VN-Index xác lập mức cao nhất 10 tháng, trợ lực từ dòng vốn ngoại
Khối ngoại mua ròng 563 tỷ đồng, mức giải ngân cao nhất trong một tháng trở lại đây.
Tăng 7 phiên không ngừng nghỉ, VN-Index tiến gần hơn mốc 1.200 điểm
Cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam đều giao dịch trên mức tham chiếu ở toàn bộ phiên giao dịch. Đến nay, đây đã là phiên thứ 7 liên tiếp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số sàn HoSE chỉ còn cách mốc 1.200 điểm chưa đến 30 điểm và thực tế đây cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ phiên giao dịch 20/9/2022.
Kết thúc phiên 17/7, VN-Index tăng 4,73 điểm (+0,4%) lên 1.173,13 điểm. HNX-Index tăng 0,33% lên 230,95 điểm. Chỉ số sàn UPCoM bật tăng mạnh ngay thời điểm mở cửa phiên, điều chỉnh lại sau đó và chỉ còn tăng 0,6% lên 86,8 điểm. Dù vậy, UPCoM-Index vẫn là chỉ số tăng mạnh nhất trong ba sàn.
Chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong số không nhiều thị trường đóng cửa trong sắc xanh ở phiên hôm nay. Khá nhiều thị trường lớn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thượng Hải hay sàn chứng khoán Thâm Quyến đều giảm điểm, chỉ số sàn Philippines giảm sâu nhất (-1,12%).
Không chỉ chiếm trọn khung giờ giao dịch, sắc xanh cũng áp đảo với 463 mã cổ phiếu tăng, 27 mã tăng trần; trong khi chỉ có 302 mã giảm và 17 mã giảm sàn.
Tuy nhiên, trong nhóm 10 cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn nhất, chỉ 3 cổ phiếu tăng. Dù vậy, chỉ riêng hai cổ phiếu VHM và VIC tăng lần lượt 4,61% và 2,29% đã đóng góp gần 4,5 điểm tăng trong tổng mức tăng 4,73 điểm của toàn thị trường. Cặp đôi cổ phiếu nhà Vingroup cũng đồng thời là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index.
Cũng nhờ phiên hôm nay, vốn hóa của Vinhomes đã lấy lại vị trí thứ hai mà BIDV vừa giành được không lâu. Cổ phiếu của ngân hàng này giao dịch tiêu cực, giảm 1,18% khi đóng cửa và cũng là yếu tố ghìm chân VN-Index khi góp nhiều điểm giảm nhất.
Không riêng cổ phiếu các ông lớn, dòng bất động sản và ngân hàng mang hai thái cực đối lập. Nhóm cổ phiếu bất động sản xuất hiện gần chục cổ phiếu tăng kịch biên độ như DXS, HAR,LDG, LGL… Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng phân hóa nhưng nhóm giảm giá áp đảo hơn và cũng có quy mô vốn hóa lớn hơn. Điều này đã khiến sắc đỏ áp đảo ở dòng cổ phiếu vua này.
Một số nhóm ngành cũng ghi nhận giao dịch khá tích cực như thủy sản, bảo hiểm, chứng khoán…
Xuất hiện 2 cổ phiếu giao dịch trên ngàn tỷ, dòng vốn ngoại thúc đà tăng
Thị trường tiếp tục giao dịch sôi động dù thanh khoản có giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước. Trên cả ba sàn, giá trị giao dịch đạt 21.324 tỷ đồng. Dòng tiền đổ dồn vào hai cổ phiếu STB và DIG. Ở phiên cuối tuần trước, số lượng cổ phiếu STB chuyển nhượng trong phiên đã tăng đột biến lên 74,9 triệu đơn vị. Dù đã giảm đáng kể, vẫn có 41,7 triệu cổ phiếu giao dịch hôm nay. Tính ra, chỉ trong vỏn vẹn 2 phiên, đã có gần 117 triệu đơn vị cổ phiếu STB ”đổi chủ”, tương đương 6,2% lượng cổ phiếu STB đang lưu hành. Giá cổ phiếu STB tiếp tục giảm thêm 3,45% về mốc 28.000 đồng/cổ phiếu.
Thị trường phiên hôm nay xuất hiện 2 cổ phiếu giao dịch trên ngàn tỷ đồng. Ngoài STB (1.181 tỷ đồng), giá trị giao dịch cổ phiếu DIG cũng vượt trên 1.100 tỷ đồng.
Điểm tích cực là khối ngoại đã quay trở lại mua ròng. Khối ngoại mua ròng 563 tỷ đồng, mức giải ngân cao nhất trong một tháng trở lại đây. Dòng tiền từ khối ngoại cũng là động lực kéo VHM, SSI tăng giá mạnh. VHM là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất (179 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch VHM chỉ vỏn vẹn 315 tỷ đồng. Lực cầu của khối ngoại cũng chiếm 30% giá trị giao dịch của SSI.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bị bán ròng mạnh lần lượt là VPB (103 tỷ đồng), CTG (52 tỷ đồng), STB (50 tỷ đồng.