Vốn rẻ cho sản xuất cuối năm

Những tháng cuối năm nhu cầu sử dụng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng. Vì vậy, hiện nay một số ngân hàng thương mại đã tung các gói tín dụng lãi suất thấp hỗ trợ sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất cho thị trường tiêu dùng dịp cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất cho thị trường tiêu dùng dịp cuối năm.

Tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh cho rằng, với ngành lương thực thực phẩm, giai đoạn cuối năm là cơ hội tốt đẩy mạnh sản xuất và tăng doanh thu. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp (DN) chủ động tìm nguồn vốn vay phù hợp đầu tư cho hoạt động sản xuất. “Hiện các gói vay tại ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi từ 5.8 - 6.5% cho DN. Đáng mừng là DN gặp thuận lợi trong việc tiếp cận vốn lưu động, vốn đầu tư tài sản cố định cũng không gặp nhiều khó khăn. Thực ra, để tiếp cận được nguồn vốn, bản thân DN phải có kết quả kinh doanh hiệu quả” - ông Hiến chia sẻ.

Cùng về vốn cho sản xuất nhưng dưới góc độ đại diện cho cộng đồng DN, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội DN Thủ Đức chia sẻ, DN rất thận trọng trong việc vay vốn, không muốn vay thêm vì sẽ tăng chi phí. DN đang tìm các ngân hàng có chính sách ưu đãi, nhất là chính sách lãi suất thấp cho DN.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, đến cuối tháng 8/2024, tổng số tiền giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn thành phố đạt 425.659 tỷ đồng. So với quy mô gói tín dụng được 17 thương hiệu ngân hàng đăng ký từ đầu năm khi tham gia chương trình kết nối ngân hàng DN năm 2024, với số tiền là 509.864 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 83,4%. Theo ông Lệnh, nhiều khách hàng đã được tiếp cận và thụ hưởng chính sách để giảm bớt khó khăn, ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Thông qua việc giải ngân gói tín dụng này có 146.906 khách hàng được vay vôn. Trong đó, một số quận, huyện như quận 1, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp có tỷ lệ giải ngân cao và số lượng khách hàng được hỗ trợ nhiều nhất.

“Chương trình kết nối ngân hàng - DN không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, còn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong những tháng cuối năm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ” - ông Lệnh chia sẻ thêm.

Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Mong muốn nguồn vốn lãi suất thấp đến với cộng đồng DN, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba) cho biết, thời gian qua, chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn thành phố trở thành kênh tiếp vốn quan trọng, hiệu quả, giúp các DN tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình cũng đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với DN của các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.

“Với sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, DN tiếp cận những nguồn vốn cần thiết với chi phí thấp. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu cũng tiếp cận với lãi suất dao động 5,5 - 7,5% dễ dàng hơn” - ông Hòa cho biết.

Theo nhiều ngân hàng thương mại, 3 tháng cuối năm 2024, dự báo nhu cầu vốn tín dụng tăng. Công ty chứng khoán HSC dự đoán, nửa cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng tiếp tục tích cực hơn. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng với các chính sách tài khóa - tiền tệ tiếp tục có xu hướng hỗ trợ chính sách, thúc đẩy cầu tiêu dùng và đóng góp cho tăng tổng cầu của nền kinh tế. Hiện, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tung ra các chương trình gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tiếp cận. Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, ngân hàng sẽ triển khai chương trình ưu đãi là gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm; lãi suất cho vay dài hạn từ 6,4%/năm. Chương trình tín dụng xanh quy mô 4.000 tỷ đồng khác cũng được đơn vị triển khai với lãi suất cho vay ngắn và trung - dài hạn từ 5,7%/năm dành cho khách hàng sản xuất xanh. Tương tự, HDBank đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và ghi nhận gói tín dụng này giải ngân khá tích cực.

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2024 ước đạt 3.736.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,34% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trung và dài hạn đạt 1.966.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,6%, tăng 6,67% so với cuối năm 2023 và tăng 10,79% so với cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn đạt 1.770.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,4%, tăng 4,22% so với cuối năm 2023 và tăng 11,97% so với cùng kỳ.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 7/9, dư nợ tín dụng tăng 7,15% (mục tiêu cả năm là 15%). Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. Thời điểm này của năm 2023 mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/von-re-cho-san-xuat-cuoi-nam-10292386.html