Vững bước quân hành trên đường biên giới

Không biết từ bao giờ, người ta đã đặt cho tháng Mười hai cái tên thân thuộc: Tháng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tháng của cựu chiến binh, hay Tháng của những người lính.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’Leo, BĐBP Đắk Lắk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’Leo, BĐBP Đắk Lắk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Vâng. Đúng thế! Hiếm có một nơi nào trên thế giới này, hình ảnh những người lính lại gần gũi và trìu mến trong lòng mọi người như ở đất nước chúng ta.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, hình ảnh những người lính vì Tổ quốc mà chiến đấu, hi sinh luôn gắn bó máu thịt suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Cho đến thời đại ngày nay, trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và trong những ngày hòa bình, thực hiện nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu càng minh chứng rõ nét thêm điều ấy.

Và sẽ chẳng lấy gì làm lạ, khi người dân cả nước dành riêng một tháng cuối năm, tháng có ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam để nhắc nhớ nhau hướng về những người lính.

Tôi tự hào là con một người lính. Bố tôi đã chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ những ngày Mậu Thân khói lửa, đầy mất mát, hi sinh. Trong suốt tuổi thơ và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghe bố kể những câu chuyện ở Trường Sơn, ở cửa ngõ Sài Gòn với những người đồng đội vượt qua đạn bom và những anh hùng liệt sĩ đã hiên ngang nằm xuống.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi nộp đơn tình nguyện và may mắn trở thành một người lính Biên phòng. Bài học chính trị cũng là bài hát đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ tôi được học, đó là bài “Vì nhân dân quên mình”. “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình”. Biết bao năm rồi, nhưng mỗi lần hát lại lời ca ấy, lòng chúng tôi vẫn dâng lên niềm tự hào, xúc động. Hạnh phúc xiết bao khi cuộc đời mình dành để hi sinh vì nhân dân và Tổ quốc.

Nhớ biết mấy những ngày đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện dự nguồn đào tạo sĩ quan ở Trung đoàn 36 anh hùng. Vùng đất Lương Sơn với những quả đồi đá ong bỏng rát đã mang đến cho chúng tôi biết bao nhiêu háo hức, mừng vui và cả những nỗi buồn, nhớ nhà, nhớ người thương trĩu nặng. Chính những buổi huấn luyện chính trị, điều lệnh, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, hậu cần - kỹ thuật, những “lăn lê bò toài” ngày ấy là bài học đầu tiên theo chúng tôi suốt cuộc đời quân ngũ.

Nhớ biết bao nhiêu những buổi dầm mưa, dãi nắng trên thao trường chiến thuật của “nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”, vừa chăm chú học bài, vừa giật mình vì sợ bị vắt cắn. Những buổi say sưa huấn luyện chính trị, pháp luật… và nghiệp vụ công tác Biên phòng trên giảng đường Đại học Biên phòng. Những đêm gác khuya, vì mệt quá mà ngủ quên bên vọng gác, bị chỉ huy bắt gặp mà vẫn ôm ghì cây súng. Những buổi huấn luyện, giao lưu cùng chi đoàn địa phương, chi đoàn nhà trường, bỗng bắt gặp một ánh nhìn thân thương để rồi đêm về lại thầm thương, trộm nhớ… Hành trang của chúng tôi trước ngày lên biên giới nhận nhiệm vụ là như vậy.

Để rồi nhờ những bài huấn luyện căn bản đó, khi ra công tác ở đơn vị cơ sở các đồn, trạm Biên phòng, chúng tôi mới thấm thía lời của cha anh răn dạy: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Những đợt đi tuần tra dài ngày trên biên giới, giữa rừng thiêng nước độc. Nhờ những kiến thức địa hình quân sự, bản đồ, hành quân, trú quân, đào bếp Hoàng Cầm, mang đeo trang bị đầy đủ mà chúng tôi vượt qua bao khó khăn, vất vả trên những cung đường tuần tra phải trèo đèo, lội suối để giữ nguyên vẹn đường biên, cột mốc.

Rồi những lần đấu tranh chuyên án ma túy, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua biên giới, thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển vũ khí, tài liệu phản động, chất cháy, chất nổ… vào địa bàn biên phòng đối mặt với hiểm nguy trên biên giới. Chính những bài huấn luyện nghiệp vụ Biên phòng, võ thuật đặc nhiệm và bản lĩnh được rèn luyện sau bao nhiêu khó khăn, thử thách đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng Mười hai đang về, mùa này nơi biên cương trên cả hai miền đất nước đang vào thời kỳ khí hậu khắc nghiệt nhất trong năm. Vùng cực Bắc, cái rét tái tê khiến cây rừng trơ trụi lá. Nơi biên giới Tây Nam đang ở vào những ngày cao điểm mùa khô, đồng ruộng khô hạn, nứt nẻ, cây cỏ lụi tàn. Dù điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện của các đơn vị BĐBP còn rất nhiều khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, vất vả. Nhưng đây lại là giai đoạn đầu của “tháng củ mật”, thời điểm mà các loại đối tượng trộm cướp, buôn lậu, xâm nhập, xuất nhập cảnh trái phép… gia tăng hoạt động trên khu vực biên giới. Chúng tôi xác định, đây là thời gian thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm, là lúc thử thách ý chí và tài năng của người lính để sáng danh phẩm chất trong thời bình.

Trên các tổ, chốt, đội công tác, anh em trong đơn vị chẳng quản ngại khó khăn, vất vả, thay nhau đi tuần tra, kiểm soát, mật phục trên biên giới. Đêm cuối tháng, bầu trời biên cương không có những ánh điện lung linh, những tiếng nhạc du dương, trầm bổng. Trên đường tuần tra, chỉ có những ánh sao lấp lánh và trái tim người lính Biên phòng đang căng đầy nhiệt huyết. Niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm thiêng liêng, gìn giữ, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” càng khiến đôi chân chúng tôi vững vàng tiến bước.

Nguyễn Hội

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vung-buoc-quan-hanh-tren-duong-bien-gioi-post457354.html