'Vua cánh đồng lớn' kỳ vọng bán 1 triệu tấn gạo vào năm 2024
Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị được gọi là 'vua cánh đồng lớn' ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặt kỳ vọng sẽ bán ra 1 triệu tấn gạo vào năm 2024. Đây là mục tiêu được đặt ra khi đơn vị này đang xây dựng và phát triển 1.000 hợp tác xã liên kết và ứng dụng 1.000 thiết bị bay không người lái (drone) vào hoạt động canh tác.
Thông tin nêu trên được đưa ra nhân lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm sang châu Âu (EU) theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) diễn ra vào hôm nay, 22-9, tại An Giang.
Thông tin từ Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị này đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt thành tích 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform- quy trình sản xuất lúa gạo bền vững) vào đầu năm nay.
Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 hợp tác xã liên kết và ứng dụng 1.000 thiết bị bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.
Trong hôm nay, 22-9, tại nhà máy lương thực Thoại Sơn, một trong năm nhà máy lương thực trực thuộc Tập đoàn Lộc Trời, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, đơn vị này đã công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm sang EU theo EVFTA.
Theo đó, lô hàng lần này có khối lượng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường sang EU vào cuối tháng 9-2020.
Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị này chú trọng đến việc đầu tư cho việc trồng và kiểm soát chất lượng cho thị trường EU từ năm 2018. Nhờ đó, đã xuất khẩu được hơn 10.000 tấn vào EU với các chủng loại, gồm Jasmine 85, Japonica, DS1, OM 18, OM 5451… với nhiều quy cách khác nhau.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, EVFTA chính là “chìa khóa” để hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường 27 quốc gia thành viên, với hơn 511 triệu dân, có GDP đầu người trên 35.000 đô la Mỹ.
Theo ông, với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch miễn thuế 80.000 tấn gạo/năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. “Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này sẽ giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm”, ông Cường cho biết và thông tin với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Để tận dụng được lợi thế nêu trên, ông Cường đề nghị, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó, phải liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân, tạo thành quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. “Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU”, ông nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thông qua chính sách phát triển thị trường cũng như các đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt chính là nền tảng, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản của cả nước xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường cao cấp.
“Chúng tôi, cũng ý thức rõ việc hàng hóa muốn xuất khẩu vào các thị trường này cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng”, ông nhấn mạnh và cho rằng, với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp, Lộc Trời sẽ nỗ lực tận dụng, đưa gạo Việt Nam nói riêng và nông sản Việt nói chung đến các thị trường trên thế giới.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, mới đây Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Louis Rice.
Theo đó, cái “bắt tay” quan trọng này có tính bước ngoặt, mang ý nghĩa tích cực cho cả hai bên trong việc xây dựng và phát triển hoạt động thu mua và phân phối, xuất khẩu gạo trong tương lai.
Trung Chánh