Vùng cao Quảng Ninh kỳ vọng 'cú hích' từ chính sách phát triển rừng
Nhiều địa phương trên địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Ninh đang chờ hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ, giúp thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào phát triển rừng, khai thác tiềm năng đất lâm nghiệp.

Ông Chíu Sáng Hềnh (đầu tiên bên trái) đưa phóng viên đi thăm khu trồng cây rừng gỗ lớn của gia đình.
Ngày 16/7, Kỳ họp thứ 29 - kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 14 đã chính khai mạc. Một trong những nội dung được đông đảo cử tri, nhất là người dân vùng cao đặc biệt quan tâm, là việc xem xét, thông qua Nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Gia đình ông Chíu Sáng Hềnh, thôn Khe Mằn, xã Ba Chẽ đang trồng 0,5ha cây dổi và 0,4ha lim. Đây là hai loài cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, thời gian thu hoạch dài, nhưng đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn.
Ông Hềnh chia sẻ, khi được cán bộ xã vận động trồng rừng gỗ lớn, gia đình tôi đăng ký ngay. Có khó khăn gì thì cán bộ xã cũng đến tận nơi, hướng dẫn tháo gỡ. Người dân như chúng tôi chỉ mong chính sách tới đây sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, kỹ thuật và vốn để yên tâm gắn bó với rừng lâu dài.

Đồng bào dân tộc Dao ở xã Tiên Yên tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
Anh Triệu Tiến Lộc, xã Quảng La, là một trong những hộ tiêu biểu bảo vệ rừng lim tự nhiên, đang sở hữu gần 10ha rừng gỗ lớn, với khoảng 500 cây lim cổ thụ hàng chục năm tuổi.
“Chúng tôi rất cần được tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, kỹ thuật trồng rừng bền vững và linh hoạt hơn trong điều kiện để nhận hỗ trợ giống. Nếu có chính sách đồng hành lâu dài, bà con sẽ càng tin tưởng để phát triển rừng và giữ rừng”, anh Lộc nói.
Xã Kỳ Thượng là một trong những địa phương đang khẳng định hướng đi chiến lược trong phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Với diện tích tự nhiên trên 273km2, tổng diện tích rừng tập trung đạt hơn 5.300ha, đạt trung bình trên 1.000 ha/năm, vượt mục tiêu đề ra.

Người dân vùng cao Quảng Ninh thu nhập chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Khiếu Anh Tú, việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ là đòn bẩy rất quan trọng, giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững và hiệu quả.
Trên thực tế, nhiều địa phương trên địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Ninh đang chờ mong nghị quyết lần này sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ, giúp thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào rừng, khai thác tiềm năng đất lâm nghiệp hiệu quả hơn.