Đầu tư công là trụ cột để thực hiện mục tiêu tăng trưởng mới
Theo Ủy ban Kinh tế, đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, vì vậy cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý.
Sáng 12/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_595_51454847/2bc631f907b7eee9b7a6.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Đề án xây dựng kịch bản: Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Về các động lực tăng trưởng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng); đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên, thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…
Từ các cơ sở trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 8% TRỞ LÊN
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
![Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: CTTĐT Quốc hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_595_51454847/2d52096d3f23d67d8f32.jpg)
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, UBKT cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, UBKT đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công. Quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh, đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, vì vậy cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công. Chính phủ cần bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm trong bối cảnh đây vẫn là khâu yếu kéo dài nhiều năm. Cùng với đó, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn công phải thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Trước rủi ro thuế quan của các đối tác lớn, UBKT lưu ý việc khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 Hiệp định FTA đã ký kết; thúc đẩy, sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do đối với các thị trường mới, có tiềm năng. Theo dõi chặt chẽ để khai thác hiệu quả việc chuyển dịch thương mại và công nghệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Minh bạch chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu; chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.
Có giải pháp cụ thể, thực chất, hiệu quả để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, nâng cao năng suất lao động.
Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội. Có cơ chế, chính sách thực chất, hiệu quả bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.