Vụ hơn 500 người nghi ngộ độc ở Đồng Nai: Tìm thấy khuẩn Salmonella ở một bé trai
Một bé trai điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, kết quả có khuẩn Salmonella trong phân.
Tối 6-5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết liên quan đến vụ hơn 500 người nghi ngộ độc tại Đồng Nai, tại bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi P.H.M (14 tuổi, ngụ Long Khánh, Đồng Nai).
Theo đó, bé M. nhập viện trong tình trạng sốt, tiêu chảy sau ăn bánh mì, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. Bé đã được điều trị kháng sinh, truyền dịch. Hiện bé đã ổn định. Các bác sĩ cũng đã thực hiện lấy mẫu phân của bệnh nhi để xét nghiệm. Kết quả cho thấy có vi khuẩn Salomonella trong mẫu phân.
Như vậy, tính đến hiện tại, liên quan vụ nghi ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai, đã có 3 trẻ được chuyển đến TP HCM điều trị gồm 2 trẻ hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và 1 trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Trước đó, ngày 4-5, Sở Y tế Đồng Nai cho biết kết quả xét nghiệm máu của 3 bệnh nhi chuyển nặng sau ăn bánh mì cho thấy bị nhiễm khuẩn E.coli. Hiện đang chờ xem kết quả xét nghiệm máu ghi nhận vi khuẩn E.coli có trùng hợp với mẫu thức ăn hay không.
Theo các bác sĩ, vi khuẩn Samonella thường có trong môi trường như nước, thức ăn bẩn và đa phần gây ra bệnh về đường tiêu hóa. Người ăn phải thức ăn có khuẩn này sẽ có các biểu hiện giống như tất cả các ngộ độc khác. Sau khi ăn từ 4-6 tiếng sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, nôn ói, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tiêu phân có máu…
So với những khuẩn khác, Salmonella không phải là tác nhân quá nguy hiểm bởi cơ thể có khả năng chống được chúng. Tuy nhiên, những trường hợp nặng sẽ bị nhiễm trùng máu khiến sốc nhiễm khuẩn, trụy tim mạch… Khi xuất hiện những triệu chứng về đường tiêu hóa như trên cần quan sát theo dõi từng đối tượng để có hướng xử trí kịp thời. Đối với trẻ em cần quan sát thóp, mắt trũng xuống, li bì, tiểu ít. Đối với trẻ lớn hơn, người sẽ mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, tiểu ít…
Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nên để phòng bệnh cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn. Khi trong nhà có người bệnh cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo tập quán đi tiêu đúng nơi quy định, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng. Không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa đã đựng thức ăn sống.