Vốn đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh qua tỉnh Đồng Tháp tăng hơn 1.500 tỷ đồng sau khi trình lại

Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh qua tỉnh Đồng Tháp vừa được trình duyệt lại với mức đầu tư tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với phương án đã được phê duyệt trước đó. Dự kiến dự án sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc, thực hiện trong 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực...

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối với cầu Cao Lãnh đi qua cầu Vàm Cống và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi Kiên Giang.

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối với cầu Cao Lãnh đi qua cầu Vàm Cống và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi Kiên Giang.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1. Đơn vị này đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan đối với với tờ trình được gửi đi vào tháng 8 trước đây.

Cụ thể, theo bản đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có tổng chiều dài khoảng 26,56 km.

Điểm đầu được kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km 96+875 (lý trình N2) gần mố A2 cầu Kênh Giữa 1 của tuyến N2, thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối tại nút giao An Bình (điểm đầu dự án cầu Cao Lãnh), huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Giai đoạn 1 dự án sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng mặt cắt ngang 17m.

Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 32,25m.

Như vậy, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án được trình duyệt tăng khoảng 1.510 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203 ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ là 4.771 tỷ đồng.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án là khoảng 6.280 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (gồm dự phòng) gần 970 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là hơn 3.988 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là hơn 554 tỷ đồng; chi phí dự phòng là gần 770 tỷ đồng.

So sánh với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng; chi phí xây dựng tăng khoảng 791 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng khoảng 227 tỷ đồng...

Dự kiến, dự án sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc khoảng 4.537 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng gần 1.744 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực.

Hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Dự án cùng với các tuyến N1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 1 và các tuyến quốc lộ giáp biển Đông tạo thành 5 trục dọc quan trọng của khu vực.

Như vậy, việc đầu tư xây dựng mới tuyến Mỹ An - Cao Lãnh còn góp phần kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Cà Mau cũng như cao tốc Chơn Thành - Rạch Giá (Rạch Sỏi - Kiên Giang); giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, kết nối giao thông với các trục dọc - ngang và nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án đã và đang triển khai.

Từ đó, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh Long An, Đồng Tháp nói riêng.

Anh Tú -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/von-dau-tu-cao-toc-my-an-cao-lanh-qua-tinh-dong-thap-tang-hon-1-500-ty-dong-sau-khi-trinh-lai.htm