Vọng vang 'hồn núi'

Mùa Xuân đã về. Từng làn gió Xuân luồn qua những khe sâu, len lỏi khắp các hang núi, cũng là lúc núi rừng như cựa mình thức dậy sau giấc ngủ Đông. Phía xa, tiếng chiêng 'boong… khùm…!!' vọng vang từ phía bản Mường dội tới, báo hiệu một năm mới đến trên xứ mường Kim Thượng, huyện Tân Sơn. Sâu trong rừng, những tán đào đã bắt đầu bật lộc non căng tràn sức sống.

Mỗi độ Tết đến Xuân về khắp các bản Mường ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn lại rộn rã tiếng chiêng.

(baophutho.vn) - Mùa Xuân đã về. Từng làn gió Xuân luồn qua những khe sâu, len lỏi khắp các hang núi, cũng là lúc núi rừng như cựa mình thức dậy sau giấc ngủ Đông. Phía xa, tiếng chiêng “boong… khùm…!!” vọng vang từ phía bản Mường dội tới, báo hiệu một năm mới đến trên xứ mường Kim Thượng, huyện Tân Sơn. Sâu trong rừng, những tán đào đã bắt đầu bật lộc non căng tràn sức sống.

Di sản để lại
Sau khi công việc cất nước đổ ải cho thửa ruộng bậc thang dưới chân dộc đã xong xuôi, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, bà Hà Thị Loan, ông Hà Hữu Hát cùng nhiều thành viên khác trong Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng xã Kim Thượng lại tập trung cùng nhau luyện tập những bản nhạc chiêng cho dịp Khánh Hạ năm mới.

Ông Hà Hữu Hát khu Xuân 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn tự hào giới thiệu về bộ chiêng được giữ gìn gần như nguyên vẹn của gia đình.Theo nhịp ngân nga, tôi được nghe các vị cao niên kể cho nghe về nguồn gốc của chiêng. Khởi nguồn của tiếng chiêng là những thanh âm “thần bí” phát ra khi người xưa vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang núi. Từ những âm thanh đó, người Mường đã đúc kết, chắt lọc, chế tác ra thứ nhạc cụ phỏng theo âm thanh trong những hang đá ấy. Chiếc chiêng được sinh ra và từ ấy gắn bó với người Mường, trải qua hàng trăm năm lịch sử trở thành di sản văn hóa, đại diện cho tinh thần cộng đồng người Mường.Một dàn chiêng đủ bộ có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và trọn một vòng quay của đất trời với bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Gồm một chiếc chiêng Cái, hai cặp chiêng Gọi-Đáp và bảy chiếc chiêng Khầm. Khi hòa tấu thường sử dụng thêm chiêng Chót đệm sau mỗi nhịp chiêng Cái. 12 chiếc chiêng với 12 âm sắc riêng biệt nhưng khi hòa tấu lại hợp thành những bản hòa âm đẹp đẽ, mang đậm hồn cốt của tộc người. Nghệ nhân Sa Thị Tâm - Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng xã Kim Thượng cho biết: “Nhắc đến chiêng, phải nói đến chiếc chiêng Sấm của nhà quan Ngài Sa Văn Chiến (sau này giác ngộ Cách mạng và trở thành Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến đầu tiên của huyện Thanh Sơn), chiếc chiêng quý chỉ được đánh vào dịp lễ trọng, một tiếng đánh lên vang xa hàng chục cây số, bốn phương, mười chòm đều nghe thấy…”. Không giấu nổi sự tò mò ngay khi ngỏ ý được chiêm ngưỡng chiếc chiêng quý hiếm, tôi được nghệ nhân Sa Thị Tâm cũng là cháu nội quan Ngài Sa Văn Chiến đưa đến nhà thờ Tổ để tận mắt chứng kiến.

Chiếc chiêng Sấm được phục dựng tại nhà thờ Tổ Sa tộc.Nhà thờ Tổ Sa tộc uy nghiêm nằm trong con ngõ nhỏ tại khu Chiềng 1 được xây dựng từ năm 2004 bằng gạch xi mô phỏng theo nhà sàn Mường trong khuôn viên cổ kính, phía trước sân nhìn ra ngôi nhà sàn gỗ cũ đầy dấu vết phong hóa. Bên trong nhà thờ, bên cạnh gian thờ chính nằm vị trí trung tâm, phía tả là một dàn chiêng với đầy đủ 12 chiếc chiêng đồng và phía hữu đặt trang trọng một chiếc chiêng Sấm với kích thước vĩ đại. “Mục sở thị”, chiêng Sấm có đường kính mặt rộng 1m, thành cao 20cm, đúc đồng dày 0,8cm, trên mặt chiêng được chạm khắc đôi rồng chầu tinh sảo. Nhưng theo quan sát, các đường nét trạm trổ, màu sắc vẫn còn khá mới, ông Sa Hữu Toán-cháu nội quan Ngài Sa Văn Chiến giải thích: Chiếc chiêng Sấm có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước được truyền lại đến thời cụ Sa Văn Chiến khi còn làm quan Ngài xứ Mường Kim Thượng-Xuân Đài. Tuy nhiên trong những năm cải cách ruộng đất, gia đình cụ đã gương mẫu hưởng ứng, tự nguyện đem tài sản hiến cho Nhà nước, trong số tài sản đó có chiếng chiêng Sấm cổ. Đến năm 1996, gia đình tôi đã thống nhất làm lại chiếc chiêng Sấm giống với trước đây để phục dựng lại di sản tổ tiên và khôi phục lại nét văn hóa xứ Mường.Cũng theo các nghệ nhân cao tuổi, ở xứ Mường này đến nay vẫn còn giữ tục động chiêng vào ngày Khánh Hạ (Khai Hạ) mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Ngày này nhà Ngài sẽ động chiêng Sấm để báo hiệu ngày ra đồng đầu tiên của năm mới, sau hồi chiêng ấy nhà nhà bắt đầu nổi chiêng, nổi trống, chàm đuống, âm thanh huyên náo, rộn rã khắp xứ Mường. Tiếng chiêng tựa “hồn núi” vang vọng, linh thiêng, âm trầm mà hùng tráng là bức thông điệp nối liền của lịch sử tộc người. Tiếng chiêng cất lên, lan xa làm lay động cây lá, đánh thức hồn Mường giữa rừng núi bao la…Để tiếng chiêng Mường ngân mãi
Cũng giống như đồng bào Mường ở nhiều nơi, chiêng không chỉ là nhạc cụ truyền thống mà còn là vật thiêng kết nối con người với thần linh, tổ tiên; có mặt trong các lễ nghi, tín ngưỡng, gắn bó mật thiết trong đời sống và là báu vật của đồng bào Mường ở Kim Thượng. Hội nào thiếu tiếng chiêng, hội đó không to. Tết nào vắng tiếng chiêng, Tết ấy không sung túc. Ngày vui đôi lứa mà không có chiêng là ngày thiếu vui... Tiếng chiêng gắn liền với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chiêng theo chân những phường séc - bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà; chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; tiếng chiêng tiễn biệt những linh hồn người đã khuất; thúc giục những bước chân hối hả lên rừng trong các cuộc săn; rộn rã theo chân người trẩy hội xuống đồng; réo rắt gọi nhà nhà tới chung vui cơm mới; tiếng chiêng xua tan buồn lo, những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no... Dù tiếng chiêng có ý nghĩa hết sức quan trọng với người Mường, nhưng trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại thanh âm kỳ diệu đó dường như đang dần phai nhạt. Phường séc-bùa giờ cũng đã vắng bóng. Những nghệ nhân đánh chiêng giỏi, hát giang, hát ví hay như bà Tâm cũng không còn nhiều. Dưới mái hiên nhà, ánh mắt bà Tâm nhìn xa xăm: “Trước kia, ở bản Mường, hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, cứ đến Tết nhà nhà nổi chiêng, rộn rã chàm đuống, người Mường tụ hội, vui chơi, ca hát thâu đêm. Bây giờ, nét sinh hoạt văn hóa ấy đã dần không còn. Phần vì số lượng chiêng bị mai một đi nhiều, phần vì người trẻ ít để tâm học cách chơi nhạc cụ cổ truyền”. Mong muốn góp sức nhỏ bé để di sản của ông cha không bị mai một là điều mà những nghệ nhân cao tuổi như bà Sa Thị Tâm luôn khắc khoải: “Người Mường có bản sắc văn hóa riêng, chiêng là di sản mà chúng tôi luôn tự hào. Thế nhưng những nét đẹp ấy đang đứng trước nguy cơ mai một do ảnh hưởng của xã hội hiện đại. Chúng tôi luôn cố gắng giữ lại, trao truyền cho thế hệ mai sau những di sản văn hóa quý giá mà tổ tiên nhiều đời hình thành, sáng tạo ra”. Những năm trở lại đây, cùng với ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, việc bảo tồn di sản cũng được các cấp chính quyền ngày một quan tâm, chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, xã Kim Thượng đã thành lập CLB văn hóa văn nghệ và CLB Cồng chiêng; việc gìn giữ, sưu tầm những chiếc chiêng cổ cũng được tuyên truyền, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng chí Hà Thị Yến - Phó Chủ tịch xã UBND Kim Thượng cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng, những năm qua Đảng ủy, chính quyền xã Kim Thượng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa cồng chiêng đến mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn; thường xuyên tổ chức tập huấn, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các khu dân cư; đồng thời phát huy hiệu quả các CLB văn hóa văn nghệ dân gian, qua đó góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc… Trong dòng chảy lịch sử hàng trăm năm, đã có thời gian tiếng chiêng dần thưa thớt trên nhiều xứ Mường. Đó là những nốt trầm của chiêng. Nhưng ở xứ Mường này những hạt nhân trong các CLB cồng chiêng, văn hóa, văn nghệ dân gian đã góp phần vun đắp, gìn giữ để tiếng chuông nơi xứ Mường ngân mãi…

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202201/vong-vang-%E2%80%9Chon-nui%E2%80%9D-182265