'Vua tôm' Minh Phú kinh doanh thua lỗ vẫn trả hơn 900 tỷ đồng nợ ngân hàng
Dù kinh doanh thua lỗ nhưng Thủy sản Minh Phú đã tích cực trong việc giảm nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng xuống còn 2.877 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2023.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với bức tranh về tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty trong quý I/2023 đạt 2.199 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù giá vốn hàng bán được tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp trong quý của “vua tôm" Minh Phú vẫn lao dốc mạnh từ 492 tỷ đồng tại quý I/2022 xuống 123 tỷ đồng tại quý I/2023, tương đương giảm 75%.
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng đem lại cho Minh Phú khoản tiền hơn 37 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ khoản chênh lệch tỉ giá.
Ở chiều ngược lại, trong khi chi phí bán hàng được Minh Phú tiết giảm hơn 57% xuống chỉ còn 133 tỷ đồng thì chi phí tài chính lại tăng mạnh 68% đạt 54 tỷ đồng.
Kết quả, Thủy sản Minh Phú ghi nhận lỗ 98 tỷ đồng sau thuế, giảm mạnh so với số lãi 91 tỷ đồng vào quý I/2022. Đây cũng là số lỗ kỷ lục của công ty kể từ năm 2009 tới nay.
Giải trình kết quả kinh doanh suy giảm, Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.
Năm 2023, công ty lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 17.985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.145 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, “vua tôm" Minh Phú còn cách rất xa so với kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cả năm.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Minh Phú ở mức 9.502 tỷ đồng, giảm 11% so với số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 838 tỷ đồng vào đầu kỳ xuống chỉ còn 139 tỷ đồng, tương đương giảm 83%. Nguyên nhân là do công ty không còn ghi nhận khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống, trong khi đầu kỳ ghi nhận hơn 610 tỷ đồng.
Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 3/2023 đạt 4.538 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu kỳ, giảm chủ yếu đến từ thành phẩm và hàng hóa.
Bên cạnh đó, dư nợ của Thủy sản Minh Phú đến cuối kỳ là 3.830 tỷ đồng, giảm 21%, trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 90%. Đi sâu về tình hình vay nợ của công ty, Thủy sản Minh Phú ghi nhận vay ngắn hạn ở mức 2.877 tỷ đồng, giảm 24% so với số đầu kỳ, tương đương khoảng 907 tỷ đồng.
Theo đó, khoản nợ của Minh Phú với Vietinbank đạt 2.182 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Khoản nợ với Vietcombank đã giảm từ 1.252 tỷ đồng xuống còn 684 tỷ đồng; với BIDV giảm từ 190 tỷ đồng xuống còn hơn 10 tỷ đồng tại thời điểm cuối kỳ.
Tại một diễn biến khác, theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao. Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44%.