VNVC ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF)
Thông qua hợp tác chiến lược với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), VNVC kỳ vọng mang vắc xin điều trị ung thư tiềm năng với công nghệ mRNA hiện đại của Nga về Việt Nam ngay từ quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn sớm để người bệnh có cơ hội tiếp cận thêm những giải pháp hiện đại hàng đầu thế giới.

Tối 10/5 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Matxcơva (Nga), dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Công ty Vaccine Việt Nam (VNVC) và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc sinh học tiên tiến. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 8 đến 11/5, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga.

Trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Putin và Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Kirill Dmitriev - Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đại diện phía Nga trao đổi văn kiện hợp tác với ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty vaccine VNVC. Ảnh: Hoàng Thống Nhất
Theo thỏa thuận hợp tác giữa RDIF và VNVC, hai bên sẽ thảo luận để thiết lập nền tảng hợp tác sâu về công nghệ cao trong lĩnh vực Y sinh, tập trung vào nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại các thuốc sinh học, vaccine công nghệ cao. Trong đó, kỳ vọng hàng đầu của VNVC là sớm đưa về vaccine điều trị ung thư tiềm năng trên công nghệ mRNA hiện đại hàng đầu hiện nay mà phía Nga đã công bố gần đây.
Ông Kirill Dmitriev, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết: “Nga và Việt Nam có nhiều điều kiện để hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh và chăm sóc sức khỏe. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik V phòng Covid-19 của Nga. Khung hợp tác chúng tôi công bố hôm nay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi khoa học và chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia nhằm phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mang tính tiên phong”.
Hợp tác quan trọng này của VNVC với đối tác lớn hàng đầu thế giới tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của y tế Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trước mắt và cụ thể, hợp tác này được coi là hành động cụ thể, hiện thực hóa chủ trương từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Nga được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển lớn cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sản xuất vaccine công nghệ cao và các liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến cho Việt Nam.
Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với các cơ quan uy tín của Nga, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty vaccine VNVC khẳng định đây là cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận, thử nghiệm các vaccine trên công nghệ mRNA tiên tiến bậc nhất mà phía Nga đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển. Hai bên sẽ trao đổi để mở ra cơ hội cho Việt Nam được tiếp cận sớm với vắc xin ung thư công nghệ mRNA tiềm năng của Nga, không chỉ là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, thương mại hóa sản phẩm mà còn có thể sản xuất ngay tại Nhà máy sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm VNVC tại Long An.
“Trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới và tử vong do ung thư, thỏa thuận hợp tác quan trọng này sẽ mở ra cơ hội mới điều trị ung thư bằng vaccine đầu tiên ngay trong nước, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sống cho người dân”, ông Ngô Chí Dũng nhấn mạnh.

Nhà máy sản xuất vaccine và Sinh phẩm VNVC tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, được thiết kế xây dựng theo công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Ảnh: VNVC
Bên cạnh văn kiện hợp tác quan trọng này, VNVC còn ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya về hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sinh học. Các đề tài nghiên cứu sẽ được triển khai ngay trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ hợp tác được công bố giữa hai đại diện chính thức trong lĩnh vực y tế của hai quốc gia, VNVC còn ký kết với Tập đoàn dược phẩm Nga Binnopharm, một trong những hãng sản xuất dược phẩm lớn nhất nước Nga.

Bên trong nhà máy của Binnopharm, một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất nước Nga. Ảnh: Binnopharm
Ngay sau ký kết, VNVC sẽ bắt đầu các hoạt động trao đổi khoa học cùng các nhà khoa học từ nhiều Viện nghiên cứu, bệnh viện cao cấp của Nga để tiếp nhận chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Đặc biệt là nghiên cứu triển khai sản xuất vaccine theo mô hình “chu trình toàn diện, khép kín hoàn toàn” tại Việt Nam, tập trung vào các sản phẩm dược phẩm là thế mạnh của Binnopharm, cùng với các sản phẩm dược phẩm quan trọng khác của Nga, tập trung chuyên sâu là lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư công nghệ cao.

Tháng 12/2024, Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X-quang thuộc Bộ Y tế Nga, thông báo Nga đang nghiên cứu và phát triển vaccine điều trị ung thư sử dụng công nghệ mRNA hiện đại. Ảnh: TASS
Thỏa thuận hợp tác giữa VNVC và các cơ quan, tổ chức uy tín về y tế và đầu tư hợp tác, chuyển giao công nghệ của Nga mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận sớm và toàn diện với các nghiên cứu, phát minh mới của Nga trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, giúp người dân Việt Nam và các nước trong khu vực sớm có cơ hội tiếp cận với các loại thuốc, vaccine công nghệ mới như vaccine tiềm năng điều trị ung thư sử dụng công nghệ mRNA của Nga.