Vụ lừa hơn 14 tỷ USD gây chấn động ở Trung Quốc
Sau hơn một năm trốn ra nước ngoài, cuối cùng 'ông trùm vốn đất Thượng Hải' Lâm Cường cũng bị bắt tại Indonesia.
Theo Nhật báo Kinh doanh Thâm Quyến, ngày 10/10, ông Simmy Karim, Cục trưởng Di trú Indonesia nói trong một cuộc họp báo rằng Lâm Cường, người kiểm soát thực tế của Tập đoàn tài chính Hòa Hợp đã bị bắt giữ tại Sân bay Quốc tế Ngurah Rai, Indonesia. Ông Silmmy Karim cho biết, Lâm Cường bị cáo buộc lừa đảo hơn 50.000 người số tiền hơn 14 tỷ USD (khoảng 98,9 tỷ NDT), thông qua kế hoạch Ponzi.
Lâm Cường tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, chuyên ngành Kinh tế và thương mại quốc tế. Sau đólại nhận bằng thạc sĩ EMBA của Đại học Giao thông Thượng Hải và bằng Tiến sĩ DBA của Đại học Bắc Kinh. Sau đó, Cường làm việc hơn 10 năm tại các tổ chức tài chính lớn và nổi tiếng như Bảo hiểm nhân thọ Cathay, Chứng khoán Tài chính Quốc tế Trung Quốc và Quỹ Tài chính Quốc gia Trung Quốc. Cường giỏi đàm phán kinh doanh, thiết kế cơ cấu thương vụ, tránh rủi ro, quản lý nhóm và đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về mua bán sáp nhập các công ty niêm yết.
Năm 2016, Lâm Cường thành lập và trở thành chủ tịch Công ty TNHH Quản lý Đầu tư vốn Hòa Hợp (Hehe Capital) Thượng Hải. Công ty hoạt động dựa trên các hoạt động kinh doanh đa dạng như quỹ đầu tư cổ phần, đầu tư chứng khoán, đầu tư hóa đơn, bất động sản và tín thác gia đình…
Năm 2021, Lâm Cường mua lại công ty Hòa Hợp Futures và trở thành người kiểm soát thực sự. Công ty này được thành lập vào năm 1993 với số vốn đăng ký là 390 triệu USD. Đây là một công ty có uy tín. Lúc này, đế chế vốn “Hệ thống Hòa Hợp” (Hehe Group) của Lâm Cường chính thức được hình thành, gồm: Hehe Capital, Hehe Asset Management và Hehe Futures. Trong số đó, Hehe Management là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Hehe Futures.
Năm 2021, Hòa Hợp rất nổi bật. Hehe Capital ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Pudong Kechuang (Khoa học kỹ thuật Phố Đông) để đầu tư vào Haiwang Capital, một nền tảng quản lý quỹ đầu tư tư nhân trực thuộc Pudong Kechuang. Quy mô quản lý của Haiwang Capital vượt quá 10 tỷ NDT.
Năm 2021, Lâm Cường được bầu chọn là một trong “Mười thanh niên xuất sắc nhất của Phố tài chính Lujiazui, Phố Đông, Thượng Hải”. Năm 2022, Cường hăng hái tuyên bố: “Bây giờ là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào công nghệ cứng, ai không có niềm tin thì không thể đầu tư tốt”.
Trên thực tế, kế hoạch Ponzi do Lâm Cường điều hành không có gì mới lạ và thủ đoạn cũng chẳng cao siêu. Cường đã sử dụng lợi nhuận cao từ 6%-10,1% làm mồi nhử để lừa mọi người đầu tư tiền, nói rõ đó là “chiếc bánh trên trời rơi xuống”. Cách lừa của ông ta chủ yếu là hai mảng kinh doanh: phát hành trái phiếu đầu tư đô thị theo cơ cấu và kinh doanh quỹ đầu tư hóa đơn.
Trước tiên về trái phiếu đầu tư đô thị. Lâm Cường hợp tác với Dư Lôi, “Đại ca trái phiếu”, để phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trái phiếu đầu tư đô thị đã bị cơ quan giám sát dừng lại vào năm 2021. Năm 2022, xảy ra một đợt chống tham nhũng đối với trái phiếu đầu tư đô thị, Dư Lôi rơi vào rắc rối vì điều này. Trước đó, Lôi đã bị cơ quan kiểm tra kỷ luật mấy nơi điều tra do liên quan đến việc phát hành trái phiếu xám.
Điều sốc hơn nữa là theo Caixin, tối ngày 16/2/2024, Dư Lôi chết tại nhà khi mới 40 tuổi và mới được tại ngoại chờ xét xử không lâu. Đối mặt với áp lực điều tra tư pháp và gánh nặng trả lại tiền cuỗm được, Dư Lôi bị trầm cảm nặng.
Ở phía đối tác, Lâm Cường biến mất sau bữa tiệc với các giám đốc điều hành công ty ở Hồng Kông vào tối ngày 25/8/2023. Theo báo Giới Tài chính, sau khi rời Hồng Kông, Cường bắt đầu di cư cả gia đình đến Singapore, đồng thời chuyển tiền qua các ngân hàng ngầm. Một người trong cuộc tiết lộ vào thời điểm đó, một tháng trước khi Cường mất liên lạc, vợ con ông đã đến Singapore với danh nghĩa du lịch, bố mẹ cũng đến đó một tuần sau khi Cường biến mất. Có thể nói rằng kế hoạch này đã được tính toán kỹ từ trước.
Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là những người thân cận với Dư Lôi đã xác nhận rằng phần lớn số tiền mà ông kiếm được thông qua trái phiếu đầu tư đô thị bất hợp pháp những năm qua có thể đã bị đối tác tin cậy của ông ta cuỗm mất và chuyển ra nước ngoài.
Vào ngày 14/10, một người trong ngành đã xác nhận với phóng viên Thời báo Hoa Hạ: “Lâm Cường đã lấy đi tất cả tài sản mà Dư Lôi đã tích lũy trước đó. Sau khi Lôi nộp hàng chục triệu tệ để được tại ngoại chờ xét xử, ông ta chắc chắn đã rất đau khổ khi biết số tiền của mình đã bị đối tác cũ của mình cuỗm sạch, nên đã chọn cách tự sát”.
Sau khi Lâm Cường mất tích, các sản phẩm do “Hệ thống Hòa Hợp” phát hành bắt đầu đến hạn thanh toán. Các nhà đầu tư như kiến trong chảo nóng, tố cáo vụ việc này đến khắp nơi rồi chạy đến công ty để tìm lời giải thích. Nhân viên công ty cũng bàng hoàng và lo lắng về công việc của mình. Nhận thấy tình hình vượt quá tầm kiểm soát, ngày 9/4, Hehe Capital ra thông báo cho biết công ty đã mất khả năng thanh toán, không thể hoạt động được nữa và không có tiền nên tạm dừng thanh toán. Thông báo được đưa ra, các nhà đầu tư chết lặng.
Ngay khi Hehe Capital gặp rắc rối, cảnh sát Thượng Hải đã mở vụ án điều tra và thông báo Tập đoàn Hòa Hợp bị nghi ngờ gây quỹ bất hợp pháp Chủ tịch Vương Hồng Lượng và nhiều giám đốc điều hành cấp cao khác đã bị bắt. Lâm Cường cuối cùng đã bị bắt ở Indonesia sau 13 tháng bỏ trốn. Nhưng dù có bắt được Cường thì sau này mọi chuyện cũng vẫn phức tạp.
Indonesia cho biết hiện chưa thể quyết định trục xuất hay dẫn độ Cường về Trung Quốc. Tại sao? Vì Cường mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ nên trước tiên cần tìm hiểu xem anh ta là người Thổ Nhĩ Kỳ hay vào Indonesia bằng hộ chiếu giả. Sau đó mới xem xét các thỏa thuận giữa hai nước để thảo luận về vấn đề dẫn độ.
Ngoài ra, Indonesia cho biết Cường đã lấy đi gần 100 tỷ NDT (15 tỷ USD) của 50.000 người. Trước đó, Hehe Capital thông báo số tiền chưa thanh toán của công ty có thể vượt quá 4,5 tỷ NDT, hai con số chênh nhau quá lớn, tình hình cụ thể vẫn chưa được các bộ phận liên quan xác minh.