'Vua tôm' lỗ đậm 2 quý liên tiếp, cổ phiếu trong xu hướng giảm
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) tiếp tục lỗ đậm trong quý IV/2024, và trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MPC cũng rơi vào xu hướng giảm.
Tính từ ngày 21/6/2024 đến nay, cổ phiếu MPC đã giảm khoảng 18% từ 18.040 đồng về 14.500 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý IV/2024, Thủy sản Minh Phú đạt doanh thu thuần 2.244 tỷ đồng, tăng trưởng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng giá vốn tăng mạnh khiến biên lãi gộp thu hẹp; lợi nhuận gộp còn 115 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh thu tài chính giảm mạnh 52,7%, giảm 32 tỷ đồng xuống còn 28,7 tỷ đồng; trong khi chi phí tài chính tăng 6,8% lên 126,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 18,9% lên 119,9 tỷ đồng.
Kết quả, “vua tôm” ghi nhận mức lỗ lên đến 100,9 tỷ đồng trong quý IV/2024.
!["Vua tôm" lỗ thêm trăm tỷ trong quý cuối năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_594_51446813/ff861d9f29d1c08f99c0.jpg)
"Vua tôm" lỗ thêm trăm tỷ trong quý cuối năm 2024.
Trước đó, trong quý III, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu 4.344,23 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 90,14 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 26,07 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 64,07 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 10,8%, về 8,8%.
Lũy kế cả năm 2024, “vua tôm” đạt doanh thu 8.451 tỷ đồng, tăng trưởng 31,3% so với năm 2023, và đã có lãi sau thuế 34,5 tỷ đồng, so với mức lỗ 10,6 tỷ đồng của năm trước, tương ứng với mức tăng thêm hơn 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh doanh của danh nghiệp trong những năm gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, công ty ghi nhận lỗ 105,07 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 832,18 tỷ đồng. Cùng kỳ, báo cáo công ty mẹ cũng cho thấy lỗ 10,5 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 794 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm nhẹ 57,7 tỷ đồng xuống còn 7.513 tỷ đồng. Trong đó, 4.346 tỷ đồng là tài sản đầu tư tài chính dài hạn, chiếm 57,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.303 tỷ đồng (17,3% tổng tài sản); và tồn kho đạt 1.107 tỷ đồng (14,7% tổng tài sản).
Đáng chú ý, doanh nghiệp đã tăng trích lập dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn thêm 321,9 tỷ đồng, đạt tổng mức trích lập 1.590 tỷ đồng. Trong đó, các khoản dự phòng lớn liên quan đến đầu tư vào các công ty con như Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú – Lộc An, Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú Kiên Giang, và Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú.
Về nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2024 giảm 13,2% so với đầu năm, xuống còn 1.627 tỷ đồng, chiếm 31,9% tổng vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý là toàn bộ nợ vay của công ty đều là nợ vay ngắn hạn, không có nợ vay dài hạn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2024 trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 1. Trong đó, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất với giá trị xuất khẩu đạt 300 triệu USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep dẫn báo cáo của Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) phân tích, ngành tôm toàn cầu đang trong giai đoạn tái cân bằng khi các nước sản xuất có xu hướng giảm tăng trưởng sản lượng nhằm thu hẹp khoảng cách cung cầu. Điều này dự báo sẽ giúp giá tôm phục hồi dần dần trong nửa đầu năm 2025, đặc biệt khi nhu cầu từ các thị trường như Hoa Kỳ và EU cải thiện.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc, một trong những đối tác lớn của tôm Việt Nam đang đối mặt với sự giảm sút nhu cầu tiêu thụ. Sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu, cùng với áp lực thu nhập dẫn đến sụt giảm tiêu dùng tôm trắng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Thêm vào đó, cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và sự ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.