'Vua' dược liệu yêu văn chương

Mỗi năm đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, một trong những tên tuổi được giới y học nước ta nhớ tới là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH) Đỗ Tất Lợi (1919-2008), người được mệnh danh 'vua' dược liệu học, tác giả công trình nổi tiếng thế giới Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.

GS-TSKH.Đỗ Tất Lợi (1919-2008) với bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Ảnh: TL

GS-TSKH.Đỗ Tất Lợi (1919-2008) với bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Ảnh: TL

Ít ai biết rằng ông là người rất yêu văn chương và tìm trong đó nhiều tư liệu quý, hữu ích trên con đường nghiên cứu khoa học…

* Dược sĩ cuối cùng thời Pháp kết hợp Đông - Tây y

Quê cha đất tổ Đỗ Tất Lợi ở làng Phù Xá, H.Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Bốn thế hệ trong đại gia đình họ Đỗ sống quây quần bên nhau tại ngôi làng này. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, hơn 20 năm Đỗ Tất Lợi một mình vào sống, làm thuốc, dạy học tại TP.HCM. Ông cũng đi khắp Nam bộ, đặc biệt là rừng miền Đông để sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá các cây thuốc, vị thuốc Việt Nam và mở phòng mạch lấy tên Tuệ Lãn ở gần ga xe lửa Sài Gòn.

Một điều thú vị là tính theo âm lịch, Đỗ Tất Lợi sinh đúng vào ngày 27-2 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 28-3-1919, trong khi giấy khai sinh đề ngày 1-2-1919. Ông tốt nghiệp Trường y dược khoa Đông Dương, trở thành một trong những người ít ỏi cuối cùng cầm tấm bằng dược sĩ thời Pháp. Khóa cuối cùng ấy trường chỉ có 6 dược sĩ tốt nghiệp cho cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, trong đó có dược sĩ Huỳnh Quang Đại về sau từng làm hiệu trưởng Trường đại học y dược Hà Nội, dược sĩ Phạm Thị Yên trở về quê hương Nam bộ tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh…

Chúng tôi may mắn có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện với GS-TSKH.Đỗ Tất Lợi khi còn ở Sài Gòn cũng như những năm tháng cuối đời ông trở về với gia đình ở Hà Nội. Nhìn lại hành trình đầy cam go của mình, ông cho hay: “Trong kháng chiến chống Pháp và nhất là sau 1954, từ quân đội tôi được chuyển về Trường đại học y dược Hà Nội, dựa vào phương châm kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học khoa học hiện đại, bản thân tôi đã tham gia đào tạo ra những dược sĩ biết sử dụng, bào chế cả thuốc Tây lẫn thuốc Đông y (thuốc Nam, thuốc Bắc), đào tạo ra những bác sĩ biết kê đơn thuốc y học cổ truyền (vì tôi là người dược sĩ đầu tiên được mời tham gia xây dựng và giảng dạy, viết và in giáo trình giảng dạy trong bộ môn Đông y của Trường đại học y dược Hà Nội từ những năm 1965-1966)”.

* Người con đáng tự hào của gia tộc văn chương “nhà Mai Lĩnh”

Chỉ có những người gần gũi mới biết GS-TSKH.Đỗ Tất Lợi không chỉ là một thầy thuốc, nhà khoa học mà còn là một tâm hồn văn chương phong phú. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên đối với một người sinh trưởng trong gia tộc “nhà Mai Lĩnh” mà bản thân ông rất lấy làm tự hào. NXB Mai Lĩnh với hệ thống kinh doanh in ấn, phát hành sách báo rộng rãi do ông nội của Đỗ Tất Lợi là nhà nho yêu nước Đỗ Văn Phong chỉ đạo cho gia đình thành lập ở quê nhà Phúc Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn… Và cùng với Hàn Thuyên, Đời Nay, Tân Dân… Mai Lĩnh là một trong những NXB tiêu biểu trước năm 1945 quy tụ và ấn hành tác phẩm của nhiều nhà văn nổi tiếng như: Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Đào Trinh Nhất, Phạm Cao Củng…

Ông Đỗ Văn Phong vốn hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục bị thực dân Pháp bắt đày biệt xứ tận đảo Guyane thuộc Nam Mỹ. Ông vượt ngục trốn sang Canada, tìm đường về Trung Quốc, rồi đi tàu thủy lần về Sài Gòn và ẩn mình ở miền Tây Nam bộ tiếp tục hoạt động cứu nước. Từ ý tưởng và chỉ đạo của ông, gia tộc họ Đỗ đã thành lập NXB Mai Lĩnh, ấn hành tờ Tiểu thuyết thứ ba, Hải Phòng tuần báo, ưu tiên in ấn các tác phẩm chống đối chế độ thực dân phong kiến. “Nhà Mai Lĩnh” có những đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa, khơi dậy tinh thần yêu nước trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ghi nhận đóng góp ấy, một cuộc tọa đàm về NXB Mai Lĩnh đã diễn ra vào tháng 4-2018 tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội.

GS.Đỗ Tất Lợi kể rằng từ bé mình đã phải sống xa bố mẹ, xuống “nhà Mai Lĩnh” Hải Phòng ở với bà nội và mấy chú để ăn học. Nhà có cửa hàng sách báo. Mỗi sáng sớm việc đưa báo đến tay người đọc là rất cần thiết, vì họ muốn đọc báo trước giờ đi làm. Báo từ Hà Nội gởi về Hải Phòng thường khoảng nửa đêm, có khi 3, 4 giờ sáng. Các thành viên gia đình Mai Lĩnh xúm nhau chia báo. Tờ mờ sáng, trước khi đi học, cậu bé họ Đỗ giúp các chú đưa báo đến nhà người đặt mua. Bán báo, Đỗ Tất Lợi cũng mê đọc báo. Vì lẽ đó, thói quen đọc báo về sau trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với ông trong cả cuộc đời.

Nhờ sống trong môi trường chữ nghĩa nên Đỗ Tất Lợi đã say mê đọc tiểu thuyết thần tiên, lịch sử, kiếm hiệp như Tiếng sấm đêm đông viết về Ngô Quyền, Cờ lau khởi nghĩa viết về Đinh Bộ Lĩnh... Ông bảo rằng: “Tình yêu khoa học của tôi chính được nảy nở từ lúc được đọc những tiểu thuyết như thế, hay xem những buổi xiếc ảo thuật. Sau này tôi nhanh chóng yêu thích những môn khoa học tự nhiên như: Lý, Hóa chính vì tôi thấy những môn học này giúp con người gần như thần tiên, mà các cuốn truyện tôi đọc hồi bé đã gợi trí tưởng tượng”.

GS.Đỗ Lất Lợi còn tâm sự rằng lớn lên mình rất mê truyện hiện đại Việt Nam, nhất là tác phẩm của 3 nhà văn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng sáng tác trước năm 1945. Nhờ đọc truyện, ông bổ khuyết được nhiều kiến thức quan trọng về Đông y, đặc biệt qua các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố.

Tôi nghĩ nếu không được thừa hưởng không khí văn hóa nhà Mai Lĩnh và yêu chữ nghĩa, văn chương thì GS.Đỗ Tất Lợi dù có tư liệu phong phú đến đâu cũng khó thể hiện thành công bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam một cách khoa học mà dễ đọc, phổ biến thông dụng đến mọi người đọc, nghiên cứu ở trong nước lẫn thế giới. Và nếu như không trở thành một nhà khoa học lớn thì Đỗ Tất Lợi cũng có thể là cây bút tài năng cứu người bằng cái đẹp tinh thần.

Hành trình và sự nghiệp khoa học của GS-TSKH.Đỗ Tất Lợi thật độc đáo và lớn lao. Sinh thời ông đã được tôn vinh là “vua” dược liệu học, với bộ sách đồ sộ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhờ công trình này, Đỗ Tất Lợi trở thành người Việt Nam đầu tiên được Hội đồng Chứng chỉ tối cao Liên Xô phong thẳng học vị TSKH năm 1968 mà không cần bảo vệ luận án, về sau được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt đầu tiên vào năm 1996.

Nguyễn Phan Huỳnh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202002/vua-duoc-lieu-yeu-van-chuong-2990192/