Vững vàng bám biển
Hoạt động khai thác hải sản ở khu vực Nam Trung Bộ đã góp phần quan trọng trong phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống người dân ven biển. Tuy nhiên, hiện nay ngư dân còn gặp nhiều khó khăn, cần có thêm nhiều giải pháp quyết liệt để khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển.
Sau 12 ngày đêm xuyên Tết bám biển ngư trường DK1, sáng mồng 5 Tết, tàu KH 96778-TS trở về với khoảng 10 tấn cá. Chủ tàu Nguyễn Tấn Lầu vui mừng cho biết: "Chuyến biển đầu năm khá thuận lợi. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 100 triệu đồng. Hy vọng năm nay sẽ được mùa, được giá".
Khí thế đầu năm
Theo Ban Quản lý cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa), từ mồng 2 đến mồng 5 Tết Nguyên đán, có hơn 10 tàu cá xa bờ, khai thác xuyên Tết về cập cảng với tổng sản lượng gần 90 tấn cá. Nhiều tàu đánh bắt xuyên Tết đang trở về, thông tin cho biết sản lượng đạt khá. Cũng tại cảng Hòn Rớ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều tàu đánh bắt xa bờ chuẩn bị ra khơi.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, Ðặng Văn Tín cho biết, tình hình thời tiết trên biển khá thuận lợi, nên 90% số tàu của ngư dân Ninh Thuận hoạt động các nghề pha xúc, lưới vây, lưới mành, lưới kéo, lưới rê… khai thác đạt sản lượng cao.
Phú Yên có khoảng 80 tàu cá, với hơn 700 lao động đi khai thác vùng khơi và đón Tết cổ truyền ngay trên biển. Nhằm động viên tinh thần ngư dân yên tâm bám biển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn, thông qua hệ thống vô tuyến điện từ trạm biên phòng đã chúc Tết ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển. Ðồng chí biểu dương tinh thần vượt khó, bám biển của ngư dân đồng thời khẳng định, mỗi tàu cá, mỗi ngư dân đã góp phần tích cực cùng với các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tỉnh sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ tích cực để ngư dân yên tâm vươn khơi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa Nguyễn Trọng Chánh, năm 2022, hoạt động khai thác hải sản đã góp phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của ngành thủy sản địa phương, với sản lượng khai thác đạt 95.000 tấn, chiếm 87% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh, góp phần rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản 760 triệu USD của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các tác động từ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; giá nhiên liệu tăng cao, sản lượng đạt thấp, điều kiện thời tiết trên biển khắc nghiệt, tranh chấp chủ quyền trên biển diễn biến phức tạp…
Tại Ninh Thuận, trong năm 2022, một bộ phận ngư dân vì lợi ích cá nhân đã khai thác sai với nội dung ghi trong giấy phép về vùng khai thác, hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt (sử dụng vật liệu nổ, xung điện,...) vẫn còn tái diễn; một số tàu cá tỉnh Ninh Thuận hoạt động tại vùng biển các tỉnh phía nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản, làm ảnh hưởng đến việc khắc phục "thẻ vàng" theo khuyến nghị của EC.
Theo Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên, Hà Viên, chuyến biển đầu năm của ngư dân gặp khó khăn, sản lượng không đạt như cùng kỳ năm trước. Nhiều tàu cá quyết định kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, cho nên từ sau Tết đến nay chỉ mới có 7/80 tàu khai thác xa bờ về cập cảng cá Ðông Tác, thành phố Tuy Hòa. Hiệu quả kinh tế của chuyến biển đầu năm không đạt hiệu quả như mong đợi của ngư dân, sản lượng cá ngừ đạt thấp, trong khi giá dầu tăng cao. Bà Nguyễn Thị Tường Vi, chủ tàu cá PY 96265-TS ở phường Phú Ðông, thành phố Tuy Hòa cho biết, chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm chi phí hơn 100 triệu đồng gồm tiền dầu, tiền đá, tiền công cho 5 lao động… Sau hơn 20 ngày, tàu cá của bà Vi đánh bắt được hơn 2,4 tấn cá. "Công việc đánh bắt ngày càng khó, giá nhiên liệu tăng cao trong khi giá cá bấp bênh; tìm bạn thuyền khó. Nhiều khi, chuyến biển về hòa vốn đã mừng rồi!" - bà Vi chia sẻ.
Ngư dân Võ Hồng Lý ở phường Ðông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận, chủ tàu cá NT 90834-TS cho biết: "Nhờ Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin dự báo tình hình ngư trường kịp thời, nên ngư dân chủ động đánh bắt hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, chi phí sản xuất cao, chúng tôi mong muốn Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, ổn định đời sống. Quá trình hoạt động trên biển, ngư dân phải đối diện với nhiều rủi ro, do đó, chúng tôi mong muốn các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tăng cường hơn nữa sự hiện diện trên các ngư trường xa bờ để kịp thời hỗ trợ khi ngư dân gặp nạn...".
Khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản
Trong năm 2023, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn ngư dân tiếp cận thuận lợi nhất các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; xây dựng đội tàu khai thác xa bờ với trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị hàng hải hiện đại; tăng cường ứng dụng kỹ thuật vào khai thác, bảo quản sản phẩm sau khai thác để nâng cao hiệu quả chuyến biển, tăng thu nhập cho ngư dân. Bên cạnh đó, tích cực kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản từ khai thác của ngư dân; tích cực hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp trong xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, Ðặng Văn Tín cho biết thêm, năm 2023, Ninh Thuận đặt chỉ tiêu khai thác hơn 126.000 tấn hải sản các loại. Ðể đạt kế hoạch đề ra, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ phương tiện sửa chữa, nâng cấp đội tàu cá công suất lớn với trang thiết bị hàng hải hiện đại để ngư dân tự tin hơn khi vươn khơi; đồng thời hỗ trợ, vận động chủ tàu cá thành lập các tổ, đội tham gia khai thác hải sản. Ðồng hành với nhiều chuyến khai thác xa khơi, Chi cục cử đội ngũ kỹ sư bám tàu, hỗ trợ ngư dân khảo sát ngư trường cũng như xử lý các sự cố khi hoạt động tại ngư trường Trường Sa, vừa hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo đạt hiệu quả.
Ðể nghề câu cá ngừ đại dương phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ký thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản về việc phát triển thủy sản. Theo đó, Phú Yên hợp tác với Tập đoàn Kiyomura triển khai hàng loạt các giải pháp để phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương. Trong đó, giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ được chú trọng đúng mức, như cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu, nâng cao tay nghề cho thuyền viên, liên kết theo tổ đội sản xuất trên biển để rút ngắn thời gian chuyến biển, liên kết giữa đội tàu với doanh nghiệp thu mua, chế biến, bảo đảm chuỗi giá trị bền vững, các bên cùng có lợi. Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ cao nhất cho ngư dân thông qua việc bảo đảm các điều kiện luồng lạch, cửa biển, cảng cá, dịch vụ hậu cần tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch…
Ngư dân Nguyễn Tấn Lầu, chủ tàu KH 96778-TS chia sẻ: "Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn để yên tâm bám biển. Trong quá trình khai thác hải sản trên các vùng biển xa, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU, nhằm góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" của EC, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài".
Tháng 10/2022, Ðoàn Thanh tra EC khi đến kiểm tra thực tế đã ghi nhận Khánh Hòa là địa phương thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU. Kết quả này có được từ sự đồng hành của các chủ tàu, thuyền trưởng, cộng đồng ngư dân với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… Ðến nay, Khánh Hòa có 100% số liệu tàu cá đã được cập nhật đầy đủ trên phần mềm quản lý tàu cá Vnfishbase; 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đánh dấu theo đúng quy định. Cơ quan chức năng đã cấp phép khai thác thủy sản cho 99,68% tàu cá; 98,53% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá…
Những năm qua, bên cạnh công tác thường xuyên tuyên truyền, giúp ngư dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, về chống khai thác IUU, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cập nhật, nắm tình hình diễn biến ngư trường, thông tin kịp thời đến ngư dân để di chuyển phương tiện đánh bắt có hiệu quả; vận động chủ tàu cá thành lập các tổ đội tham gia khai thác hải sản... Ngư dân Võ Xuân Lanh, ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận chia sẻ: "Ngư dân không ai muốn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tuy nhiên, có thể do hiểu biết pháp luật hạn chế hoặc do sai số của phương tiện kỹ thuật trên tàu... đã dẫn đến một số vụ việc vi phạm. Thông qua các đợt tuyên truyền của Chi cục Thủy sản và các lực lượng chức năng, ngư dân đã có thêm kiến thức, kỹ năng để chấp hành tốt hơn các quy định trong khai thác hải sản. Bởi, khi tuân thủ lắp đặt máy giám sát hành trình trên tàu, chúng tôi đều biết được khai thác ở đâu, vùng biển nào, loại cá gì và đều ghi nhật ký khai thác đầy đủ" ■
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vung-vang-bam-bien-post736491.html