'Vua rừng...'

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn), hỏi ông Phạm Trung Trường thì ai cũng biết. Ông được mọi người đặt cho biệt danh “vua rừng” vì sở hữu cả trăm héc ta rừng. Ông cũng là người giàu lòng nhân ái, giúp nhiều người dân có đất sản xuất, vươn lên thoát nghèo; hiến hàng chục héc ta đất và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để xây dựng công trình thủy lợi ở địa phương.

Ông Trường hiện có 100ha rừng. Dẫu tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn miệt mài với việc trồng và chăm sóc rừng.

Ông Trường hiện có 100ha rừng. Dẫu tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn miệt mài với việc trồng và chăm sóc rừng.

Về thôn Thọ An, xã Bình An một ngày đầu tháng 6 khi xã chuẩn bị tổ chức đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi vui mừng khi sải bước trên những con đường sạch, đẹp. Hai bên đường, những dàn hoa giấy rực rỡ dưới nắng hè, xa xa là những cánh rừng xanh bạt ngàn. Chúng tôi vui vì đời sống của người dân nơi đây ngày càng khá giả, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay da đổi thịt vùng núi xa xôi, hẻo lánh, nơi có đến 70% là người đồng bào dân tộc Cor sinh sống.

Thôn Thọ An từng là khu căn cứ địa cách mạng. Sau năm 1975, nơi đây trở thành vùng kinh tế mới, đồng bào dân tộc Cor từ xã Trà Giang (Trà Bồng) và ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đến lập làng. Toàn thôn hiện có hơn 200 hộ dân là người dân tộc Cor.

Hồ chứa nước Tuyền Tung phục vụ nước tưới cho 234ha đất sản xuất ở xã Bình An và Bình Khương (Bình Sơn).

Hồ chứa nước Tuyền Tung phục vụ nước tưới cho 234ha đất sản xuất ở xã Bình An và Bình Khương (Bình Sơn).

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh thôn Thọ An, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình An Lê Quốc An nói với giọng đầy biết ơn: "Xã Bình An cũng như thôn Thọ An, được như ngày hôm nay có công rất lớn của bác Hai”. Bác Hai mà ông An nhắc đến là ông Phạm Trung Trường (75 tuổi). Năm 2023, xã Bình An phấn đấu về đích nông thôn mới, nhưng hiện còn 2 thôn chưa có nghĩa địa tập trung, đồng nghĩa với việc xã chưa đạt tiêu chí về môi trường. Khi nghe lãnh đạo địa phương trăn trở, không một chút đắn đó, ông Trường tình nguyện hiến 1ha đất rừng để địa phương xây dựng nghĩa địa, giúp xã Bình An sớm về đích nông thôn mới.

Ông Trường sẵn sàng hiến tiếp 1ha để mở rộng nghĩa địa; ủng hộ 400 triệu đồng xây dựng cổng chào thôn Thọ An. “Dù đi dù ở nơi nào/ Nhớ về thăm lại đồng bào Thọ An/ Ngày xưa kháng chiến gian nan/ Ngày nay ơn Đảng xóm làng ấm no”, 4 câu thơ này khắc ghi trên cổng chào thôn Thọ An. Ông Trường suy nghĩ rằng, Thọ An là khu căn cứ cách mạng năm xưa, có nhiều di tích lịch sử. Vậy nên, việc tri ân mảnh đất này cũng là để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Phạm Trung Trường đã hiến 16ha đất nông nghiệp để Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Tuyền Tung.

Ông Phạm Trung Trường đã hiến 16ha đất nông nghiệp để Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Tuyền Tung.

Ông Trường từng hiến 16ha đất nông nghiệp để Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Tuyền Tung, phục vụ nước tưới cho 234ha đất sản xuất ở 2 xã Bình An và Bình Khương; hiến 8.000m2 đất để làm tuyến đường bê tông vào hồ chứa nước này; tặng gần 60 con bò cho người nghèo. Ông cũng là người từng bỏ tiền ra xây dựng trạm y tế, phòng học, làm giấy khai sinh, mua sách vở và vận động cha mẹ đưa trẻ em trong độ tuổi đến trường.

“Tôi quê ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) lên đây lập nghiệp. Đến hôm nay, tôi vẫn không nghĩ mình đã gắn bó máu thịt ở vùng đất Thọ An tròn 32 năm. Tôi luôn giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ với những người xung quanh, không đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Bởi sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", ông Trường chia sẻ. Ông Trường đã giúp đỡ nhiều gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo và giúp nhiều trẻ em nghèo có điều kiện đến trường.

Sinh ra trong gia đình cách mạng, tuổi thanh xuân, ông vào bộ đội tham gia chiến đấu. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trường rong ruổi khắp nơi để lập nghiệp. Năm 1992, khi ấy ông là giám đốc một doanh nghiệp ở địa phương, có dịp đến thăm vùng đất Thọ An. Đường đến Thọ An lúc bấy giờ là con đường mòn độc đạo. Đồng bào dân tộc Cor sinh sống trong những túp liều, đói ăn, thiếu mặc. Là người giàu lòng trắc ẩn và luôn sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng, ông Trường xin chính quyền địa phương làm con đường 2,5km nối thôn với trung tâm xã, rồi làm thêm 5km đường nối liền 4 thôn với trung tâm xã; vận động quyên góp xây trạm y tế, xây phòng học cho trẻ em.

Kể từ đó, đồng bào Cor coi ông như người thân. Sau đó, Nhà nước có chủ trương trồng 5 triệu héc ta rừng, ông Trường được giao 650ha đất rừng. Ông cùng với 27 người thân, bạn bè hùn vốn bồi thường tất cả tài sản, hoa màu trên đất cho người dân, bắt tay vào trồng rừng.

Ông ủng hộ 400 triệu đồng xây dựng cổng chào thôn Thọ An.

Ông ủng hộ 400 triệu đồng xây dựng cổng chào thôn Thọ An.

Song, vì quá vất vả nên người thân, bạn bè lần lượt thoái vốn. Riêng ông Trường vẫn kiên trì, vay hàng chục tỷ đồng để trồng rừng. Ông cũng vận động người dân trồng rừng. Ai trồng rừng, ông sẽ cho cây giống, sẵn sàng tạo điều kiện về đất đai, làm đường vào tận rẫy keo để dễ khai thác. Trồng rừng đến đâu, mở đường đến đó.

Ông Trường nhẩm tính, đã mở được 50km đường rừng. Ông miệt mài đi hết ngọn đồi này qua dãy núi nọ để trồng rừng. Rừng được phủ xanh trong sự ngỡ ngàng của người dân. Thời ấy, ông giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động ở khắp các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây...

Ông tình nguyện hiến 1ha đất rừng để địa phương xây dựng nghĩa địa và sẵn sàng hiến tiếp 1ha để mở rộng nghĩa địa.

Ông tình nguyện hiến 1ha đất rừng để địa phương xây dựng nghĩa địa và sẵn sàng hiến tiếp 1ha để mở rộng nghĩa địa.

Những tưởng đến ngày gặt quả ngọt, thu hoạch keo để trả nợ ngân hàng, nhưng vào năm 2009, siêu bão quét qua, 90% diện tích rừng của ông Trường đổ ngã, ước tính thiệt hại 48 tỷ đồng. Ông gánh khoản nợ ngân hàng 18 tỷ đồng. Sau cú sốc ấy, vợ ông lâm bệnh rồi qua đời, ông ngã quỵ. Nợ cũ chưa trả hết, ngân hàng không thể cho vay thêm, ông Trường đành nhượng bớt diện tích đất rừng lấy vốn đầu tư làm trang trại chăn nuôi để giải quyết việc làm cho bà con vì không nỡ để họ thất nghiệp. Bao nhiêu lợi nhuận từ trang trại, ông lại tiếp tục đổ hết vào rừng, trồng cau xen kẽ để giảm bớt thiệt hại do bão và mở rộng chăn nuôi.

Bảy năm sau, một phần diện tích rừng đã đến tuổi thu hoạch, ông đã trả dần được nợ ngân hàng. Năm 2020, ông lại tiếp tục bị “bão quật”, 200ha rừng bị thiệt hại hoàn toàn, lại gánh nợ 14 tỷ đồng. Ông Trường tiếp tục nhượng bớt diện tích đất để trả nợ và tự nguyện cho các hộ nghèo để có đất sản xuất... Hiện tại, ông Trường còn 100ha rừng. Dẫu tuổi cao, sức yếu, nhưng hằng ngày ông Trường vẫn giữ thói quen làm việc cùng công nhân của mình. Ông yêu rừng như con.

Hiện ông đang đầu tư mở rộng chuồng trại, liên kết với công ty chăn nuôi heo thịt theo hình thức khép kín, với quy mô nuôi 12 nghìn con, giải quyết việc làm cho 70 lao động.

Hiện ông đang đầu tư mở rộng chuồng trại, liên kết với công ty chăn nuôi heo thịt theo hình thức khép kín, với quy mô nuôi 12 nghìn con, giải quyết việc làm cho 70 lao động.

Hiện tại, ông Trường đang đầu tư mở rộng chuồng trại, liên kết với công ty chăn nuôi heo thịt theo hình thức khép kín, với quy mô nuôi lên tới 12 nghìn con, giải quyết việc làm cho 70 lao động. “Tôi có 4 đứa con đều thành đạt. Các con khuyên tôi nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng trước khi mất, vợ tôi đau đáu nỗi lo nợ nần. Bà dặn phải trả hết nợ cho Nhà nước, không để các con gánh nợ, phần vì thương bà con không có việc làm, tôi không thể khuất phục trước thiên tai. Còn khỏe, tôi sẽ tiếp tục lao động để trả hết số nợ 2,8 tỷ đồng và tạo việc làm cho bà con”, ông Trường bộc bạch.

Anh Ngô Tiến Đạt (29 tuổi), nhiều năm làm lái xe cho ông Trường chia sẻ, mỗi tháng, tôi được trả lương 7 triệu đồng và được đóng bảo hiểm đầy đủ. Bác Hai là một con người vô cùng đặc biệt. Bà con ở đây ai cũng kính trọng và mang ơn bác rất nhiều!

Bài, ảnh: A.KIỀU - T.BÌNH

Trình bày: VÕ VĂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202406/vua-rung-6a91aae/