Vua Lý Thái Tổ với đạo Phật
Có thể nói vào thời Lý, Phật giáo đóng vai trò rất lớn trong hệ thống tư tưởng của Nhà nước. Hay nói cách khác, Phật giáo được coi như là hệ tư tưởng chính trong đường lối trị nước của các vua nhà Lý.
Lý Thái Tổ tên gọi khác là Lý Công Uẩn (1010 - 1028), vị vua sáng lập ra vương triều Lý và khai sinh ra kinh thành Thăng Long.

Tượng đài Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội - Ảnh: Sưu tầm
Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng 02 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974) đời Đinh (tức ngày 08 tháng 03 năm 974) tại hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp (nay thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Chính sử ghi: mẹ Lý Công Uẩn là người "họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua"(1). Theo nhiều nguồn tài liệu thì mẹ Lý Công Uẩn là bà Phạm Thị Ngà (hoặc Phạm Thị). Tại làng Dương Lôi, Từ Sơn, Bắc Ninh hiện vẫn còn đền thờ bà và dân làng nơi đây đã tôn xưng bà là "Lý Triều thánh mẫu".
Làng Dương Lôi là quê của thân mẫu Lý Công Uẩn, cũng là nơi bà sinh Lý Công Uẩn và là nơi an nghỉ của bà. Hàng năm lễ giỗ Lý Thánh Mẫu rất trọng thể vào ngày 07 tháng Giêng Âm lịch. Còn về người cha sinh ra ông, không có tài liệu nào, rõ ràng và đủ sức thuyết phục.
Sử chép, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi: "Vua truy tôn cha là Hiển Khánh vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu... anh ruột là Mỗ làm Vũ Uy vương, em là Dực Thánh vương"(2). Chi tiết này cho thấy Lý Công Uẩn có đầy đủ cha mẹ và gia đình nhưng chỉ thấy chép trong Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư, trong khi đó có rất nhiều truyền thuyết xung quanh cuộc đời Lý Công Uẩn.
Vì vậy truyền thuyết, dã sử ghi chép về Lý Công Uẩn, ngay trong những bộ sử lớn nhất của nước ta có nhiều điều còn mơ hồ và khác biệt.
Căn cứ vào nguồn tài liệu chính sử thì Lý Công Uẩn có xuất thân trong một gia đình có gốc rễ hẳn hoi. Tuy nhiên chính sử cũng không nói gì tới vai trò, công lao giáo dưỡng của gia đình. Điều đáng chú ý, ở đây chỉ thấy vai trò của nhà chùa đã gắn bó mật thiết với tiểu sử và hành trạng của Lý Công Uẩn ngay từ khi còn thơ ấu tới lúc ông đăng quang (từ năm lên 3 đến năm 35 tuổi - 1009). Cả cuộc đời làm vua của Lý Công Uẩn gắn bó với Phật giáo và chịu ảnh hưởng to lớn của đạo Phật.
Chính sử ghi rõ, Lý Công Uẩn lúc 3 tuổi được mẹ ẵm đến cho làm con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp và Lý Công Uẩn ngay từ bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn trẻ thơ đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: "Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ"(3).
Lý Công Uẩn được sự nuôi dưỡng và dạy dỗ của hai vị thiền sư nổi tiếng là Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh.
Từ khi nước ta giành được quyền độc lập, tự chủ, bắt đầu từ thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X), Phật giáo được coi trọng, nhiều nhà sư danh tiếng trong tầng lớp tăng, ni được triều đình trọng dụng như là những cố vấn về chính trị và họ đã đóng vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền nhà nước. Tuy vậy, Phật giáo dưới thời Ngô - Đinh - Tiền Lê chưa có điều kiện mở mang và phát triển, phải đến thời Lý mới có nhiều điều kiện để phát triển và đây được coi là thời kỳ phát triển huy hoàng nhất của Phật giáo.
Trước khi làm vua mở nghiệp vương triều Lý, Lý Công Uẩn đã từng được cất nhắc vào làm việc trong triều đình nhà Tiền Lê tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Dưới triều vua Lê Đại Hành, ông được cử làm Điện tiền quân, tức làm nhiệm vụ bảo vệ tính mạng an toàn cho nhà vua. Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005), vua Lê Đại Hành mất. Hoàng tộc và triều đình căn cứ vào di chiếu, tôn hoàng tử Long Việt lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Trung Tông. Nhưng chỉ được ba ngày thì Long Việt bị em là Long Đĩnh giết chết để cướp ngôi vua. Mọi người hoảng sợ đều trốn chạy, chỉ riêng mình Lý Công Uẩn ở lại, ôm xác Long Việt mà khóc. Lê Long Đĩnh thấy vậy khen là tấm lòng trung nghĩa, khi lên ngôi phong Lý Công Uẩn giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, thống lĩnh hết quân túc vệ.
Mùa Đông, tháng 10, ngày Tân Hợi (30 tháng 10 năm Kỷ Dậu - 1009), Lê Long Đĩnh, ông vua nổi tiếng là tàn ác và bạo ngược của nhà Tiền Lê qua đời. Chỉ hai ngày sau đó, ngày Quý Sửu - ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 21/11/1009), nhân lòng người và triều thần đã chán ghét nhà Tiền Lê, sư Vạn Hạnh cùng bầy tôi trong triều đã làm một cuộc vận động và tôn Lý Công Uẩn đang giữ một chức vụ trọng yếu trong triều đình nhà Tiền Lê (Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ), lên làm vua, sáng lập vương triều Lý (1009 - 1225).
Xung quanh việc lên ngôi vua của vị vua sáng lập vương triều Lý cũng bao phủ đầy những huyền thoại và sấm ký, phản ánh cuộc vận động chính trị của giới Phật giáo cùng các triều thần đang có xu hướng ủng hộ Lý Công Uẩn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại những sự huyền bí này như sau: "Trước đây ở viện Cẩm Tuyền chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ "Thiên tử", kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm "Tuất" làm thiên tử. Đến đây vua sinh năm Giáp Tuất làm thiên tử, quả nhiên ứng nghiệm"(4) (Lý Công Uẩn sinh vào năm Giáp Tuất - 974, lên làm vua đặt niên hiệu cũng vào năm Canh Tuất - 1010).
"Trước đấy, ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh. người làng ấy nhận kỹ dấu sét đánh, có những chữ: "Thụ căn diểu diểu, Mộc biểu thanh thanh. Hòa đao mộc lạc, Thập bát tử thành. Đông a nhập địa, Dị mộc tái sinh. Chấn cung kiến nhật, Đoài cung ẩn tinh. Lục thất niên gian, Thiên hạ thái bình". (Gốc cây thăm thẳm, Ngọn cây xanh xanh. Cây hòa đao rụng, Mười tám hạt thành. Cành đông xuống đất, Cây khác lại sinh. Đông mặt trời mọc, Tây sao náu hình. Khoảng sáu bảy năm, Thiên hạ thái bình)(5).
Sư Vạn Hạnh đoán rằng: Thụ căn là gốc cây, ý nói về vua của một nước, diểu cùng âm với yểu, vậy diểu diểu là đã yếu đuối, sắp tàn. Mộc biểu là ngọn, chỉ các bề tôi. Thanh thanh là xanh mởn, tốt tươi, tức chỉ các bề tôi còn thịnh vượng. Hòa đao mộc chỉ về nhà Lê, lạc là rơi rụng. Thập bát tử là nhà Lý. Thành là sẽ lập nên nghiệp đế. Vạn Hạnh còn bảo với Lý Công Uẩn rằng: "Mới rồi tôi thấy lời sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông là người khoan từ, nhân thứ lại được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay, người đứng đầu muôn dân, chẳng phải ông thì còn ai đương nổi nữa! Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là sự may muôn năm mới gặp một lần. Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn"(6).
Cùng với sư Vạn Hạnh, còn có Đào Cam Mộc cũng nói với Lý Công Uẩn rằng: "Người trong nước ai cũng bảo họ Lý sẽ phát, mà lời sấm đã hiện ra rồi, không thể che giấu được". Lý Công Uẩn nói: "Tôi đã hiểu rõ ý ông, cùng với Vạn Hạnh không khác gì". Cam Mộc lại nói: "Ông là người công minh, dung thứ, khoan hồng, nhân từ, lòng người phụ thuộc. Hiện nay trăm họ khốn khổ, dân không chịu nổi, ông nhân thể lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, ai có thể ngăn lại được". Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ để chậm sẽ sinh biến, bèn nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui lòng theo cả, ngay ngày hôm ấy đều họp cả trong triều, bàn nhau rằng: "Hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, mọi người đều ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối, mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau tôn phù Thân vệ làm Thiên tử, phút chốc có xảy ra tai biến, chúng ta có thể giữ được đầu không?". Bấy giờ cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử lên ngôi. Trăm quan đều lạy rạp ở dưới sân, trong ngoài đều hô "Vạn tuế", vang dậy cả trong triều(7).
Lý Công Uẩn lên ngôi, đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau (1010) làm niên hiệu Thuận Thiên năm thứ nhất.

Đền Đô thờ 8 vị vua triều Lý ở Bắc Ninh - Ảnh: Sưu tầm
Sau khi lên ngôi, năm 1010, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đã có một quyết định hết sức quan trọng đối với vương triều Lý cũng như đối với đất nước ta là dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La và đổi tên là kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay).
Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã nói rõ đó là một việc trọng đại "không phải theo ý riêng tự dời đô" mà để "làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân"(8). Đây là một quyết định sáng suốt, một tầm nhìn chiến lược vô cùng hệ trọng của vua Lý Thái Tổ đối với vận mệnh lâu dài của dân tộc ta. Chỉ có "thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời"(9).
Mùa thu, tháng 7, năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ đã thực hiện cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư về Đại La. "Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự vì thế đổi gọi là thành Thăng Long. Đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên" (10).
Khi đã định đô, mùa thu năm 1010, nhà vua đã cho xúc tiến việc xây dựng những công trình lớn quan trọng trong kinh thành làm nơi thiết triều, nơi ở và làm việc của vua, hoàng gia và các quần thần.
Vua Lý Thái Tổ và triều đình rất quan tâm đến đạo Phật, đã bỏ ra nhiều tiền công quỹ vào việc đúc chuông, tạc tượng và xây dựng nhiều chùa tháp trong nước.
Ngay từ khi vừa dời đô về Thăng Long, năm 1010 vua Ly Thái Tổ đã: "Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở, đều được ghi công"(11)
Nhà vua còn "Xuống chiếu trong nước khiến những người trốn tránh phải về quê cũ. Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại"(12).
"Năm ấy, cấp độ điệp cho nhân dân làm sãi. Phát 1.80 lạng bạc kho đúc chuông lớn để ở chùa Đại Giáo"(13).
Năm Tân Hợi (1011), nhà vua cho "ở trong thành bên tả dựng cung Đại Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, làm kho Trấn Phúc; ở ngoài thành dựng chùa Tứ Đại Thiên Vương và các chùa Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ"(14).
Năm Giáp Dần (1014), vua Lý Thái Tổ lại hai lần xuống chiếu lấy tiền công quỹ ra để đúc chuông tại các chùa. Vào mùa thu, tháng 9 cho phát "310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiên" và đến mùa đông, tháng 10 "phát 800 lạng bạc kho để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và lầu Ngũ Phượng tinh"(15)
Đến năm Bính Thìn (1016), vua Lý Thái Tổ lại cho: "Cấp độ điệp cho hơn 1.000 người ở Kinh sư làm tăng đao. Dựng hai chùa Thiên Quang và Thiên Đức và tô bốn pho tượng thiên đế"(16).
Để góp phần chấn hưng Phật giáo, vào năm Mậu Ngọ (1018), mùa hạ, tháng 6, vua Lý Thái Tổ còn sai "viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam tạng"(17).
Năm Kỷ Mùi (1019), nhà vua: "Xuống chiếu cấp độ điệp cho nhân dân trong nước làm tăng"(18).
Năm sau (Canh Thân - 1020), khi xin được kinh Tam tạng về, nhà vua lại xuống chiếu cho người đi đón sứ rất long trọng: "Mùa Thu, tháng 9, Nguyễn Đạo Thanh đi sứ về, xin được kinh Tam tạng, xuống chiếu cho tăng thống là Phí Trí sang Quảng Châu để đón"(19). Năm 1021, nhà vua cho dựng Nhà chứa kinh Bát Giác để chứa các kinh tạng vừa thỉnh được năm trước. Năm 1023, vua lại sai người chép ra một bản kinh Tam tạng nữa để cất ở Nhà chứa kinh Đại Hưng.
Năm Giáp Tý (1024), triều đình cho sửa chữa kinh thành Thăng Long, đồng thời "Mùa Thu, tháng 9 làm chùa Chân Giáo ở trong thành để tiện vua ngự xem tụng kinh"(20).
Năm Đinh Mão (1027), "Mùa Thu, tháng 8, xuống chiếu viết kinh Tam tạng"(21).
Như vậy, Phật giáo từ khi vào Việt Nam đến thời vua Lý Thái Tổ đã thịnh hành và phát triển về nhiều mặt. Như trên đã nói, Lý Thái Tổ lớn lên trong nhà chùa và trong cuộc vận động lên ngôi đã được sự ủng hộ của giới Phật giáo.
Ngay sau khi lên ngôi, cũng như suốt các năm làm vua, ông đã có nhiều lệnh chỉ có lợi cho sự phát triển của Phật giáo. Các đời vua sau kế tiếp Lý Thái Tổ như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đã theo gương Thái Tổ đều rất coi trọng đạo Phật, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo.
Có thể nói vào thời Lý, Phật giáo đóng vai trò rất lớn trong hệ thống tư tưởng của Nhà nước. Hay nói cách khác, Phật giáo được coi như là hệ tư tưởng chính trong đường lối trị nước của các vua nhà Lý. Mùa Xuân, tháng 2 năm Mậu Thìn (1028), niên hiệu Thuận Thiên thứ 19, vua không được khỏe. Đến ngày 3 tháng 3 là ngày Mậu Tuất vua băng ở điện Long An, trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi.
Khi nói về vua Lý Thái Tổ, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết: "Lý Tổ dấy lên, tự trời báo điềm tốt, hiện ra ở nét cây thiêng. Có đức tất có ngôi, bởi vì lòng người quy phụ. Lại nhắm sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược, mà Lý Tổ thì vốn tiếng khoan nhân, trời tìm người làm chủ dân, dân theo về người có đức, trừ Lý Tổ ra thì còn ai hơn nữa! Xét ra vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cũng là đánh dẹp kẻ phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ yên lành, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương"(22).
Lý Thái Tổ không những là vị vua khai cơ triều Lý, mà còn là vị vua khai sinh ra kinh thành Thăng Long, định ra một kinh đô lý tưởng cho các triều đại sau này.
Tác giả: Đặng Việt Thủy - Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2025
***
CHÚ THÍCH:
(1) Đại Việt sử toàn thư, Tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1972, trang 189.
(2) Việt sử lược, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội .1960, trang 68-69.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 189.
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 190.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 185.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 186.
(7) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 187.
(8) (9) (10) (11) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 190, 191
(12) (13) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 192.
(14) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 193.
(15) (16) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 195.
(17) (18) (19) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 197.
(20) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 198.
(21) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 199.
(22) Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, trang 206.
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vua-ly-thai-to-voi-dao-phat.html