Vụ 40 doanh nghiệp tủ bếp bị Bộ Thương mại Mỹ từ chối 'bản minh oan', Bộ Công Thương nói gì?
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương Việt Nam cho hay đang kiến nghị tới Bộ Thương mại Mỹ để họ chấp nhận phần trả lời giải trình của 40 doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa tóm tắt thông tin đối với vụ việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ (cụ thể tủ bếp, tủ nhà tắm) nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, trên cơ sở cáo buộc của ngành sản xuất trong nước, ngày 24/5/2022, DOC đã khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm (Scope Ruling) và ngày 7/6/2022, DOC đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (Anti-circumvention) với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia. Theo quy định mới của Mỹ, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Viforest đã phối hợp cùng Cục Phòng vệ thương mại nộp bình luận của Hiệp hội và của Bộ Công Thương về vụ việc tủ gỗ lên DOC để hỗ trợ DN, đồng thời hướng dẫn các DN liên quan tuân thủ các quy định, thủ tục điều tra của DOC.
Việc các DN quan tâm nộp bình luận là tự nguyện, không phải bắt buộc theo quy định của DOC. Ngày 4/8, DOC thông báo từ chối bản bình luận của 40 đơn vị do nộp chậm chứ chưa có quyết định nào về việc áp thuế và vụ việc vẫn đang trong thời gian điều tra.
Liên quan tới sự việc trên, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương cho biết Cục đã trao đổi với phía hiệp hội, doanh nghiệp để làm lại cho chuẩn. Về phía DOC, Cục Phòng vệ thương mại cũng cố gắng trao đổi với DOC để chấp nhận trả lời, giải trình của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Dũng, ngay cả doanh nghiệp chưa trả lời thì DOC cũng cho cơ chế để doanh nghiệp tự xác nhận không sử dụng lõi của Trung Quốc, những doanh nghiệp tự xác định này theo ông Dũng chiếm trên 80% giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ vào Mỹ.
Tuy nhiên về phía doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị cần minh bạch trong việc đảm bảo nguyên liệu xuất xứ, nếu lạm dụng sử dụng nhập khẩu nguyên liệu, một ngày nào đó sẽ bị điều tra C/O và lẩn tránh xuất xứ hàng hóa.
"Việc chủ động nguyên liệu không phải một sớm, một chiều, song các doanh nghiệp cũng đừng lạm dụng nhập khẩu quá nhiều, dễ chịu tổn thương trong xung đột và bị lợi dụng. Đặc biệt là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn, công nghiệp nền tảng của đất nước, có thể sẽ bị điều tra C/O và lẩn tránh thuế bất cứ lúc nào. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, cần hệ thống hóa các hóa đơn, chứng từ đầy đủ để trình đối chứng khi nước ngoài yêu cầu", ông Dũng khuyến nghị.
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cũng phủ nhận những sai sót của các doanh nghiệp tủ bếp do thông tin tuyên truyền, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ của cơ quan nhà nước chưa hiệu quả.
Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Lê Triệu Dũng khẳng định: "Chúng tôi đã làm việc với các hiệp hội về nguồn thông tin các nước về các biện pháp phòng vệ, quy trình rà xét, bảng câu hỏi ra sao, các phương án đánh thuế, phòng vệ ra sao… để doanh nghiệp chú ý, điền đúng. Có thể khi làm, doanh nghiệp không để ý nên phát sinh sai sót không đáng có".