Vụ Hồng tỷ mở ra góc nhìn khác về thế giới ẩn danh
Sự việc Hồng tỷ ở Nam Kinh cho thấy sự cô đơn, rủi ro khi hẹn hò qua mạng và bảo mật hình ảnh cá nhân đằng sau mỗi cú click 'thân mật'.

Vụ việc liên quan ông Jiao - Hồng tỷ - lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: N.L.
Trong mấy ngày qua, mạng xã hội Việt Nam đã ngập tràn thông tin về “chị Hồng Nam Kinh” - người đàn ông 38 tuổi giả gái và qua lại thân mật với 1.691 chàng trai ở Trung Quốc. Những con số gây sốc, những tình tiết như phim, những video được chia sẻ liên tục khiến vụ việc nhanh chóng chiếm lĩnh “top tìm kiếm”.
Đối với phần lớn người dùng mạng xã hội, đây là một hiện tượng khó tin giữa thời đại công nghệ số. Nhưng phía sau cơn bùng nổ lời mỉa mai và sự giễu nhại, vẫn còn những góc nhìn khác về vụ việc.
Thế giới ẩn danh đầy cô đơn
Ngày 8/7, Công an thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) thông báo đã bắt giữ ông Jiao (biệt danh Hồng tỷ) sau khi nhận được tố giác về việc phát tán các video nhạy cảm lên mạng xã hội.
Theo điều tra, người đàn ông 38 tuổi này đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, đội tóc giả, gắn ngực silicon, luyện giọng nữ và tự nhận là một phụ nữ đã ly hôn để tìm kiếm bạn đời. Trong ba năm, ông tiếp xúc, hẹn hò với hàng trăm nam giới, từ sinh viên đại học, nhân viên văn phòng đến người nước ngoài. Ông Jiao ghi lại hàng loạt clip thân mật tại căn phòng trọ đơn sơ.
Thế giới ẩn danh của mạng xã hội đang trở thành nơi trú ngụ của những con người lạc lõng, cô đơn, khao khát sự kết nối.
Sự việc gây sốc vì số lượng người liên quan, đồng thời, nó phản ánh một thực trạng đáng báo động: thế giới ẩn danh của mạng xã hội đang trở thành nơi trú ngụ của những con người lạc lõng, cô đơn, khao khát sự kết nối đến mức sẵn sàng tin tưởng vào một hình ảnh được dựng nên bằng lớp trang điểm và những cú click chuột. Đồng thời, các mối quan hệ này cũng ẩn chứa rủi ro về vấn đề bảo mật hình ảnh cá nhân.
“Thế giới mạng là một môi trường cho phép ẩn danh, thật giả lẫn lộn. Tham gia vào đây, người ta dễ nhận được nhiều ích lợi, nhưng lại dễ đánh mất niềm tin”, trích cuốn Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa của tác giả Hoài Nam và Lâm Hân.
Trong không gian số, nơi những dòng tin nhắn thay cho ánh mắt, những avatar thay cho biểu cảm khuôn mặt, việc tạo dựng một nhân dạng hoàn toàn mới trở nên dễ dàng. Nhưng cũng chính nơi đó, sự dễ dãi trong việc kết nối khiến các mối quan hệ trở nên mỏng manh, dễ vỡ, dễ tổn thương.
Câu chuyện của “Hồng tỷ” còn cho thấy dấu hiệu của căn bệnh thời đại: cô đơn trong xã hội kết nối. Trong Thế kỷ cô đơn, tác giả Noreena Hertz chỉ ra rằng hơn 20% thế hệ thiên niên kỷ ở Mỹ không có lấy một người bạn thân thiết, và gần một nửa số trẻ em Anh từ 10 đến 15 tuổi thường xuyên cảm thấy cô đơn. Nhiều người sẵn sàng dựa vào các mối quan hệ ảo trên mạng xã hội, họ tin vào chúng và bắt đầu tin là thật.

Cuốn sách Thế kỷ cô đơn. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.
Trong khi đó, truyền thông và cộng đồng mạng lại đang phản ứng với vụ việc bằng tốc độ chóng mặt. “Hồng tỷ” trở thành biểu tượng giễu cợt, đối tượng meme hóa, bị gán nhãn về giới tính và tính dục như một trò tiêu khiển.
Thế giới ẩn danh trên mạng xã hội đang ngày càng trở nên đông đúc, rủi ro khi hẹn hò trên mạng càng nhiều. Sự kết nối hời hợt, giả lập đang làm mòn niềm tin và kéo dài khoảng cách giữa người với người. Những con người như “Hồng tỷ” sẽ còn tiếp tục xuất hiện như một hệ quả phản ánh sự lạc lõng đang lớn dần giữa kỷ nguyên cô đơn.
Các câu hỏi khác đang bị phớt lờ
Trong sự việc Hồng tỷ ở Nam Kinh, câu hỏi nổi bật, được lặp đi lặp lại trên nhiều nền tảng, là: “Làm sao ông ta có thể lừa được 1.691 người?”. Nhưng giữa làn sóng phẫn nộ và chế giễu ấy, một loạt câu hỏi khác có thể bị phớt lờ. Vì sao lại có quá nhiều người đàn ông, trong thời đại kết nối toàn cầu, lại đi tìm kiếm sự đồng cảm từ một người phụ nữ ảo trên mạng? Họ thật sự thiếu điều gì? Cấu trúc nào của mạng xã hội đã khuyến khích kiểu kết nối đầy rủi ro này?
Theo cuốn The Digital Age and its Discontents của Nhà xuất bản Đại học Helsinki, các tác giả chỉ ra rằng các mô hình mạng xã hội như Facebook, Instagram… không khuyến khích những cuộc thảo luận có chất lượng mà lại thúc đẩy “các thông tin kém chất lượng” nhằm tối ưu hóa tương tác và lợi nhuận. Đặc biệt là các nội dung giải trí xuất hiện với tần suất dày đặc bởi chúng dễ hiểu, ngắn gọn, dễ tiếp nhận.
Với cấu trúc đó, con người bị biến thành những đối tượng tiếp thu thụ động. Một vấn đề khó để được thảo luận sâu bởi thế giới meme, short videos không cho phép họ đủ thời gian để dừng lướt và tư duy. Cũng vì vậy, các câu hỏi khác liên quan tới “Hồng tỷ” vẫn đang được bỏ ngỏ.
Vấn đề ở đây không chỉ với sự việc“Hồng tỷ”. Nếu không đặt lại câu hỏi về cách các nền tảng mạng xã hội định hình xu hướng thông tin, phần lớn người dùng sẽ tiếp tục chỉ thấy phần nổi của tảng băng từ những vụ việc gây sốc mà bỏ qua phần chìm: sự cô đơn, rủi ro khi hẹn hò qua mạng và sự bảo mật hình ảnh cá nhân.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-goc-khuat-tu-vu-hong-ty-o-nam-kinh-post1567367.html