Vợ ơi!
Đêm đã khuya, tôi nhận được một email từ San Francisco, chuyển mail của nhà thơ Nguyễn Duy. Thư của nhà thơ Nguyễn Duy giới thiệu về một bài viết bình tập 'Vợ tôi' mới tái bản của ông, sau tròn 1 năm vợ của nhà thơ ra đi.
Thật hiếm có một nhà thơ nào dành hẳn một tập thơ 20 bài để ca ngợi vợ mình như Nguyễn Duy. Thường các nhà thơ chỉ viết thơ tặng cho người yêu, hay họa hoằn có vài bài nói lên nỗi khổ cực của vợ, kiểu: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng” của Tú Xương… Trong âm nhạc cũng có những tác phẩm, như của Thanh Tùng, nói sự nhớ nhung vợ mình, nhưng cũng khi vợ của ông đã ra đi…
Nguyễn Duy thì khác, ông có hàng chục bài thơ cho vợ, với sự yêu thương, biết ơn ngay khi bà còn sống. Nguyễn Duy là nhà thơ lớn, hàng đầu của thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ của ông dung dị, nhưng đó là sự dung dị được chắt lọc từ sự thông minh và tài hoa hiếm người có được. Thử đọc vài dòng trong “Vợ ơi”:
Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời
lúc xơ xác bờm xơm từ sợi tóc
đói lả mò về
cơm đâu
vợ ơi...
Mấy câu thơ trên là nhà thơ nói thực tế của… nhiều ông chồng làm thơ. Nhưng hãy thử đọc mấy câu sau:
Đêm huyền ảo một kinh kỳ se lạnh
một mình ta cô quạnh giữa muôn người
mặt sông lạ gợn nếp nhăn đuôi mắt
bủn rủn buồn
ta thầm kêu
vợ ơi...
Không thể có ai như nhà thơ Nguyễn Duy cảm nhận được sự nhớ thương và yêu vợ của mình đến như vậy.
Sự tôn trọng nhau, và cả sự biết ơn nữa, trong cuộc sống vợ chồng là yếu tố hàng đầu để gia đình êm ấm, người xưa vợ chồng phải: Tương kính như tân, tức vợ chồng tôn trọng nhau, dùng lễ nghĩa đối đãi nhau.
Trong xã hội ảnh hưởng lễ giáo phong kiến, như ở Việt Nam, người vợ gần như phải có bổn phận chăm sóc chồng, đứng đằng sau sự thành công của người đàn ông. Quan niệm này gần như bất di, bất dịch, dù rằng xã hội hiện đại đã có nhiều phụ nữ thành công ở xã hội không kém gì đàn ông. Điều đó dẫn đến việc: Người đàn ông mặc nhiên thụ hưởng sự chăm lo của vợ mà không cần phải cảm ơn.
Anh Nguyễn N là một bác sĩ nổi tiếng, tài năng và giàu có. Anh ít khi bộc lộ tình cảm với vợ, nhưng thỉnh thoảng nói với con, mẹ của con nấu ngon như thế này, mẹ của con chăm lo cho cả nhà như thế kia… như một sự cảm ơn tế nhị. Anh nói: “Mỗi lần như vậy, vợ tôi như vui hơn, phấn chấn chấn hơn sau những ngày vất vả vì chăm lo gia đình”.
Mỗi một ông chồng có thể bày tỏ sự tôn trọng, biết ơn sự chăm sóc bản thân và gia đình của vợ. Đó có thể là sự sẻ chia trong công việc gia đình. Đó cũng có thể là món quà tặng vợ… “Nhưng làm gì thì làm, điều quan trọng là người chồng phải bộc lộ bằng lời nói với vợ” - một chuyên gia tâm lý chia sẻ, “vì lời nói là sự bộc lộ rõ ràng nhất”. Thậm chí, lời trao gửi yêu thương đó nên được thực hiện hàng ngày. “Có thể hoa mỹ một chút cũng được, vì hoa mỹ cho vợ mình chứ cho ai” - một chuyên gia tâm lý nói.
Nói như vậy, chúng ta mới thấy những vần thơ của Nguyễn Duy nói về vợ với sự yêu thương và cả sự biết ơn nữa thật đáng quý. Thơ của ông hình thành từ nhiều năm sống cùng vợ, nó không chỉ “nói” riêng với vợ của ông mà còn cho rộng rãi bạn đọc biết. Do đó, lời thơ của ông càng chứng tỏ sự chân thành, tha thiết hơn bao giờ hết và có sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn… khác không ngại ngần để ca ngợi vợ. Hơn nữa, nó góp phần truyền cảm hứng cho những cặp vợ chồng sống trong hòa thuận, thương yêu nhau.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vo-oi-376372.html