Vực dậy sức mua cho chợ truyền thống - Bài cuối: 'Khoác áo mới' cho chợ

Theo giới chuyên gia kinh tế, trước tình trạng ế ẩm, đìu hiu, giải pháp 'cứu cánh' là cần phải 'khoác áo mới' cho chợ truyền thống phù hợp với xu hướng phát triển nếu không muốn chợ dần trở nên mờ nhạt.

Tiểu thương livestrream bán hàng để tăng doanh thu. Ảnh: S.X

Tiểu thương livestrream bán hàng để tăng doanh thu. Ảnh: S.X

Thêm cách bán hàng để kéo sức mua

Nhiều tiểu thương chợ truyền thống đều thừa nhận, sức mua giảm vì kém hấp dẫn khách hàng, trong khi đó vài năm trở lại đây thương mại điện tử “nổi như cồn” thu hút nhiều người tìm đến chỉ bằng những cú nhấn chuột.

Sau thời gian dài ngần ngại chuyển đổi hoặc thêm phương thức bán hàng và được sự hướng dẫn của cơ quan quản lý, tiểu thương các chợ dân sinh cũng dần dần thay đổi cách nghĩ và chủ động chuyển đổi. Tiểu thương bắt đầu thực hiện bán hàng online trên một số sàn thương mại, livestream trên Facebook, TikTok. Đơn cử, bà Phạm Thị Nga (tiểu thương mặt hàng quần áo chợ Căn Cứ, quận Gò Vấp) thuê người livestream bán hàng trên Facebook và TikTok. Kết quả, doanh thu bán hàng có tăng hơn mức bình thường so với bán trực tiếp nhưng gần đây đơn hàng từ việc bán hàng online có phần chững lại do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Ngoài ra, bà Nga cũng có phần ngần ngại vì tiền thuê người thực hiện livestream chiếm hết khá lợi nhuận bán hàng.

Đánh giá cao hiệu quả của bán hàng trên chợ mạng, song tiểu thương một số chợ cho rằng, bán hàng online không phải ai muốn cũng làm được vì còn hạn chế về công nghệ, hoặc hàng hóa đơn điệu... thêm vào đó là chi phí thuê người livestream cũng không hề thấp. Trước đây, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ tiểu thương tổ chức các hoạt động livestream bán hàng, tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương, điển hình là tại chợ Bến Thành và TP Thủ Đức. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ tiểu thương liên kết, tiếp thị nhiều không gian, hình thức bán hàng chưa có tác dụng vì không phù hợp.

Câu chuyện livestream bán hàng ở chợ Bến Thành tổ chức cuối năm 2023, đầu năm 2024 là ví dụ. Thời điểm đó, hoạt động này ngay lập tức gây được tiếng vang, thu hút đông đảo tiểu thương và người dân hưởng ứng mua sắm, mang về doanh thu hàng tỷ đồng. Thế nhưng, hiện tượng này chỉ nổi lên vài hôm rồi sau đó tiểu thương không còn tất bật với máy móc. Họ thừa nhận không thể cạnh tranh với những công ty lớn hay các kênh bán hàng online chuyên nghiệp.

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM có giá trị văn hóa về kiến trúc.

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM có giá trị văn hóa về kiến trúc.

Trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về hiệu quả hỗ trợ tiểu thương bán hàng, bà Trần Như Quỳnh – Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM cho biết, thời gian qua sở đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai mô hình chợ trực tuyến và tập huấn livestream bán hàng cho tiểu thương. Kết quả, mô hình này đã triển khai tại 33 chợ dân sinh trên địa bàn thành phố, tạo ra khoảng 16.000 đơn hàng online. Theo bà Quỳnh, bán hàng trực tuyến giúp tiểu thương và người tiêu dùng dễ tương tác trên nền tảng số, đồng thời hỗ trợ tiểu thương có thêm khách hàng, thoát khỏi cảnh đìu hiu vắng khách.

Kỳ vọng sức mua hồi phục trở lại

Dù sức mua chợ truyền thống giảm mạnh, song rất nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn kỳ vọng ở kênh bán hàng này song song với việc kinh doanh tại các kênh thương mại hiện đại, thương mại điện tử.

Bà Trần Phương Nga – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thiên Long khẳng định, kênh bán hàng truyền thống vẫn cần khi gom tiền về cho DN. Kênh truyền thống đang chiếm 70% doanh thu kinh doanh. DN sẽ tận dụng tối ưu kênh này bằng cách tái cấu trúc, xem thử những tuyến đường đi của kênh truyền thống đã hiệu quả hết chưa trên từng điểm bán. Khu vực nào đang có hiệu quả sẽ chia sẻ câu chuyện thành công cho những điểm bán, khu vực còn lại. “Bằng việc tận dụng hết các điểm mạnh của kênh bán hàng truyền thống, chúng tôi sẽ tái đầu tư vào những kênh phân phối khác. Đặc biệt, đồng hành với một số cửa hàng truyền thống giúp họ trưng bày đẹp, bắt mắt hơn để thu hút người tiêu dùng” - bà Nga nói.

Đánh giá cao kênh bán hàng tại chợ truyền thống ông Lê Gia Bảo – đại diện Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (nước mắm) chia sẻ, doanh thu bán hàng tại chợ truyền thống vấn mạnh hơn so với các kênh khác. Cụ thể, tại kênh chợ truyền thống chiếm 60%, kênh siêu thị chiếm 30% và 10% cho bán hàng trực tuyến. Nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng tại kênh chợ truyền thống nước mắm Hòa Hiệp cố gắng xây dựng và giữ vững chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng chiết khấu nhất định cho tiểu thương các chợ cũng như tăng sản phẩm dùng thử, sản phẩm trải nghiệm cho người tiêu dùng.

Mong muốn chợ truyền thống tiếp tục có những thay đổi nhằm tăng tính cạnh tranh với các loại hình kinh doanh khác, bà Trần Như Quỳnh thông tin thêm, Sở Công thương thành phố cũng phối hợp các quận, huyện rà soát các quy định đã ban hành để làm nền tảng sửa đổi, điều chỉnh giải pháp nâng cấp chợ cho phù hợp với đặc trưng ở mỗi nơi. Các tiểu thương cũng chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự nhằm tạo niềm tin từ người tiêu dùng. Song song đó, thời gian tới, Sở Công thương TPHCM sẽ tổ chức chương trình tập huấn, đào tạo tổ chức cho đối tượng quản lý chợ và tiểu thương.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam:

Phải hình thành trung tâm hoạt động chung

Chắc chắn chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM phải thực hiện cuộc chuyển đổi. Trước đây thành phố đã muốn chuyển đổi chợ truyền thống theo hình thức mua bán hiện đại hơn, thế nhưng kế hoạch này không thành công. Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng mới, bán hàng online, đặc biệt là bán theo hình thức livestream là xu hướng không thể đảo ngược. Vì vậy, chậm chuyển đổi, chậm thay đổi thì khó tồn tại.

Cần có những mô hình hoạt động chung mới mong việc kinh doanh của chợ truyền thống có những kết quả mới. Chúng ta thấy rõ, mô hình hoạt động của chợ truyền thống đã lâu đời, hầu hết quầy sạp đều là bất động sản được tiểu thương bỏ tiền ra mua từ hàng chục năm nay nên hạ tầng xuống cấp nhưng không được cải tạo. Trong khi đó, để chuyển đổi hình thức kinh doanh theo hướng chuyển đổi số mất rất nhiều chi phí, phải đầu tư cả nhân lực và vốn - đây là điều mà các hộ kinh doanh cá thể như tiểu thương khó đáp ứng được. Thay vì hỗ trợ từng tiểu thương chuyển đổi số, nên chăng phát triển mô hình mới đó là hình thành các hub (trung tâm hoạt động) chung cho tiểu thương. Thông qua hub này, tiểu thương sẽ được sử dụng các dịch vụ chung như bán hàng hoặc cùng livestream trên một nền tảng thương mại. Và để phát triển hub này cần sự bắt tay của các nhà bán lẻ hiện đại lớn trên địa bàn thành phố như Saigon Co.op, Satra… Lý do, các nhà bán lẻ này đang chuyển đổi mạnh mẽ lên online nên sẽ có điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng, công nghệ…

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM:

Sớm có giải pháp phát triển chợ truyền thống

Phát triển và nâng cấp chợ truyền thống trên địa bàn thành phố được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm. Hiện Sở Công thương đang phối hợp với trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM hoàn thành đề án xây dựng chợ truyến thống thích nghi với dịch bệnh và chuyển đổi số. TPHCM cũng dự kiến tiếp tục thực hiện các biện pháp tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống đến năm 2025, với định hướng đến năm 2030. Cụ thể, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống, giảm số lượng chợ còn 216 (giảm 17 chợ), trong đó, 199 chợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển. Theo kế hoạch, chợ truyền thống sẽ phát triển với 2 định hướng cụ thể. Thứ nhất, hạn chế phát triển mới các chợ ở khu vực nội thành, việc phát triển mới chỉ thực hiện khi có nhu cầu bố trí tiểu thương từ các chợ di dời, giải tỏa. Thứ hai, tập trung vào công tác sửa chữa, nâng cấp, duy tu và bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu mua - bán của người dân và kết hợp phát triển du lịch. Đặc biệt, TPHCM cũng đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ và hoàn thiện công năng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Thanh Giang (ghi)

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vuc-day-suc-mua-cho-cho-truyen-thong-bai-cuoi-khoac-ao-moi-cho-cho-10302797.html