'Vụ án' xưa - từ góc nhìn nay!

Nhiều công trình sử học, văn học, báo chí… thời nay dùng từ 'vụ án' để nói về câu chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh (1038 - 1096) với tên gọi 'Vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh' hay 'Vụ án hồ Dâm Đàm'… là không chính xác về khoa học. Vì làm gì có 'án' mà thành 'vụ'. Kết án một dân thường cũng phải có 'nhân chứng', 'vật chứng' theo quan điểm 'trọng chứng hơn trọng cung' để làm cho mọi người 'tâm phục, khẩu phục'.

Hơn thế, đây lại là một Thái sư đầu triều có công lao lớn với đất nước, thì chắc phải đặt ở mức cao nhất về sự nghiêm túc, công bằng… Các sách sử chính thống xưa cũng chỉ là kể lại câu chuyện mang tính hoang đường, huyền thoại về nhân vật lịch sử có thật.

Đền Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh).

Đền Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh).

“Việt điện u linh” ghi: “Quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một gia nô người Đại Lý (Vân Nam) có thuật đọc thần chú xong biến thành hổ báo. Văn Thịnh cố dỗ để dạy mình thuật ấy, học được thuật rồi, liền lập mưu giết tên gia nô và dùng thuật hại vua để cướp ngôi”. Kể lại chi tiết giống như trong “Đại Việt sử ký…”, nhưng sách này cụ thể hơn: “Nhà vua cả giận, sai lấy dây sắt xích (Thịnh) lại, bỏ vào cũi… Vua khen Mục Thận có công, cất làm Đô úy và sau thăng tới Phụ quốc tướng quân. Khi mất tặng chức Thái úy, dựng đền tạc tượng thờ”…

Một chi tiết khá ngờ ở đây: Chỉ nhờ cú “quăng lưới” mà chàng đánh cá Mục Thận được “cất làm Đô úy”, rồi “Phụ quốc tướng quân”, rồi “Thái úy”? Trước hết người cất nhắc như thế là “vô minh” vì trao những chức lớn như thế vào người ít học, lại chưa có quá trình làm việc, chưa “thực tế”, công lao gì… Thứ nữa, dù cố gắng đến mấy, Mục Thận cũng không đủ vốn sống, tri thức, kinh nghiệm… (vì làm nghề đánh cá) để làm những việc “quốc gia đại sự” ấy.

Những chi tiết này chỉ có trong cổ tích. Nhưng tại sao vẫn có trong sách sử, thậm chí là chính thống như “Đại Việt sử ký toàn thư”? Mong được sự lý giải của các nhà sử học. Lời “biện luận” của Ngô Sỹ Liên cũng mơ hồ, theo kiểu “đánh bùn sang ao”: “Kẻ làm tôi phạm tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật”. Liệu “đạo Phật” có phải là lý do để cái “lỗi” này xảy ra?

Các cuốn sử khác như “Đại Việt sử lược”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Thiên Nam ngữ lục”… cũng chép nội dung gần giống ở trên. Xin phép đặt câu chuyện vào các góc độ sau:

1. Huyền thoại là sự thêu dệt nhờ sức tưởng tượng nhưng hạt nhân câu chuyện thường là sự thật. Nhờ cắm sâu rễ vào mảnh đất văn hóa (tôn giáo, phong tục, tư tưởng…) rồi quang hợp ánh sáng của khí quyển thời đại nên cây huyền thoại kết được trái tác phẩm “liên văn hóa” rất khó phân chất cụ thể đâu là sự thật, đâu là hư cấu. Cứ lẫn lộn vào nhau để mời gọi bạn đọc cùng phủ tiếp lên câu chuyện những ý nghĩa mới. Do vậy huyền thoại luôn bồng bềnh những màn sương khói hư thực, tạo ra sự mơ hồ đầy hấp dẫn.

“Khí quyển thời đại” rất quan trọng. Soi vào lịch sử sẽ thấy mấy nét đáng chú ý sau: Một là, từng là thầy dạy của vua Lý Nhân Tông, năm Giáp Tý (1084), đang giữ chức Thị lang Bộ binh, Lê Văn Thịnh được vua giao nhiệm vụ hòa đàm với người Tống về việc cương vực và đã hoàn thành tốt đẹp. Từ khi được phong chức Thái sư (1085) ông có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hình pháp, thực hiện cải cách triều chính (năm 1086 tổ chức thi tuyển vào Hàn lâm viện; năm 1089 định các chức văn võ…) nên ít nhiều đụng chạm đến quyền lợi của hoàng gia, quốc thích, quan lại.

Hai là, khi nhậm chức Thái sư cũng là dịp Hoàng Thái hậu thôi nhiếp chính để tiến hành công cuộc xây dựng, tu sửa chùa chiền tốn kém. Chắc chắn nhà Nho - Thái sư Lê Văn Thịnh phản đối. Mâu thuẫn Nho - Phật vốn âm ỉ nay mạnh mẽ hơn và có thể là đầu mối cho sự trừng phạt của triều đình với vị Thái sư tài năng, tiết tháo. Ba là, không có con trai, đang cô đơn trên đỉnh cao quyền lực, Lý Nhân Tông lại sa vào sự lo lắng việc truyền ngôi, thêm lời gièm pha nên vua nghi kỵ Thái sư… “Vụ án hồ Dâm Đàm” xảy ra khi đã hội tụ đủ điều kiện phù hợp, như một tất yếu!?

Tượng xà thần tự cắn đuôi mình trong đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng xà thần tự cắn đuôi mình trong đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.

2. Được ghi nhận là nhà nước đầu tiên của Đại Việt có hệ thống pháp luật, nhà Lý bắt đầu tổ chức cơ quan chuyên trách về pháp luật (bộ Hình và Thẩm hình viện). Đời vua Lý Thái Tông cho san định luật lệ, chia ra nhiều môn loại rồi biên thành sách “Hình thư” (1042). Đây cũng là triều đại thể hiện sự văn minh khi coi trọng luật pháp, tổ chức thi tuyển chọn quan lại với 3 môn: thư (viết chữ), toán và hình luật (năm 1077); thể hiện tinh thần nhân đạo với người có tội. Vào các dịp lễ hội, cầu đảo hoặc sự kiện triều chính quan trọng, triều đình ban lệnh chẩn tế hoặc tha tù. Đến thời Lý Anh Tông (1136 - 1175), triều đình đặt hòm bằng đồng để tiếp nhận thư kêu oan của dân…

Theo Lê Quý Đôn trong “Nghệ văn chí” (sách “Đại Việt thông sử”), “Hình thư” nêu ra 10 tội lớn phải chết (thập ác), với: 1. Mưu phản: làm nguy xã tắc; 2. Mưu đại nghịch: làm nguy tông miếu, cung khuyết. 3. Mưu bạo nghịch: nổi loạn theo giặc… Đối chiếu với “tội” của Lê Văn Thịnh, như các sách sử ghi chép thì phạm vào tội lớn nhất. Ra “Hình luật” phải nghiêm để làm gương, nhưng lại tha cho tội lớn nhất, là vô lý.

3. Môtíp hóa thân có nhiều trong thần thoại, cổ tích, thường là người nghèo hóa vật (cây xoan, quả thị, sọ dừa, con ếch, con chim…). Chỉ là người tài năng hoặc địa vị cao mới được “hóa hổ”. Trong truyện về Khổng Minh Không kể vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, lông lá mọc khắp cơ thể, cuồng loạn, gầm thét như hổ suốt ngày. Thiền sư Nguyễn Minh Không (1065-1144), đã chữa khỏi bệnh mà dân gian gọi là “hóa hổ” cho vua.

Ngày xưa hổ rất nhiều, là “chúa sơn lâm” mọi loài vật trong rừng đều sợ, lại thường bắt trộm gia súc, gia cầm, có khi hại cả người nên con người vừa sợ vừa ghét vừa thần thánh hổ. Hổ trở thành một “vật thiêng”. Ngoài những cách gọi tôn kính (ông ba mươi, ông kễnh, ông khái...), nhiều đình, chùa, miếu mạo thường đắp tượng hổ, thậm chí có miếu thờ riêng. Nhiều triều đại quy định rõ, tưởng là mâu thuẫn nhưng phù hợp với quan niệm, phong tục: ai săn được hổ, được thưởng 30 quan tiền nhưng cũng bị phạt 30 hèo vì đã làm loài hổ giận. Thế nên Thái sư hóa hổ là đúng với logic quan niệm. Đó là ánh hồi quang của môtíp “người hóa vật” từ thần thoại, cổ tích hắt về. Có thể hiểu thêm, để bất tử hóa nhân vật lịch sử nên dân gian đã bao phủ màn sương huyền thoại lên cái lõi sự thật là sự đố kỵ với tài năng (Lê Văn Thịnh).

Năm 1993 ở khu vực bên trong khuôn viên nơi từng là tư gia của Thái sư Lê Văn Thịnh người dân phát hiện một pho tượng lạ, bằng đá nguyên khối, không phải rồng, giống rắn, nhưng có chân, miệng đầy răng cắn vào thân, chân cào xé da thịt mình. Nhiều người cho rằng tượng gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên mà Thái sư phải chịu.

Có hai loại ý kiến: Một là, pho tượng biểu thị sự hối hận của Vua Lý Nhân Tông nghe lời xiểm nịnh của gian thần (con vật có một bên tai bị bịt kín) gây ra nỗi oan trái cho người thầy học nên hối hận mà tự cắn xé mình. Hai là, căn cứ vào thời điểm tạc bức tượng (khoảng thế kỷ 14 đến 17), khi sự việc đã sáng tỏ phần nào, thì pho tượng biểu thị cho nỗi oan trái của Thái sư. Nhưng các lập luận trên chưa thỏa đáng, ở chỗ: Biểu trưng vua thì phải là rồng nhưng tượng không phải rồng (vì hình rắn), cũng không phải rắn (có chân). Càng không đủ căn cứ để nói biểu tượng cho Thái sư… Có lẽ chỉ nên coi đây là một “tồn nghi” để chờ các nghiên cứu tiếp theo.

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/vu-an-xua-tu-goc-nhin-nay--i739993/