VN-Index có những nhịp biến động mạnh trong sự thận trọng của khối ngoại?
Thị trường đang bước vào 'uptrend' trong bối cảnh lãi suất thấp, sản xuất phục hồi, nhưng sẽ khó tránh những nhịp điều chỉnh lớn khi khối ngoại liên tục bán ròng do biến động tỷ giá.
"Tiền rẻ” giúp giao dịch chứng khoán thuận lợi hơn
VN-Index kết thúc tháng 8/2023 tại 1.224 điểm, không tăng so với tháng 7. Diễn biến này đã chấm dứt mạch 4 tháng tăng điểm – có thể nói đây là khoảng thời gian mà hiệu ứng đảo chiều chính sách tiền tệ có tác động rõ rệt nhất lên thị trường chứng khoán.
Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HOSE tăng mạnh 34% so với tháng 7/2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 20,5 nghìn tỷ đồng/phiên (tăng 22% so với tháng trước đó), khi trong tháng có phiên giảm mạnh với giá trị khớp lệnh tăng vọt lên mức 35 nghìn tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điểm tích cực là diễn biến giá này đi kèm với thanh khoản bình quân cải thiện trở lại trên 20 nghìn tỷ đồng/phiên. Điều này không chỉ phản ánh rằng một lượng lớn tiền đã chờ bắt đáy mà còn cho thấy dòng tiền duy trì được sức mua liên tục để giữ xu thế phục hồi sau đó.
Xét theo nhóm ngành, các ngành tăng điểm mạnh nhất trong tháng 8/2023 gồm: Công nghệ thông tin (+13,1%); Dịch vụ Tài chính (+10,4%); Ô tô (+9,9%). Các nhóm hồi phục mạnh từ đáy tháng 9 có thể kể đến như: Dịch Tài chính (+14,5%), Công nghệ thông tin (+13,4%), Hóa chất (+11,8%), Bán lẻ (+9,1%).
Trong tháng 9/2023, VDSC đánh giá các yếu tố nổi bật tác động đến thị trường chứng khoán có thể kể đến như: Cuộc họp về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán và tiến độ triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm và hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán...
Với định giá P/E hiện tại của VN-Index là 14,9 lần và lợi suất tương ứng là 6,7%, thị trường chứng khoán vẫn tương đối hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống liên ngân hàng vẫn rất dồi dào khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp (tại ngày 06/09/2023 là 0,16%), VDSC vọng các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động trong thời gian tới.
VDSC cho rằng, vĩ mô có thể tiếp tục khởi sắc nhẹ. Tín dụng dự báo sẽ tăng tốc dần trong các tháng tới khi Thông tư số 10/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Thông tư này gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới việc cho vay mua cổ phần của công ty tư nhân và cho vay đối với lĩnh vực BĐS (cho vay góp vốn theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án không đủ điều kiện kinh doanh, cho vay bù đắp tài chính).
Ngoài ra, ngành sản xuất cũng đã có tín hiệu tốt hơn khi PMI Việt Nam trong tháng 8 đã tăng lên 50.5. Một số dấu hiệu phục hồi của nhu cầu đã giúp số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ tháng 2/2023.
Thị trường điều chỉnh lành mạnh
Thời gian qua, trái với sự hoạt động tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước đang cho thấy sự thận trọng nhất định, thể hiện qua động thái bán ròng mạnh và mức độ tham gia thị trường (đo lường bằng tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng giao dịch toàn thị trường) giảm.
Sự thận trọng của nhà đầu tư tổ chức có thể sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường, đặc biệt trong môi trường lãi suất thấp và tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cá nhân, song sẽ tạo nên những nhịp biến động mạnh của thị trường.
Về rủi ro, VDSC nhấn mạnh, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể chưa chấm dứt có thể ảnh hưởng tới hiệu suất của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong tháng 8/2023, khối ngoại đã bán ròng với giá trị quy đổi khoảng 106 triệu USD. Với việc các quỹ ETF ngoại đã bị rút ròng khoảng 68 triệu USD, các quỹ đầu tư chủ động cũng đã bán ròng khoảng 38 triệu USD trong tháng qua.
Một phần lý do khiến hoạt động bán ròng có thể tiếp diễn là rủi ro mất giá của đồng VND. Mặc dù lãi suất quỹ liên bang có thể sẽ không thay đổi trong tháng 9/2023, mức chênh lệch giữa lãi suất qua đêm giữa VND và USD vẫn là rất lớn (khoảng 5%), khiến cho đồng VND có thể tiếp tục mất giá.
Tuy nhiên, xu hướng này có thể không gây ra những ảnh hướng quá tiêu cực tới thị trường chứng khoán do yếu tố này đã được kỳ vọng khi Ngân hàng Nhà nước lựa chọn mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ và tỷ lệ tham gia thị trường của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài – nhóm nhà đầu tư có hành vi giao dịch liên quan tới tỷ giá – đang giảm dần. Hơn nữa, PMI cải thiện lên mức 50.5 hàm ý hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện nhẹ, và duy trì thặng dư thương mại.
Nhịp điều chỉnh mạnh một vài phiên đầu tháng 9 khiến thị trường “bớt nóng” sau chuỗi tăng điểm (kể từ đầu tháng 5/2023). VDSC cho rằng, đây là một sự điều chỉnh lành mạnh. Chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ tạo cơ hội giao dịch thuận lợi cho thị trường. Theo đó, nhà đầu tư có thể sử dụng một tỷ lệ đòn bẩy hợp lý (và phù hợp khẩu vị rủi ro) để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư. Đây là quan điểm xuyên suốt của VDSC cho những tháng cuối năm.
Thị trường có thể biến động mạnh ở vùng P/E trượt 14,8 lần của VN-Index (tương ứng vùng 1.240 điểm). Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn cần tuân thủ nghiêm chiến lược mua – bán linh hoạt: Tích lũy cổ phiếu ưa thích khi giá điều chỉnh về vùng chờ mua và giảm tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp thị trường có dấu hiệu “FOMO”.
Đặc biệt khi chỉ số càng lên cao (tiến đến vùng P/E 15.5x–16.x) mà thiếu nền tảng cơ bản hỗ trợ, mức độ điều chỉnh có thể mạnh và diễn ra bất ngờ (như trung tuần tháng 8/2023).
Về cổ phiếu ưa thích cho tháng 9, VDSC lựa chọn các cổ phiếu sau: REE, PC1, MSN, VNM, VCB, ACB, BID, MBB, OCB, KDH, DBD, PGV, LHG, KBC, NTC và SIP.