Vươn mình bằng đôi cánh của chính mình

Chúng ta làm 'làm tổ cho đại bàng' nhưng để vươn mình, phải bằng đôi cánh của chính mình. Do đó, cần phải có hệ chính sách phát triển các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt và tiếp tục tạo lập các doanh nghiệp nhỏ, vừa vươn thành lớn để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, vững bền.

Nguồn: Nghị quyết số 25/NQ-CP Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Nghị quyết số 25/NQ-CP Đồ họa: Phương Anh

Đây là một trong những đề xuất được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi tới Hội nghị của Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp tư nhân trong đầu xuân Ất Tỵ 2025.

Cần sự hợp lực chặt chẽ giữa khu vực công và tư

Theo báo cáo, Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu của kỷ nguyên mới. Với các chuyển động hiện nay, trong đó có cuộc cách mạng tinh, gọn bộ máy; xây dựng mục tiêu tăng trưởng cao; đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nhận thấy kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang gắn với những công việc rất mới và quy mô rất lớn, có thể gọi đó là các “bài toán quốc gia”. Do vậy, thực sự cần tư duy mới và cách làm đột phá, cùng sự hợp lực chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Chính sách phát triển đất nước hiện nay gắn với hai mục tiêu: trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được Net-Zero vào năm 2050. Hai mục tiêu này tuy rất thách thức nhưng nếu đạt được sẽ giúp tạo lập một Việt Nam “Thịnh vượng hơn, bền vững hơn”. Để đạt được 2 mục tiêu này, cần gia tăng năng suất lao động và chuyển đổi nền kinh tế sang các lĩnh vực xanh/bền vững hơn.

“Khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực chính trong việc phát triển công nghệ lõi, giải bài toán năng suất lao động và thúc đẩy chuyển đổi xanh/bền vững quốc gia”, báo cáo khẳng định.

Tuy vậy, có 3 điểm nghẽn chính mà mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đang gặp phải là: Cơ sở hạ tầng; Chất lượng nguồn nhân lực; và Thể chế. Bên cạnh đó có thể kể đến các điểm nghẽn khác về thị trường vốn, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia… nhưng 3 điểm nghẽn kể trên được coi là các nút thắt của quá trình phát triển đất nước và nền kinh tế. Do đó, muốn doanh nghiệp tư nhân thực sự có thể tăng tốc, bứt phá góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới thì cần trọng tâm giải quyết 3 nút thắt này.

4 mũi giáp công để đất nước vươn mình

Trong bối cảnh đó, Ban IV đề xuất 4 giải pháp lớn được coi là “mũi giáp công” để đất nước vươn mình.

Thứ nhất là cải cách thể chế. Theo đó, cần cải cách thể chế triệt để, xây dựng chính quyền “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Cải cách thể chế cần lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, đặt niềm tin và giao việc cho doanh nghiệp tư nhân tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, thông qua các bài toán cụ thể chứ không chỉ dừng ở mặt tinh thần.

Thứ hai là phát triển mạnh mẽ kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để trở thành nước có thu nhập cao thì cần thay đổi mô hình kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo với các ngành có lợi thế, công nghệ lõi, có tác động lan tỏa. Bán dẫn, AI, xe điện… đang mang đến cho đất nước những cơ hội để vươn mình thực sự.

Thứ ba là phát triển nhân lực chất lượng cao. Thay vì cạnh tranh bằng nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ như trước, kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên thay đổi nhận thức của thế giới về con người Việt Nam. Chúng ta sẽ cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khát vọng.

Mũi giáp công thứ tư chính là phát triển các doanh nghiệp dân tộc, dẫn dắt nền kinh tế.

Sau 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Chúng ta hay nhắc đến “làm tổ cho đại bàng” nhưng để vươn mình, chúng ta phải vươn bằng đôi cánh của chính mình. Do đó, cần phải có hệ chính sách phát huy, phát triển các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt và tiếp tục tạo lập các doanh nghiệp từ nhỏ, vừa vươn thành lớn để giải quyết các bài toán trọng điểm quốc gia; để tham gia và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Trên cơ sở những giải pháp này, Ban IV cũng kiến nghị 5 việc cần làm ngay, trọng tâm trong năm 2025.

Đó là giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, triển khai hiệu quả Nghị quyết 57. Cùng với đó đẩy mạnh phát triển kinh tế số và chuyển đối số quốc gia với tư duy phát triển rõ ràng, thông điệp cùng cách làm nhất quán, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt lưu ý xây dựng cơ chế cụ thể về khai thác, chia sẻ dữ liệu đặc biệt là dữ liệu mở cho khu vực tư nhân căn cứ trên các quy định của Luật Dữ liệu 2024 và đưa vào vận hành sớm trong 2025 vì trong kinh tế số, dữ liệu là mỏ vàng.

3 nút thắt trọng tâm cần gỡ để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc

Theo Ban IV, có 3 điểm nghẽn chính mà mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đang gặp phải là: Cơ sở hạ tầng; Chất lượng nguồn nhân lực và Thể chế. 3 điểm nghẽn kể trên được coi là các nút thắt của quá trình phát triển đất nước và nền kinh tế. Muốn doanh nghiệp tư nhân thực sự có thể tăng tốc, bứt phá góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới thì cần trọng tâm giải quyết 3 nút thắt này.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vuon-minh-bang-doi-canh-cua-chinh-minh-170275.html