Vũ khí Triều Tiên thử lửa trên chiến trường Ukraine?
Reuters dẫn một số nguồn tin cấp cao của Ukraine cho biết, những tên lửa đạn đạo Triều Tiên mà các lực lượng Nga sử dụng để tấn công Ukraine kể từ cuối tháng 12/2024 có độ chính xác cao hơn nhiều so với trước kia sau khi được thử lửa trong thực chiến.
Ukraine nói tên lửa Triều Tiên xuất hiện trên chiến trường
Vào thời điểm quan hệ giữa Nga và Triều Tiên đang phát triển, việc tăng độ chính xác của tên lửa đạn đạo, trong phạm vi 50-100m so với mục tiêu dự định, cho thấy Triều Tiên đang sử dụng chiến trường để thử nghiệm công nghệ tên lửa của họ và đã gặt hái được một số thành công.
Theo một nguồn tin quân sự, độ chính xác của hơn 20 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên mà Nga sử dụng đã được cải thiện đáng kể về độ chính xác trong vài tuần qua. Yang Uk, chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc cho rằng, những tiến bộ trong chương trình chế tạo tên lửa của Triều Tiên đã khiến Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ lo ngại.
"Điều đó có thể có tác động lớn đến sự ổn định trong khu vực và thế giới", ông Yang Uk đánh giá.
Chương trình quân sự của Triều Tiên đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, trong đó có nhiều tên lửa tầm ngắn và tầm trung mà Bình Nhưỡng cho biết có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, quốc gia này được cho là chưa từng thử nghiệm những loại vũ khí đó trong chiến đấu, cho đến khi điều binh sỹ đến Nga tham gia cuộc xung đột tại Ukraine, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết.
Bộ Quốc phòng Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga và Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin này. Trước đó, Triều Tiên và Nga đã phủ nhận việc thông qua các thỏa thuận vũ khí mặc dù các nhà lãnh đạo của hai bên cam kết hợp tác quân sự chặt chẽ hơn trong cuộc gặp tháng 9/2024 tại vùng Viễn Đông của Nga.
Chuyên gia quân sự Yang nói rằng, một số nguồn tin an ninh tại Ukraine cũng báo cáo về những cải tiến trong các lô tên lửa mới nhất của Triều Tiên. "Triều Tiên có lẽ đã nhận được phản hồi từ quân đội Nga nên họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chế tạo tên lửa", ông Yang lưu ý. Tuy vậy, nguồn tin không nêu rõ Triều Tiên đã thực hiện những sửa đổi nào.
Gia tăng độ chính xác và lợi hại hơn
Reuters dẫn một nguồn tin quân sự khác cho biết, việc phân tích các mảnh vỡ tên lửa thu được trên chiến trường cho thấy, đã có nhiều thay đổi trong thiết kế của tên lửa Triều Tiên. Theo đó, tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường tốt hơn hoặc có thêm cơ chế kiểm soát bay.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể cải thiện độ chính xác của tên lửa như việc cung cấp thông tin mục tiêu tốt hơn cho phi hành đoàn của máy bay phóng, sự tích hợp những hệ thống dẫn đường mới do Nga cung cấp và sự cải tiến dựa trên dữ liệu và kinh nghiệm mà các nhà khoa học Triều Tiên có được trong cuộc chiến Nga-Ukraine.
Trước đây, hầu hết tên lửa của Triều Tiên có độ chính xác từ 1 đến 3 km, nhưng hiện giờ, những tên lửa mới nhất có độ chính xác từ 50 đến 100 mét, nguồn tin trên cho biết, song từ chối tiết lộ mục tiêu, thời gian cũng như địa điểm các cuộc tấn công.
Theo Ukraine, Nga đã phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-23, K-23A và K-24 của Triều Tiên khoảng 100 lần, tính từ cuối năm 2023 đến tháng 1/2024. Riêng trong tuần qua Moscow đã thực hiện 20 lần phóng các tên lửa này. Độ chính xác của tên lửa gia tăng cho thấy Triều Tiên đang tận dụng cuộc chiến ở Ukraine để cải tiến công nghệ tên lửa của họ, Reuters thông tin.
Mặc dù tên lửa đạn đạo của Triều Tiên chỉ chiếm một phần nhỏ trong các cuộc tấn công của Nga, nhưng chúng mang theo đầu đạn lớn nặng tới một tấn và có tầm bắn lên tới 800 km. Trong khi đó tên lửa Iskander-M của Nga mang theo đầu đạn nhỏ hơn và có tầm bắn ngắn hơn là 500 km.
Nga và Triều Tiên đã nhanh chóng xích lại gần nhau hơn kể từ năm 2023 khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga có chuyến thăm Bình Nhưỡng. Hai bên đã ký một hiệp ước về "Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện" vào năm 2024.
Vào tháng 11/2024, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Antony Blinken đã có chuyến thăm Seoul. Ông cảnh báo mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Bình Nhưỡng với Moscow là “mối đe dọa đối với các chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu”.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Shin Won-sik cho rằng, Nga đã cung cấp cho Triều Tiên tên lửa phòng không và thiết bị phòng không để đổi lấy binh sỹ và nguồn cung cấp vũ khí. Theo Cơ quan tình báo Hàn Quốc, Moscow cũng có thể hỗ trợ Triều Tiên về các bộ phận tên lửa hoặc công nghệ vũ trụ.
Theo các nhà quan sát, sự xuất hiện những tên lửa mới nhất của Triều Tiên trên chiến trường Ukraine cho thấy Bình Nhưỡng đang nỗ lực vận hành các nhà máy vũ khí với đầy đủ công suất để cung cấp cho Nga trong cuộc xung đột. John Ford, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin thuộc Viện Middlebury nhận định: “Rất có khả năng Triều Tiên chế tạo theo đơn đặt hàng cụ thể - đơn đặt hàng tên lửa được thiết riêng nhằm mục đích xuất khẩu. Điều này cho thấy sự thay đổi lớn về cách tiếp cận của Bình Nhưỡng, vì thông thường những quốc gia bán vũ khí thường bán những loại vũ khí cũ trước”.
Ông John Ford cho rằng với những chuyến thăm các nhà máy tên lửa của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un có thể là một nỗ lực tiếp thị để đảm bảo với những khách hàng tiềm năng về "khả năng sản xuất nhanh chóng" tên lửa đạn đạo.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao nhanh chóng này cho phép Triều Tiên thử nghiệm vũ khí mới sản xuất của mình tại một khu vực xung đột thực tế, điều này “vô cùng có giá trị đối với quá trình phát triển vũ khí của họ”, ông John Ford nhấn mạnh.
Nhà phân tích John Ford lưu ý: “Các cuộc thử nghiệm được coi là nền tảng của các chương trình cải tiến vũ khí. Việc thử nghiệm trong thực chiến chống lại một đối thủ nhất định là điều rất quan trọng”.