Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM năm 2002 đã buộc Nga phải bắt đầu phát triển vũ khí siêu thanh. Tổng thống Putin cho biết, Nga phải tạo ra những vũ khí siêu thanh này để đáp lại việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, trong tương lai có khả năng vô hiệu hóa tất cả tiềm năng hạt nhân của Nga.
Năm 2007, khi được hỏi về kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Âu, Tổng thống Putin đề cập rằng Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí chiến lược thuộc một loại hoàn toàn khác, sẽ bay với tốc độ siêu thanh và có thể thay đổi quỹ đạo cả về của độ cao và hướng.
Từ giữa tháng 2/2015 và 6/2016, các Avangard đã được thử nghiệm mang theo ICBM UR-100UTTKh phóng từ căn cứ không quân Dombarovsky, khi nó đạt tốc độ 11.200 km mỗi giờ (3.100 m/s) và bắn trúng mục tiêu tại bãi thử tên lửa Kura, bán đảo Kamchatka.
Vào tháng 10/2016, một chuyến bay thử nghiệm khác đã được thực hiện bằng cách sử dụng tên lửa ICBM hạng nặng R-36M2 phóng từ căn cứ không quân Dombarovsky, đánh thành công một mục tiêu tại bãi thử tên lửa Kura. Đây được cho là lần thử nghiệm thành công hoàn toàn đầu tiên của phương tiện này.
Vào ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang ở Moscow đã thông báo rằng việc thử nghiệm vũ khí này hiện đã hoàn tất và nó đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Điều này đã được xác nhận thêm bởi Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Đại tướng Sergei Karakayev.
Chuyến bay thử diễn ra vào ngày 26/12/2018 khi Avangard mang theo ICBM UR-100UTTKh, cũng được phóng từ căn cứ không quân Dombarovsky đã bắn trúng mục tiêu tại bãi thử tên lửa Kura. Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov một ngày sau đó tuyên bố rằng tên lửa đã bay với tốc độ gấp 27 lần tốc độ âm thanh và nghĩa là nó không thể bị đánh chặn.
Theo dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống tên lửa Avangard với phương tiện lướt siêu thanh, đã được trình diễn trước đoàn kiểm tra của Mỹ theo các thủ tục của hiệp ước START mới vào ngày 24/11/2019.
Ngày 27/12/2019, trung đoàn tên lửa đầu tiên trang bị Avangard chính thức được đưa vào thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Avangard có tầm hoạt động hơn 6.000 km, nặng khoảng 2.000 kg và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Một báo cáo của TASS nói rằng sức công phá của đầu đạn hạt nhân Avangard là "hơn 2 megaton".
Ban đầu, để phóng Avangard lên quỹ đạo, các kỹ sư đã sử dụng tên lửa đạn đạo SS-19 “Stiletto” (UR-100NUTTH) nhưng sau đó nó được thay thế bằng R-28 “Sarmat”. Nga cũng từng lên kế hoạch lắp Avangard trên phương tiện RS-26 “Rubezh” (SS-X-31) cơ động đường bộ, nhưng sau đó đã chọn sử dụng R-28 “Sarmat” dựa trên silo sau khi Rubezh bị trì hoãn do hạn chế tài chính.
Sau khi được đẩy lên đỉnh quỹ đạo khoảng 100 km, phương tiện bay sẽ tách khỏi tên lửa của nó. Sau đó, Avangard sẽ bay xuống mục tiêu trong bầu khí quyển. Avangard có thể duy trì tốc độ trong khí quyển lên tới Mach 20 (6,28 km/s) và có thể thay đổi hướng bay. Khả năng cơ động này có thể khiến quỹ đạo của Avangard không thể đoán trước, làm phức tạp các nỗ lực đánh chặn sau pha tăng tốc của nó.
Không có hình ảnh công khai nào về Avangard siêu vượt âm. Tuy nhiên, theo một báo cáo, nó có thể là “thiết kế hình nêm ngắn hoặc một con thoi với các cánh ổn định nhỏ, được lắp ở đầu tên lửa phóng”. Avangard có thể không sử dụng hệ thống đẩy, dựa vào trọng lực và các tính năng khí động học của nó để duy trì tốc độ và độ cao.
Vào tháng 3/2018, Tổng thống Putin cho biết Avangard đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Trong tháng 12/2018, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ triển khai trung đoàn Avangard đầu tiên vào năm 2019. Đây là kế hoạch trang bị sớm hơn dự kiến so với các phân tích của các chuyên gia quân sự Mỹ.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng sớm nhất Avangard cũng phải sang những năm 2020 mới có thể đi vào hoạt động. Cũng trong tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu thông báo rằng 31 bệ phóng với ICBM Yars và Avangard sẽ bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược. Nguồn ảnh: Pinterest.
Thái Hòa