp vá”. Cũng vì tận dụng diện tích vườn ngay sau nhà để làm chuồng trại, đồng thời chăn nuôi theo lối truyền thống, nên việc phải sống chung với mùi hôi thối của chất thải chăn nuôi là khó tránh khỏi.

Không chỉ riêng hộ chị Lan, trên địa bàn phường Đống Đa có hơn 60 hộ có hoạt động chăn nuôi (số liệu tháng 3/2023), tập trung chủ yếu ở TDP Mới , TDP An Định.

Chăn nuôi trong phường chủ yếu mang tính chất nhỏ lẻ. Thậm chí có nhiều hộ chỉ nuôi từ 1 -2 con lợn và vài con gà, phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình là chính.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thị Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa cho biết: “Việc chăn nuôi trong các TDP đã và đang có ảnh hưởng nhất định đến môi trường của chính các hộ chăn nuôi cũng như khu vực xung quanh.

Nhất là khi hầu hết các hộ đều chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, việc áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi không được đảm bảo”. Không chỉ có vậy, việc chăn nuôi trong khu dân cư cũng làm tăng nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo thống kê của phòng Kinh tế thành phố Vĩnh Yên, đến tháng 3/2023, trên địa bàn thành phố vẫn có hơn 900 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (không tính các hộ chăn nuôi chó, mèo).

Không thể phủ nhận hoạt động chăn nuôi, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân, đóng góp vào phát triển KT - XH của địa phương. Tuy nhiên, trước những hệ lụy mà hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đưa đến, việc di dời các cơ sở chăn nuôi là rất cần thiết để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh và xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Đưa chăn nuôi ra khỏi các TDP

Nghị quyết số 14/2022 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; qua khảo sát thống kê thành phố Vĩnh Yên có 54 TDP không được phép chăn nuôi.

Cụ thể là toàn bộ các TDP ở phường Đống Đa, Ngô Quyền, 2 TPD ở phường Đồng Tâm, 15 TPD ở Phường Liên Bảo, 5 TDP ở phường Khai Quang, 3 TDP ở phường Hội Hợp và 6 TDP ở phường Tích Sơn.

Để đưa chăn nuôi ra khỏi các TDP này, thời gian qua, UBND thành phố đã giao Phòng Văn hóa thông tin; UBND các xã, phường, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết trên Cổng thông tin điện tử của thành phố; Đài Truyền thanh thành phố, hệ thống loa truyền thanh các xã, phường để người dân được biết và thực hiện. Đồng thời, thành lập tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết cấp thành phố và cấp phường.

Thành phố cũng đã tiến hành rà soát, thống kê các cơ sở chăn nuôi và dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Vĩnh Yên hiện có 35 cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ di dời (có diện tích nền chuồng từ 40 m2 trở lên). Với diện tích nền chuồng đề nghị hỗ trợ là 2.776 m2. Tuy vậy, việc di rời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên hiện nay đang gặp không ít khó khăn.

Bà Trần Thị Khanh, Tổ trưởng TDP Mới, phường Đống Đa chia sẻ: “Hiện nay, chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Nếu phải dừng chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Nếu di dời, không phải ai cũng có sẵn đất, có tiền để đầu tư lại”.

Trên thực tế, thành phố Vĩnh Yên nằm trong lõi quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Phúc nên việc xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố đảm bảo có tỉnh ổn định, lâu dài là rất khó khăn.

Quỹ đất bố trí để người dân chuyển đổi chuồng trại ra khu vực được phép nuôi còn hạn chế, không quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung.

Để tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện nghị quyết, sớm đưa chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi về tập quán chăn nuôi tại nội thành, nội thị, khu dân cư của xã, phường.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo UBND các phường tổ chức vận động cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ làm đơn cam đoan chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ thủ tục hỗ trợ theo quy định.

Triển khai, thực hiện ký kết tới các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi mà không thuộc đối tượng hỗ trợ nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn; không để phát sinh cơ sở chăn nuôi mới kể từ ngày Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh có hiệu lực.

Bài, ảnh: Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96310//vinh-yen-no-luc-dua-chan-nuoi-ra-khoi-khu-dan-cu