Vừa ký xong hợp đồng lớn, Cao su Đà Nẵng (DRC) chuẩn bị chia tiếp cổ tức bằng tiền
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC) vừa thông báo kế hoạch phân phối phần lợi nhuận còn lại của năm 2023 bằng tiền mặt cho cổ đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi công ty ký kết được hợp đồng lớn với đối tác nước ngoài.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) vừa thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Theo đó, Cao su Đà Nẵng sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 7%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng cổ tức.
Danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức sẽ được chốt vào ngày 11/6/2024, và cổ tức sẽ được chi trả vào ngày 28/6/2024. Với hơn 118,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cao su Đà Nẵng sẽ cần bỏ ra hơn 83 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này.
Với việc sở hữu gần 60 triệu cổ phiếu DRC (tương đương 50,51% vốn điều lệ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ là đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất, ước tính nhận về khoảng 42 tỷ đồng cổ tức đợt này từ Cao su Đà Nẵng.
Trước đó, Cao su Đà Nẵng đã từng trả cổ tức 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%.
Tính chung cả 2 đợt, Công ty đã chi ra khoảng 142,5 tỷ đồng để thanh toán cổ tức. Trong đó, phần cổ tức cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là khoảng 72 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.003 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng tới 93%, đạt 49 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 19% kế hoạch doanh thu và 21,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong một diễn biến có liên quan, Cao su Đà Nẵng vừa ký kết hợp đồng xuất khẩu lốp ô tô DRC với Oceanside One Trading (doanh nghiệp hàng đầu ngành lốp tại Brazil), nhằm nâng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Brazil từ 70 triệu USD lên 150 triệu USD/năm.
Hiện tại, Brazil và Mỹ là hai thị trường trọng điểm của Cao su Đà Nẵng. Với lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu như các đối thủ đến từ Trung Quốc, dòng sản phẩm lốp PCR của Cao su Đà Nẵng tại Brazil có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới.
Thị trường Brazil được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng công suất hoạt động của nhà máy lốp PCR lên mức 75% - 84% trong năm nay và đạt 100% vào năm sau, theo đánh giá mới đây SSI Research.
Tương tự, tại thị trường Mỹ, dòng lốp TBR của Cao su Đà Nẵng đang hưởng lợi lớn khi các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc đang chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức tương đối cao.
Bên cạnh đó, thị phần của Cao su Đà Nẵng tại Mỹ còn có thể gia tăng đáng kể trong thời gian tới nếu Mỹ áp thuế chống bán phá với sản phẩm lốp TBR của Thái Lan. Quyết định cuối cùng sẽ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra vào cuối tháng 6/2024.
Nếu phán quyết của DOC mang tín hiệu tích cực, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia được hưởng lợi trực tiếp khi đang là nước xuất khẩu TBR lớn thứ 4 sang Mỹ với thị phần 12% trong năm 2022. Trong đó, Cao su Đà Nẵng đang là đơn vị xuất khẩu lốp TBR Việt Nam lớn nhất vào thị trường Mỹ.