'Vũ khí' cứu doanh thu Kpop giữa khủng hoảng âm nhạc

Doanh số bán album và nhạc số của Kpop đang rơi vào tình trạng lao dốc không phanh.

Trong bối cảnh doanh số bán album và nhạc số lao dốc không phanh, các công ty giải trí Kpop đang gấp rút chuyển hướng sang một "vũ khí doanh thu" quen thuộc nhưng đầy rủi ro, đó là các buổi hòa nhạc trực tiếp. Không chỉ là sân khấu của âm nhạc, tour lưu diễn giờ đây trở thành cứu cánh sống còn, giúp vực dậy bảng cân đối kế toán đang ảm đạm của nhiều công ty niêm yết.

Theo dữ liệu từ Billboard Boxscore, chỉ riêng nửa đầu năm 2025, lượng khán giả tham gia các buổi hòa nhạc Kpop đã tăng 79% so với cùng kỳ năm trước - một con số ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh toàn ngành công nghiệp biểu diễn toàn cầu đang chứng kiến mức suy giảm 28%. Điều đó cho thấy, bất chấp những bất ổn kinh tế hậu đại dịch, Kpop vẫn đang là "cơn sốt vé" trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Từ sụp đổ doanh số đến cuộc chơi sống còn của BIG4

Trong quá khứ, đĩa cứng và album vật lý từng là "mỏ vàng" của Kpop, nhờ cộng đồng fan trung thành sẵn sàng bỏ tiền sưu tầm. Tuy nhiên, khi thị trường bão hòa và người tiêu dùng thay đổi hành vi, doanh số này sụt giảm mạnh, kéo theo giá cổ phiếu của các công ty lớn lao dốc. Theo Goldman Sachs, tổng vốn hóa thị trường của các công ty giải trí Hàn Quốc đã bốc hơi 35% từ cuối năm 2023 đến cuối 2024 - con số chưa từng có tiền lệ trong thập kỷ vàng son của làn sóng Hallyu.

Sự xoay trục sang tổ chức hòa nhạc trở thành chiến lược ưu tiên. Bởi lẽ, ngoài giá vé cao, các buổi biểu diễn còn là dịp để các công ty bán hàng hóa chính hãng với biên lợi nhuận lên đến 50%. Không giống như album vốn cần chi phí sản xuất, phân phối, chiết khấu cho nhà bán lẻ, hàng hóa lưu diễn có thể "đánh thẳng" vào nhu cầu cảm xúc của fan ngay tại hiện trường, tạo ra dòng tiền trực tiếp và dồi dào.

BLACKPINK - con "át chủ bài" của YG Entertainment sắp khởi động tour diễn toàn cầu mang tên "DEALINE" tại Hàn Quốc, với kỳ vọng phá kỷ lục doanh thu hơn 330 triệu USD của tour trước. Theo dự báo từ Daishin Securities, tour diễn mới có thể mang về tới 440 triệu USD - con số biến BLACKPINK trở thành nhóm nhạc nữ có doanh thu lưu diễn cao nhất lịch sử.

Trong khi đó, SEVENTEEN - nhóm nhạc nam do công ty con Pledis của HYBE quản lý cũng gây choáng với doanh thu gần 121 triệu USD từ 30 đêm diễn. Nhóm hiện đứng thứ ba toàn cầu trong bảng xếp hạng giữa năm của Billboard, vượt qua nhiều nghệ sĩ tên tuổi phương Tây. Những con số này cho thấy sự dịch chuyển rõ nét trong mô hình lợi nhuận của các công ty. HYBE - công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc theo vốn hóa lần đầu tiên ghi nhận doanh thu từ hòa nhạc (31%) vượt qua doanh thu từ album và nhạc số (27,3%) trong quý I/2025. Trái ngược với mức chênh lệch này, chỉ một năm trước, doanh thu âm nhạc vẫn chiếm hơn 40% tổng thu.

YG ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất, với doanh thu từ tour diễn tăng hơn 270%, chủ yếu nhờ hoạt động của nhóm nam TREASURE và nhóm nữ mới BABYMONSTER. SM Entertainment cũng bắt đầu hưởng "trái ngọt" từ mô hình này. Tuy nhiên, JYP Entertainment - công ty đứng sau TWICE, ITZY và Stray Kids lại đi ngược dòng khi doanh thu từ biểu diễn và lợi nhuận đều giảm do thiếu tour diễn quy mô lớn trong kỳ báo cáo.

Mega IP: Chìa khóa định đoạt cuộc đua

Dù cùng tận dụng xu thế tăng trưởng của biểu diễn trực tiếp, không phải công ty nào cũng có vị thế ngang nhau trong cuộc chơi. Theo Goldman Sachs, những nhóm nhạc có khả năng thu hút hơn 1,5 triệu khán giả toàn cầu mỗi tour được gọi là "Mega IP" sẽ giữ vai trò dẫn dắt toàn ngành. Đây là chỉ số phản ánh không chỉ sức hút nội địa mà còn là khả năng vươn ra thị trường phương Tây - điều ít nghệ sĩ Kpop làm được trước năm 2020.

Hiện tại, chỉ có bốn nhóm nhạc được coi là "đủ tầm" Mega IP. Trong đó, HYBE đang chiếm ưu thế với hai đại diện (BTS, SEVENTEEN) và nhiều nhóm tiềm năng như NewJeans hay LE SSERAFIM. YG có BLACKPINK, nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào một nhóm duy nhất được xem là rủi ro dài hạn. Morgan Stanley thậm chí cảnh báo: "Giá cổ phiếu YG đã phản ánh quá mức kỳ vọng vào BLACKPINK. Nếu nhóm tạm dừng hoạt động hoặc tan rã, YG sẽ không còn ai đủ sức kéo lợi nhuận công ty".

Điều này càng đáng lo khi YG hiện chỉ quản lý ba nhóm nhạc - số lượng thấp nhất trong BIG4. Ngân hàng Phố Wall cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng thành công BABYMONSTER là "chìa khóa sống còn" nếu YG muốn duy trì tăng trưởng trong nhiều năm tới. JYP, trong khi đó đang đối mặt với bài toán chiến lược khác: Hợp đồng của nhóm ITZY sẽ hết hạn vào năm 2025, còn các thành viên Stray Kids sắp đến tuổi nhập ngũ. Việc không có đủ "ngôi sao kế thừa" sẽ khiến JYP tụt lại nếu không kịp đầu tư thế hệ nghệ sĩ tiếp theo.

Tour diễn: Cơ hội vàng hay con dao hai lưỡi?

Mặc dù các buổi hòa nhạc mang lại doanh thu lớn, nhưng chúng cũng đòi hỏi chi phí tổ chức khổng lồ, logistics phức tạp và rủi ro vận hành cao. Ngoài ra, việc lạm dụng biểu diễn có thể khiến nghệ sĩ kiệt sức, ảnh hưởng đến chất lượng sáng tạo. Giới phân tích cũng lo ngại: Liệu đây có phải là mô hình bền vững, hay chỉ là "liều doping" ngắn hạn trước khi Kpop buộc phải tìm lối đi mới?

Ở góc độ dài hạn, Kpop sẽ không thể phụ thuộc mãi vào một vài "gà cưng" toàn cầu. Nếu không liên tục xây dựng thế hệ Mega IP kế thừa và cải tiến mô hình sáng tạo nội dung, các công ty sẽ sớm đối mặt với bài toán tăng trưởng nghẽn mạch. Goldman Sachs kết luận: "Chúng tôi tin rằng Kpop vẫn là lĩnh vực tăng trưởng mạnh, nhưng chỉ những công ty sở hữu hệ thống tạo Mega IP hiệu quả mới đủ sức vươn ra toàn cầu và duy trì lợi thế cạnh tranh". Nói cách khác, chạy show là cần thiết nhưng chưa đủ. Cuộc chiến thực sự nằm ở khả năng xây dựng thương hiệu nghệ sĩ toàn cầu và tái cấu trúc mô hình kinh doanh.

Hoài Thương

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/vu-khi-cuu-doanh-thu-kpop-giua-khung-hoang-am-nhac-202507042340370434.html