Vùng cao thiếu giáo viên, miền xuôi lại thừa: Bộ GD&ĐT giải quyết thế nào?
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu giải pháp giải quyết tình trạng thừa giáo viên ở miền xuôi, trong khi miền núi lại thiếu trầm trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vừa có văn bản trả lời cử tri Khánh Hòa về tình trạng thừa giáo viên ở miền xuôi nhưng lại thiếu giáo viên ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Cử tri cũng lo ngại việc thiếu giáo viên trong chương trình phổ thông mới ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai chương trình.
Theo ông Sơn, thời gian qua Bộ nhiều lần phối hợp với các tỉnh, thành phố giải quyết tình trạng trên, đến nay cơ bản giải quyết được việc thừa giáo viên theo định mức biên chế ở các cấp học.
Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026 (năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương), Bộ GD&ĐT nhanh chóng triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Bộ cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế các môn học ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT luôn xác định ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Ngay từ khi xây dựng chương trình phổ thông mới, Bộ nhiều lần chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Đồng thời, Bộ tham mưu Chính phủ hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo sự thu hút đối với học sinh vào học các ngành sư phạm nhằm bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến hết 2022, nước ta thiếu 94.700 giáo viên nhưng ngành giáo dục cũng thừa cục bộ hơn 10.300 người. Đây là vấn đề khiến người dân và cử tri đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2022, khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc, trong đó mầm non nhiều nhất - 6.391, tiểu học 4.493, THCS 3.425 và THPT 1.956. Bộ trưởng và nhiều nhà quản lý nhận định lương "quá thấp" là nguyên nhân chủ yếu khiến giáo viên bỏ nghề, khiến ngành giáo dục kém thu hút, khó tuyển dụng.
Việc giáo viên vừa thiếu, vừa bỏ việc nhiều khiến việc triển khai chương trình mới gặp nhiều khó khăn. Trường học không đủ người dạy các môn mới, phải "chắp vá giáo viên" như thầy Toán dạy Tin, cô giáo Văn kiêm nhiệm nội dung giáo dục địa phương, các giáo viên chủ nhiệm dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Hiệu trưởng một trường THCS ngoại thành Hà Nội gọi đây là tình trạng "bánh mỳ kẹp" và nếu kéo dài, chất lượng giáo dục không đảm bảo, các mục tiêu của chương trình mới cũng không thể thực hiện.