Vụ vận chuyển 425 triệu USD qua biên giới: Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường bị đề nghị 14 - 16 năm tù

Với cáo buộc vận chuyển trái phép hơn 425 triệu USD qua biên giới, Giám đốc vàng Phú Cường Nguyễn Ngọc Phương bị đề nghị 14 - 16 năm tù. Viện kiểm sát đánh giá ông là chủ mưu, móc nối với cán bộ ngân hàng thực hiện hành vi phạm tội.

Sau hơn 1 ngày xét hỏi, trưa 22/4, nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Ngọc Phương (46 tuổi, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường) mức án từ 6 - 7 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và 8 - 9 năm về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Tổng hợp hình phạt chung, bị cáo bị đề nghị từ 14 - 16 năm.

Cùng vụ án, bị cáo Đinh Thị Diệu Thúy (Giám đốc nhân sự Công ty Lotte P&D Việt Nam) bị đề nghị 36 - 42 tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và 2 - 3 năm tù do “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo từ 5 - 6 năm 6 tháng.

8 người khác bị đề nghị 30 tháng đến 5 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

3 bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng, lần lượt bị đề nghị mức án từ 3 - 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Phương.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Phương.

Về dân sự, Viện kiểm sát đề nghị tuyên buộc Phương và 3 cựu cán bộ ngân hàng phải khắc phục 33,8 tỷ đồng, là số tiền thiệt hại từ việc Phương được các cựu cán bộ ngân hàng cho vay sai, chưa trả hết nợ. Tại tòa, Phương đã nhận trách nhiệm và tình nguyện trả toàn bộ nghĩa vụ này, không buộc ba người còn lại liên đới.

Theo Viện kiểm sát, đây là vụ án đặc biệt lớn và nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động quản lý ngân hàng. Cơ quan tố tụng sẽ xử lý nghiêm chủ mưu để răn đe song khoan hồng với người thành khẩn, không hưởng lợi.

Tại bản luận tội, Viện kiểm sát ghi nhận các bị cáo đều ăn năn; một số hợp tác tích cực, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả. Một số bị cáo làm sai do cả nể, theo yêu cầu cấp trên mà không nghĩ hậu quả phải gánh chịu. Nhiều bị cáo còn trẻ, học vấn cao nhưng chưa nhiều kinh nghiệm với cuộc đời nên mắc sai lầm đáng tiếc.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2014 - 2018, Nguyễn Ngọc Phương đã sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài do mình thành lập, điều hành để chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, mua bán hàng hóa. Việc này để hợp thức vốn vay ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.

Theo cáo buộc, để chuyển tiền, Phương chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với 3 doanh nghiệp ở Hong Kong.

Ngoài ra, nhóm Phương còn có hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với nhau để "hợp thức" hồ sơ vay vốn ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Cơ quan điều tra xác định, để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu hàng hóa, bị cáo Thúy còn làm giả hồ sơ hải quan nộp cho ngân hàng. Việc này nhằm giải ngân, thanh toán quốc tế với số tiền còn lại theo mỗi hợp đồng nhập khẩu, tạm nhập tái xuất...

Trong vụ án này, Viện kiểm sát xác định, bị cáo Phương đã cầm đầu thực hiện chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hong Kong và từ Hong Kong về Việt Nam) với tổng số 425,1 triệu USD (tương đương gần 9.500 tỷ đồng).

Ngoài ra, cáo trạng cũng quy kết 3 bị cáo là cựu cán bộ một ngân hàng chi nhánh quận Tây Hồ lên phương án vay vốn với của nhóm Phương, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng hơn 42 tỷ đồng.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-van-chuyen-425-trieu-usd-qua-bien-gioi-giam-doc-cong-ty-vang-phu-cuong-bi-de-nghi-14-16-nam-tu-post1735933.tpo